Cuba, Mỹ và Thông điệp Liên bang của Obama
Nếu Tổng thống Barack Obama đề cập đến chính sách Cuba của mình vào tối ngày 20/1 tới đây (sáng 21/1 giờ Việt Nam), bài diễn văn hàng năm hay còn gọi là Thông điệp Liên bang của ông Obama sẽ không giống bất kỳ bài diễn văn nào trước đây của một người đứng đầu Nhà Trắng.
Những người tiền nhiệm của ông, như Tổng thống William McKinley và Teddy Roosevelt đều đã sử dụng bài diễn văn này để biện minh cho việc can thiệp vào Cuba, viết lại Hiến pháp Mỹ, kiểm soát các vấn đề nội bộ hay xem Vịnh Guantanamo như một trạm tiếp năng lượng cho Hải quân Mỹ. Gần đây hơn, Tổng thống Kennedy và Reagan đề cập đến việc ngăn chặn ảnh hưởng của “cộng sản”…
Tuy nhiên, những ý tưởng đó từ lâu nay đã không còn giành được sự cộng hưởng tại nước Mỹ. Lần này, Tổng thống Obama có thể tái định hình lại bài diễn văn quan trọng của mình và đưa ra những thay đổi.
Với chính sách giảm các rào cản về thủ tục giấy tờ đối với hoạt động đi lại, ông Obama sẽ mang lại hình ảnh mới cho vai trò của chính phủ Mỹ. Với mục tiêu là đưa thêm nhiều du khách đến hòn đảo này để trao đổi ý kiến với người dân Cuba.
Và chính sách này cũng thực tế hơn nhiều. Nhằm mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận của người dân Cuba với thông tin, chính sách nói rằng không cần phải xin giấy phép từ chính phủ liên bang nên du khách có thể mang theo ổ đĩa nhỏ, máy tính xách tay, hoặc điện thoại di động để cung cấp cho người dân Cuba như những món quà.
Những gì mà ông Obama đã thực hiện – điều mà những người tiền nhiệm của ông đã không làm và không thể làm – là mở ra một không gian chính trị đáng kể cho các nhân vật không phải là công chức hay quan chức chính phủ, để họ làm một công việc khó khăn nhưng cần thiết là đưa Cuba và Mỹ tới gần nhau hơn. Tuy nhiên, ngoại giao vẫn đóng vai trò quan trọng – sẽ được chứng minh trong chuyến thăm vào tuần tới của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Roberta Jacobson, để nối lại quan hệ ngoại giao, mở lại sứ quán, và thể hiện những quan điểm của Mỹ về nhiều vấn đề.
Người ta hy vọng Tổng thống Obama nói về những thay đổi này, nhưng ông cũng nên chuẩn bị cho công chúng và Quốc hội về con đường phía trước.
Hai nước và công chúng hai nước không thể hàn gắn mối quan hệ đã bị phá vỡ trong lịch sử này chỉ qua một đêm.
Ngay cả khi mọi thứ thuận lợi nhất thì điều đó cũng phải mất thời gian. Phái cứng rắn ở cả hai bên sẽ vẫn tồn tại và thậm chí mạnh mẽ hơn, nhưng họ sẽ ngày càng thấy mình chỉ như người sống trong “thời đã qua”.
Tối thứ ba tới sẽ là cơ hội hiếm có để Tổng thống thể hiện quyền lực và tiếng nói về những cách thức mới mà Mỹ và Cuba có thể cam kết và liên quan đến nhau. Nếu ông Obama nói những điều này, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có một bài Thông điệp Liên bang kiểu như vậy.
Thống đốc bang New York sẽ thăm Cuba Ngày 18/1, hãng AP của Mỹ đưa tin Thống đốc bang New York Andrew Cuomo sẽ thăm Cuba trong thời gian tới với mục tiêu thúc đẩy thương mại giữa đảo quốc Caribe và bang này. Theo Người phát ngôn của ông Cuomo, hiện vẫn chưa rõ ngày tháng cụ thể của chuyến đi nhưng đây là một phần trong chiến dịch xúc tiến thương mại “Global NY”. Trước đó, Thống đốc Cuomo từng tuyên bố trong nhiệm kỳ 2 của mình sẽ thăm Israel, Trung Quốc, Mexico và một số nước khác để triển khai chiến dịch này. Thông tin về chuyến thăm của Thống đốc bang New York được đưa ra chỉ một ngày sau khi báo chí đồng loạt đưa tin về chuyến thăm của một phái đoàn gồm 6 nhà lập pháp Mỹ tới thủ đô La Habana (Cuba) hôm 17/1. Đây là chuyến công tác đầu tiên của nghị sĩ Quốc hội Mỹ tại Cuba kể từ khi hai nước tuyên bố kế hoạch bình thường hóa quan hệ vào tháng 12/2-14. Tại đây, các nhà lập pháp Mỹ đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương, xúc tiến kế hoạch bình thường quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tiến tới một mối quan hệ mang tính xây dựng trong tương lai. Trong chương trình làm việc 3 ngày tại Cuba, các nhà lập pháp Mỹ sẽ tiếp xúc với cán bộ chính quyền và Đại sứ nhiều nước châu Âu và châu Mỹ khác như: Mexico, Tây Ban Nha, Na Uy và Colombia |