Crimea 1 năm nhìn lại: Thất bại của Mỹ và “tiêu chuẩn kép” với Nga
Thất bại trong việc biến Crimea thành một căn cứ quân sự của mình 1 năm về trước, Mỹ sau đó đã liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
“NATO rất muốn xây dựng căn cứ quân sự tại Crimea mà cụ thể hơn là ở Sevastopol, bởi điều này sẽ khiến cho vị thế của Nga tại Biển Đen suy giảm nghiêm trọng. Mỹ từ lâu đã có tham vọng chiếm Crimea và giờ tham vọng này bị sụp đổ hoàn toàn”, ông Marcus Papadopoulos, chuyên gia về chính trị người Anh hiện là Tổng biên tập Tạp chí Politics First nhận định.
Mỹ luôn coi toàn bộ không gian hậu Xô Viết có vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng trong chiến lược đối đầu với Nga của mình và mục tiêu hàng đầu trong chiến lược này chính là thay đổi chế độ tại Moscow, ông Srdja Trifkovic, chuyên gia phân tích ngoại giao và từng là cố vấn cho hai đời Tổng thống Serbia chia sẻ.
Việc chơi trò hai mặt luôn là một đặc điểm nổi bật trong chính sách ngoại giao của Mỹ, ông Trifkovic nói và nhắc lại câu chuyện năm 1990, khi mà Ngoại trưởng Mỹ lúc đó cam kết với lãnh đạo Xô Viết Mikhail Gorbachev rằng NATO sẽ không mở rộng về phía Đông nếu Liên Xô chấp thuận việc nước Đức thống nhất.
Tuy nhiên, Mỹ sau đó đã nuốt lời và NATO đã mở rộng sang phía Đông tới hai lần. Hiện Mỹ đã đưa nhiều loại vũ khí hạng nặng của mình đến các quốc gia vùng Baltic.
“Chính vì vậy, những người nghĩ rằng NATO sẽ kiềm chế trong việc biến Sevastopol thành một căn cứ Hải quân của Mỹ nên nhìn lại bài học lịch sử đó. Và nếu họ vẫn cho rằng cả Mỹ và NAO đều không có tham vọng như vậy thì hiển nhiên là họ đang sống trong mộng tưởng, trong một câu chuyện cổ tích”, ông Trifkovic nói.
Cũng đồng tình với ông Trifkovic, ông Papadopoulos khẳng định, căn cứ hải quân Sevastopol có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trên Biển Đen và trong hai thập kỷ qua, Mỹ chưa bao giờ nguôi tham vọng biến căn cứ này thành của mình.
“Sevastopol là một trong những căn cứ hải quân quan trọng nhất thế giới. Tham vọng của NATO tại Đông Âu đã bị giáng một đòn mạnh (khi họ không thể chiếm được căn cứ này”, ông Papadopoulos nói.
Mỹ không dễ từ bỏ Crimea
Những lời chỉ trích gay gắt của phương Tây nhằm vào Nga sau vụ sáp nhập Crimea chính là một ví dụ cho thấy chính sách sử dụng “tiêu chuẩn kép” của phương Tây, nhất là khi so sánh với việc Kosovo đòi tách khỏi Serbia theo cách mà NATO và EU dàn dựng trong cuộc chiến tại Kosovo năm 1999.
“Dĩ nhiên, những kẻ gây ra việc này có thể cho rằng, vụ việc tại Kosovo khó có thể là tiền lệ cho các vụ việc sau này. Tuy nhiên, rõ ràng là họ đang dối lòng mình. Đó là một tiền lệ và Nga hoàn toàn có quyền sáp nhập lại Crimea vì bán đảo này từng thuộc về Nga từ thời Catherine Đại đế. Quyền sáp nhập Crimea của Nga còn rõ ràng hơn so với việc người Albani đòi thành lập một nhà nước Kosovo độc lập bởi họ không có một căn cứ nào kể cả về mặt pháp lý và đạo đức”, ông Trifkovic nói.
Chuyên gia Papadopoulos cũng cho rằng, Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế và các cơ chế của Liên Hợp Quốc “khi họ tách Kosovo khỏi Serbia và biến Kosovo trở thành quốc gia độc lập”.
Dù có tới 96% người dân Crimea bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập trở lại Nga trong cuộc trưng cầu ý dân một năm về trước nhưng phương Tây vẫn không coi cuộc trưng cầu này là hợp lệ.
Phương Tây luôn coi Crimea là một công cụ quan trọng để gây sức ép với Nga và không dễ gì từ bỏ Crimea dù cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang từng bước được giải quyết.
“Crimea là công cụ trong tay họ để lấy cớ áp đặt các lệnh trừng phạt Nga, dù tình hình Ukraine có được giải quyết một cách hòa bình hay không thì tôi không nghĩ rằng phương Tây là có thể chấp nhận tính hợp pháp trong việc sáp nhập Crimea trở lại Nga bởi Crimea chính là cái cớ không thể tốt hơn để tiếp tục gây sức ép với Nga và bôi nhọ hình ảnh của ông Putin theo cách mà họ mong muốn”, ông Trifkovic lý giải.
Sáp nhập vào Nga, sự lựa chọn đúng đắn của người Crimea
Hồi tưởng lại cuộc trưng cầu ý dân một năm về trước, ông Trifkovic, người trực tiếp quan sát cuộc trưng cầu, cho biết, ông đã trao đổi với nhiều người Crimea tại thời điểm đó để nắm được tâm tư tình cảm của họ.
Nhiều người Crimea cho rằng, họ chọn sáp nhập lại Nga vì họ không có cách lựa chọn nào khác nếu muốn có được quyền tự chủ của riêng mình.
“Tình hình hỗn loạn tại Ukraine và cuộc đảo chính lật đổ chính quyền của ông Yanukovich tại thời điểm đó khiến họ cảm thấy bất an và họ không còn muốn ở lại với Ukraine bởi sự an toàn của họ không còn được bảo đảm nữa”, ông Trifkovic nhận định.
Trước đó, trong một bộ phim tài liệu có tựa đề “Crimea. Way Back Home” (tạm dịch là: Crimea. Đường trở về nhà”, phát trên kênh Rossiya-1 TV, Tổng thống Nga Putin đã lý giải việc sáp nhập Crimea trở lại Nga.
Tổng thống Putin nêu rõ, hành động của Nga tại Crimea hoàn toàn mang tính chất phòng vệ và để bảo vệ người Nga và những người nói tiếng Nga tại Crimea.