1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vòng 2 bầu cử cấp vùng Pháp:

Cử tri vẫn chưa thấy đối sách với phe cực hữu

(Dân trí) - Một ngày trước khi diễn ra vòng hai bầu cử cấp vùng vào Chủ nhật 13/12, các đảng chính trị truyền thống tại Pháp vẫn chưa cho cử tri thấy được đối sách với phong trào cực hữu.

Cử tri vẫn chưa thấy đối sách với phe cực hữu - 1

Cử tri Pháp dự mit tinh do bà Marine le Pen tổ chức tại Paris ngày 10/12. (Ảnh: Cyril Bitton)

Nhật báo Le Monde ra ngày 11-12 nêu rõ: cho đến nay do không tìm ra được một giải pháp nhằm ngăn chặn thế đang lên của Mặt trận Quốc gia cực hữu, nội bộ lãnh đạo phe hữu vẫn đang bị chia rẽ và giằng co giữa hai đối sách sử dụng chiến lược trung dung hay nghiêng hơn về phía hữu?

Cũng theo Le Monde, kết quả không khả quan của phe hữu truyền thống cho thấy họ bị chia rẽ về ý thức hệ, mà hệ quả thấy rõ là không có chiến lược vận động tranh cử. Trong khi cựu Thủ tướng Alain Juppé và nhiều nhân vật nặng ký khác của đảng Những người Cộng hòa chủ trương “ôn hòa”, thì nhóm thứ hai theo phái của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy chọn đối sách “áp sát” thông điệp của phe cực hữu để giữ cử tri ở lại với mình. Hệ quả là phái hữu lại sử dụng ngôn từ và đề tài mị dân của phe cực hữu.

Sự thiếu vắng chiến lược và chiến thuật còn rõ nét hơn trên thực địa. Le Monde đưa ra dẫn chứng tại Alsace - một làng trù phú ở sát biên giới Đức vốn theo cánh hữu ôn hòa, vậy mà đa số cử tri lại bỏ phiếu cho bà Marine Le Pen của phe cực hữu.

Nghịch lý đó khiến vị xã trưởng than thở rằng không thể nào hiểu nổi vì sao đảng Xã hội lại không thể chen chân được vào đây. Dân cư nơi này có cuộc sống sung túc, hàng ngày họ thường qua biên giới sang Đức làm việc, nhiệt tình lo liệu cho hai gia đình người tị nạn hội nhập thành dân Pháp. Thế mà vừa qua gần một nửa cử tri lại dồn phiếu cho đảng bài ngoại có chủ trương co cụm, đóng cửa biên giới để... bảo vệ quyền lợi cho dân Pháp?

Để tìm câu trả lời hợp lý nhất, các phóng viên của Nhật báo La Croix đi một vòng quanh các tỉnh nhỏ để tiếp xúc với cử tri của phe cực hữu. Kết quả được họ xác nhận là: với tỷ lệ đạt 30% số phiếu, đảng cực hữu đã xâm nhập được vào mọi thành phần xã hội và có thể nói là với mọi lứa tuổi, bao gồm cả những cộng đồng thuộc loại “khó nhằn” nhất như tầng lớp trung lưu, công chức, tư chức trung cấp và cả lãnh vực công như y tế, bệnh viện, thuộc ảnh hưởng truyền thống của đảng Xã hội và những công nhân thợ thuyền, cử tri của đảng Cộng sản Pháp.

Lý giải chung từ những cử tri này là: bởi họ thấy "được bà Marine Le Pen quan tâm đến số phận của mình". Và rằng: Mặt trận Quốc gia là đảng cánh hữu thực thụ, sát sao với dân chứ không phải là phát-xít. Rồi nào là lo ngại người nhập cư đông quá đe dọa trật tự xã hội, nào là cho rằng đạo Hồi đi ngược lại cội nguồn văn hóa Pháp, cũng như nhiều người dân quá chán nản vì tiền lương hưu không đủ sống…

Từ những nhân chứng cụ thể trên, La Croix nhận định rằng cho dù kết quả ngày Chủ nhật ra sao, nước Pháp vẫn đứng trước một vấn đề chiến thuật là cần rút tên nhường chỗ của hai đảng truyền thống và thỏa hiệp vào phút chót. Còn những diễn văn với ngôn từ “đao to búa lớn” cũng chỉ tạm ngăn chặn được đảng cực hữu chiến thắng mà thôi .

Giải pháp hiệu quả nhất cần đến lòng can đảm và kiên nhẫn. Các chính trị gia phải can đảm nói thật với dân là cần nhiều thời gian và mồ hôi mới chấn hưng được kinh tế. Nói thật rồi phải làm thật, chia sẻ gánh nặng và lợi nhuận đồng đều, để trong xã hội không có một bộ phận nào bị bỏ quên.

La Croix đồng thời cũng bày tỏ đánh giá cao việc Quốc hội Pháp trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng, vẫn đồng loạt biểu quyết hai đạo luật đáp ứng nhu cầu xã hội của dân chúng.

Thứ nhất là luật chống lãng phí thực phẩm, buộc các siêu thị trên toàn quốc phải cung cấp thực phẩm gần hết hạn cho các tổ chức từ thiện để hỗ trợ người thiếu thốn, thay vì vất bỏ.

Thứ hai là thực hiện 10 thí điểm “lãnh thổ không thất nghiệp” trước khi mở rộng hơn, theo sáng kiến của các tổ chức xã hội công dân: tuyển dụng người thất nghiệp làm công tác hữu ích thay vì trợ cấp.

Những sáng kiến này được cho là sẽ dần dần đem lại niềm tin cho dân chúng.

Quý Cao

(tổng hợp từ báo chí Pháp)