1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Covid-19 khoét sâu mâu thuẫn Mỹ - Trung trên nhiều "mặt trận"

(Dân trí) - Với những diễn ngày càng xấu đi của tình hình dịch bệnh tại Mỹ, quan hệ Mỹ - Trung được báo sẽ còn thêm đối đầu, nhất là khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến rất gần.

Covid-19 khoét sâu mâu thuẫn Mỹ - Trung trên nhiều mặt trận - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) (Ảnh: Financial Express)

Vào ngày 15/1, dường như Mỹ và Trung Quốc đã tránh được kịch bản nhanh chóng rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố “mối quan hệ với Trung Quốc chưa từng tốt đẹp như thế” trong khi ký thỏa thuận thương mại sơ bộ giúp “gắn kết hai nước”. Thỏa thuận giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã làm dấy lên hi vọng rằng siêu cường thế giới có thể giải quyết một cách hòa bình các mâu thuẫn với một Trung Quốc đang lớn mạnh.

Cùng ngày hôm đó, giới chức y tế tại thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, thừa nhận rằng họ không loại trừ việc một căn bệnh viêm phổi bí ẩn lẫy nhiễm từ người sang người, vốn đã khiến 41 người bị bệnh. Một người đàn ông từ Vũ Hán trở về nhà tại bang Washington đã nhiễm virus - ca mắc bệnh đầu tiên được xác nhận tại Mỹ mà sau này được đặt tên là bệnh Covid-19.

Mâu thuẫn trên nhiều mặt trận

Bốn tháng sau đó, virus đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu tồi tệ nhất trong ít nhất 1 thế kỷ, khiến hơn 300.000 người thiệt mạng và đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Đại dịch cũng làm "hồi sinh" những kịch bản tồi tệ nhất về quan hệ Mỹ - Trung, đẩy hai nước tiến gần tới sự đối đầu chưa từng có kể từ khi thiết lập quan hệ chính thức 4 thập niên trước.

Từ các chuỗi cung ứng tới thị thực, an ninh mạng và vấn đề Đài Loan, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang leo thang các mâu thuẫn trên nhiều mặt trận vốn chưa bao giờ thực sự yên ả. Ông Trump đang thể hiện sự giận dữ với thỏa thuận thương mại, một trong số ít các cam kết nhằm ngăn chặn các cuộc "khẩu chiến" rơi vào một cuộc chiến thực sự. Ngày 14/5, ông Trump thậm chí còn tuyên bố ông không muốn nói chuyện với ông Tập và Mỹ sẽ “tiết kiệm 500 tỷ USD” nếu cắt quan hệ với Trung Quốc.

Đáp trả, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hối thúc Mỹ từ bỏ “ý nghĩ thời Chiến tranh Lạnh” và hợp tác trong cuộc chiến chống Covid-19.

Mâu thuẫn giữa hai nước nhiều khả năng sẽ ồn ào hơn trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Ông Trump ngày càng đổ lỗi cho Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Covid-19 vì nó đang cản trở cơ hội của ông nhằm tái đắc cử, trong khi ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, quốc hội và các bang cũng tham gia vào "cuộc chiến" với Trung Quốc. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đã tung các lực lượng để chống lại Mỹ, trong bối cảnh xuất khẩu trì trệ và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao đang đẩy nước này tới cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ.

“Các cuộc tấn công Covid-19 nhằm vào cả Mỹ và Trung Quốc dường như đã đẩy sự tụt dốc của quan hệ giữa 2 nước xuống ngưỡng kỷ lục. Kể từ khi hai bên bình thường hóa năm 1979, quan hệ Mỹ - Trung chưa từng nguy hiểm và đối đầu như ngày nay”, Bloomberg dẫn lời Gao Zhikai, từng là người phiên dịch của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, nói.

Nền kinh tế Mỹ lún sâu vào khủng hoảng do đại dịch Covid, vốn khởi phát tại Trung Quốc, có thể khiến Tổng thống Trump tuột mất cơ hội tái đắc cử, mà trước đó cơ hội chiến thắng của ông được đánh giá là rất cao.

Mặc dù thỏa thuận thương mại hiện thời giúp giảm nguy cơ về các loại thuế mới, hầu hết mâu thuẫn khác giữa hai nước vẫn không thay đổi, thậm chí còn tồi tệ hơn. Ông Trump và các cố vấn đã "trút giận" vào Trung Quốc với hàng loạt các chỉ trích hầu như mỗi ngày, trong đó có các cáo buộc rằng virus gây bệnh Covid-19 bị rò rỉ tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, rằng Bắc Kinh đang lợi dụng các nguồn y tế hay các tin tặc Trung Quốc tấn công các công ty Mỹ đang nghiên cứu về vắc xin.

Cùng lúc đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc và các báo chí chính thống đã tung ra các thuyết âm mưu rằng các vận động viên của quân đội Mỹ đưa virus tới Vũ Hán, cáo buộc các chính trị gia Mỹ muốn chuyển hướng sự đổi lỗi về số ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới. Bắc Kinh cũng chỉ trích giới chức chính quyền Mỹ là “dối trá”.

Quan hệ Mỹ - Trung tồi tệ nhất trong nhiều thập niên

Cuộc khủng hoảng đã khiến các nhân vật “diều hâu” ở cả hai phía đưa ra những lời đe dọa hiếm khi xuất hiện trong hàng thập niên qua khi hầu hết chính giới tại Washington ủng hộ quan hệ với Bắc Kinh. Các nghị sĩ cấp cao của đảng Cộng hòa đã “đòi” Trung Quốc xóa nợ hơn 1 nghìn tỷ để bồi thường cho thiệt hại do Covid-19 - một động thái mà ông Gao Zhikai ví như “hành động chiến tranh”, trong khi tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu đề xuất tăng gấp hơn 3 kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, hiện ở con số khoảng 300 đầu đạn hạt nhân.

Đại dịch Covid-19 cũng làm “sống lại” những căng thẳng trong các mâu thuẫn cũ, như vấn đề Đài Loan, trong đó Trung Quốc đã ngăn chặn hòn đảo tham gia các sự kiện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hồi tháng trước, một quan chức y tế hàng đầu của Trung Quốc đã có cuộc điện đàm hiếm hoi với người đồng cấp Đài Loan, và hồi tuần trước Thượng viện Mỹ cũng thông qua dự luật ủng hộ Đài Loan tham gia các cuộc gặp của WHO trong khi một tàu khu trục Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan.

Việc đưa tin tại 2 nước bị tác động nghiêm trọng nhất, khi hàng chục nhà báo đã bị trục xuất ở mỗi nước trong những tháng gần đây. Bắc Kinh đã cảnh báo trả đũa thêm hồi tuần này sau khi Mỹ giới hạn thị thực cho các nhà báo Trung Quốc xuống chỉ còn 90 ngày.

Mâu thuẫn ngày càng lớn giữa 2 nước đã khiến một số nhân vật tại Trung Quốc bi quan về viễn cảnh một thỏa thuận thương mại khác giữa nước. Shi Yinhong, một cố vấn cho nội các Trung Quốc và cũng là một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh, đã nói trong một bài phát biểu gần đây rằng nước này nên giảm bớt giọng điệu cứng rắn với hi vọng duy trì quan hệ hậu bầu cử với đảng Dân chủ, vốn đang nhắm tới trách nhiệm của Tổng thống Trump về sự bùng phát đại dịch Covid -19 tại Mỹ.

“Nếu đắc cử, ông Biden sẽ bớt lý thuyết và thực tế hơn”, Susan Shirk, từ Đại học San Diego California, nói. “Thay vì đối đầu Trung Quốc trên diện rộng với mục tiêu không rõ ràng, chính quyền Biden có thể gia tăng áp dụng trong một số lĩnh vực trong khi vẫn cương quyết trong các lĩnh vực khác - như an ninh quốc gia và công nghệ, với mục tiêu là thúc đẩy các thay đổi trong chính sách của Trung Quốc”.

Nhiều vấn đề sẽ phụ thuộc vào việc liệu thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của ông Trump với ông Tập có tiếp tục được duy trì qua ngày bầu cử (3/11) hay không. Ông Trump ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn với Trung Quốc và cũng có dự đoán rằng Bắc Kinh nhiều khả năng không đáp ứng được các cam kết mua thêm 200 tỷ hàng hóa Mỹ trong năm nay và năm tới.

“Như tôi đã nói trong một thời gian dài, làm ăn với Trung Quốc rất đắt đỏ. Chúng tôi mới có một thỏa thuận thương mại tuyệt vời, và mực còn chưa ráo thì thế giới bị tấn công bởi đại dịch từ Trung Quốc. 100 thỏa thuận thương mại cũng không bù đắp được khác biệt này và mạng sống của tất cả những người vô tội”, ông Trump viết trên Twitter ngày 13/5.

Nhưng ông Trump và ông Tập có thể không mong một cuộc chiến thuế quan, trong bối cảnh đại dịch đang đẩy các nền kinh tế của họ vào khủng hoảng lịch sử. Mối đe dọa lớn nhất đối với cả hai nhà lãnh đạo là sự gia tăng không ngừng về tỉ lệ thất nghiệp, vốn có thể dẫn tới bất ổn chính trị. Hơn 88.000 người đã thiệt mạng do đại dịch Covid-19 tại Mỹ, khiến nước này trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nhất thế giới.

Mỗi một cuộc chiến mới chỉ làm gia tăng những nghi ngờ giữa hai cường quốc. Nhận sự gián đoạn về các chuỗi cung ứng gây ra do đại dịch, Mỹ đã hối thúc các công ty Mỹ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Tổng thống Trump mới đây tuyên bố ông đang nhắm tới các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ nhưng không tuân thủ các quy tắc kiểm soát của nước này. Quỹ hưu trí tiết kiệm và đầu tư liên bang (FRTIB), vốn giám sát một kế hoạch tiết kiệm về vưu cho người lao động liên bang, đã trì hoãn một động thái cho phép đầu tư hàng tỷ USD vào các công ty Trung Quốc. Cùng ngày, Thượng viện Mỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc có liên quan tới các cáo buộc lạm dụng nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Trong khi đó, Thời báo Hoàn cầu ngày 15/5 cảnh báo rằng Trung Quốc đang xem xét các biện pháp trả đũa chống lại giới chức Mỹ, như Tổng chưởng lý bang Missouri Eric Schmitt, người đang kiện Trung Quốc để đòi đền bù về Covid-19, và các nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton và Josh Hawley. Tờ báo cũng nói thêm rằng quan hệ làm ăn giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ bị tổn hại nếu Bắc Kinh có các động thái trả đũa.

Chuyên gia Shi Yinhong, từ Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng các nỗ lực nhằm chia tách 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như “rộng hơn nhiều và ít chọn lọc hơn trước, trong bối cảnh hai bên ưu tiên các vấn đề trong nước”.

“Quan hệ Mỹ - Trung đã rơi vào trạng tháng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên và sẽ chỉ căng thẳng hơn”, ông Shi nói. “Do đó, đối đầu chiến lược sẽ giảm bớt, nhưng các căng thẳng chính trị và ý thức hệ sẽ cố tình bị đẩy lên”.

An Bình

Tổng hợp