1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Công việc nguy hiểm của những người dò bom mìn tại Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Các chuyên gia rà phá bom mìn ở Ukraine cảnh báo, sẽ mất nhiều năm để xóa bỏ mối đe dọa về vật liệu nổ tại nước này, dù chiến tranh có kết thúc ngay ngày mai.

Công việc nguy hiểm của những người dò bom mìn tại Ukraine - 1

Một thành viên của đội rà phá bom mìn làm việc ở phía đông bắc của Kiev, Ukraine (Ảnh: Guardian).

Trong khu rừng giáp với làng Zalissia, phía đông bắc thủ đô Kiev của Ukraine, một cọc gỗ sơn màu vàng được đóng trên nền đất cát bên cạnh thân cây bị bom mìn băm nhỏ.

Một người đàn ông địa phương tên Eduard vào rừng để tìm kiếm những món đồ từng bị mất do cuộc xung đột Ukraine. Nhưng lúc đó, ông đã giẫm phải quả mìn sát thương và thiệt mạng trong vụ nổ.

Khi các đường hào và hố bom mìn do binh sĩ Nga để lại vẫn còn giữa những lùm cây, những ngày này, các đội rà bom mìn đang bận rộn làm việc với Halo Trust, tổ chức từ thiện rà phá bom mìn của Anh.

Những sự cố khác xảy ra vào cuối tháng 9 đã lộ rõ nguy cơ về bom mìn chưa nổ còn sót lại: một chiếc xe cấp cứu chạy qua khu mỏ gần Balakliya, và 4 người đi bộ trong khu rừng gần Chernihiv đã thiệt mạng sau khi giẫm phải quả mìn.

Ngay cả trước khi xảy ra xung đột Ukraine vào cuối tháng 2, các chuyên gia dò mìn đã phải đối mặt với vấn đề nguy hiểm này từ khu vực miền Đông Ukraine.

Ukraine là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về thương vong dân sự do mìn gây ra và trong nhóm 3 nước đứng đầu về các sự cố do bom mìn.

Các chuyên gia khai thác bom mìn địa phương cảnh báo, ngay cả khi chiến tranh kết thúc vào ngày mai, Ukraine cũng sẽ phải mất ít nhất một thập niên để xóa bỏ mối đe dọa này.

Trong khi các cơ quan dịch vụ khẩn cấp nhà nước Ukraine, quân đội và các tổ chức phi chính phủ địa phương và quốc tế đang chạy đua nỗ lực giải quyết vấn đề rất phức tạp này, các hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cũng cho thấy các cách tiếp cận rủi ro hơn, bao gồm video ghi cảnh binh lính kích hoạt mìn bằng cành cây và thậm chí ném lốp xe.

Với các cuộc giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra ở miền Đông và Nam của Ukraine, những người dò phá bom mìn lo ngại về tương lai sẽ ngày càng có nhiều loại mìn khác nhau được lực lượng hai bên sử dụng, trong đó có "mìn bươm bướm" - một loại mìn khó phát hiện.

Hồi tháng 8, nhà chức trách địa phương cho biết khu vực trung tâm Donetsk đang rải rác loại mìn này sau khi bị "pháo binh Ukraine tấn công". Hiện tại, những thiết bị sát thương có vẻ ngoài hiền lành khó nhận biết này có thể đang ẩn mình khắp thành phố.

"Chúng là mìn sát thương, rất nhỏ. Tôi đã đọc về chúng trên mạng. Mọi người giẫm lên chúng. Chúng sẽ không gây chết người nhưng chắc chắn sẽ xé toác chân mình ra. Vì vậy, những người phá mìn hiện đang phải làm việc tại đây. Chúng tôi vừa thấy một vụ nổ", Lida, cư dân Donetsk, cho biết.

Rất khó để phát hiện "mìn bươm bướm" trong bụi cỏ hoặc trên mặt đất. Vì vậy, loại mìn này là mối đe dọa đối với người dân, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi.

Hậu quả xã hội, tâm lý và kinh tế

Tại làng Zalissia, trên con đường chính giữa Chernihiv và Kyiv, những quả mìn ẩn trong rừng gây ra những hậu quả xã hội, tâm lý và kinh tế - và các rủi ro ngay lập tức.

Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, con đường này nổi tiếng là điểm đến hấp dẫn vào mùa thu vì những người dân cao tuổi ở đây sẽ bày bán quả mọng và nấm họ hái được trong rừng cho những người đi ngang đường để kiếm thêm thu nhập bù đắp số tiền lương hưu ít ỏi.

Trong khi đó, các gia đình sẽ đi bộ và dã ngoại dưới giữa những tán cây tuyệt đẹp.

Công việc nguy hiểm của những người dò bom mìn tại Ukraine - 2

Một người thợ dò mìn trong rừng (Ảnh: Guardian).

Iryna Horyushko, giám sát viên cao cấp rà phá bom mìn, chia sẻ một bản đồ rải rác các khu vực cần khảo sát và rà phá.

Đây là quy trình thủ công chậm chạp và tốn công sức vì cây cối dày che phủ khiến việc triển khai các máy rà phá bom mìn cơ học được sử dụng trên thảo nguyên gặp nhiều khó khăn.

"Chúng tôi bắt đầu làm việc ở đây vào tháng 7. Như bạn có thể thấy, 97% diện tích khu vực này là rừng với những cây thông và cây chà là. Kế hoạch rà phá bom mìn rất phức tạp vì chúng tôi ở rất gần đường cao tốc. Mỗi sáng người dân địa phương ra bến xe và vẫn có công nhân lâm nghiệp vào rừng, nên nếu có ai đến gần chúng tôi phải dừng công việc", chuyên gia Horyushko cho biết. "Những người rà phá bom mìn luôn phải quỳ gối cả ngày để dọn dẹp 8-16 m2 khu vực nguy hiểm mỗi ngày".

Chuyên gia Tymur Pistriuha thuộc Hiệp hội thợ dò mìn Ukraine, nhóm phi lợi nhuận đại diện cho các công ty khai thác tại quốc gia này, cho hay: "Mọi người không thể quay trở lại cuộc sống bình thường".

"Một người bạn của tôi đã không cho con cô ấy gặp cha vì anh ấy sống ở một thành phố mới được giải phóng chỉ vì lo sợ rủi ro bom mìn. Đây đáng lẽ là mùa mà mọi người hái nấm và quả mọng, và lấy củi trên khắp Ukraine, nhưng chính phủ đã cảnh báo là không được vào rừng", chuyên gia này nói.

Chuyên gia Pistriuha nói thêm, tình hình thậm chí đã trở nên tồi tệ trước khi bùng nổ xung đột. "Tình hình đã nghiêm trọng ở khu vực miền Đông. Bây giờ tình hình có lẽ còn tồi tệ hơn gấp 20 lần. Không thể tính toán được vì chúng ta đang bùng nổ xung đột. Không ai biết có bao nhiêu bom mìn ở đây. Chúng tôi đang tìm mọi thứ. Mìn chống tăng, bẫy mìn và các thiết bị ứng biến khác... Mọi việc hỗn loạn và phức tạp".

Andro Mathewson, thuộc Halo Trust, người đã thu thập dữ liệu về các sự cố bom mìn trên khắp Ukraine, nói với Pistriuha rằng, có 450 loại bom, đạn khác nhau đã được tìm thấy ở nước này, bao gồm cả mìn và đạn chưa nổ.

Ở Zalissia, kể từ khi Eduard thiệt mạng do giẫm phải mìn nổ, hầu như không ai là không biết về sự nguy hiểm của vấn đề này.

Công việc nguy hiểm của những người dò bom mìn tại Ukraine - 3

Biển cảnh báo bom mìn trong khu rừng gần làng Zalissia, phía đông bắc Kiev của Ukraine (Ảnh: Guardian).

Trong xưởng sửa chữa ô tô cạnh nhà, Volodomyr Horbach nhớ lại hình ảnh xe tăng Nga tiến vào làng hồi tháng 3 và quân đội đã thành lập sở chỉ huy cách nhà ông chỉ vài ngôi nhà. Dân làng vẫn đang sống chung với hậu quả xung đột.

"Tôi có vào rừng lúc này không? Tất nhiên là không. Rất nguy hiểm. Chính quyền đã cảnh báo không được đi hái nấm và quân đội đã đến cửa nhà tôi để bảo tôi tránh xa ra", Horbach nói.

Cách vài cánh cửa, bà Lubov Kuash, 64 tuổi, đang chứng kiến 2 tình nguyện viên người CH Séc đo đạc ngôi nhà của bà, giúp sửa chữa ngôi nhà đã sập tầng hầm do bom đạn chiến sự.

"Tôi từng vào rừng hái nấm và thường bơi lội trong hồ ở đó. Nhưng giờ không còn nữa. Anh trai tôi vẫn đến đó để hái nấm bán. Không ai khác trong làng làm như vậy cả", bà Kuash nói.

Một người dân đang ngồi một mình bên đường cao tốc, bóc những cây nấm mà cô hy vọng sẽ bán được. Tuy nhiên, Tetyana Sikachina, 31 tuổi, đã phải nhanh chóng thu dọn đồ đạc ra cánh đồng sau nhà.

"Giờ tôi không muốn vào rừng nữa", cô nói. "Đi bộ và dã ngoại ở đó là một trong những thú vui của chúng tôi, hoặc đi câu cá. Nhưng giờ tôi không biết bao giờ chúng tôi mới có thể quay trở lại như vậy".

Theo Guardian