1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Cơn khát” nhân lực của Nhật Bản và bài toán bảo vệ quyền lợi lao động Việt Nam

(Dân trí) - Việc Nhật Bản thông qua luật cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài vào nưóc này theo tư cách lưu trú mới và việc Tokyo - Hà Nội ký biên bản ghi nhớ tiếp nhận nguồn nhân lực được coi là “một mũi tên trúng nhiều đích” khi vừa giải quyết “cơn khát” lao động của Nhật Bản, vừa đảm bảo lợi ích cho lao động từ Việt Nam.

“Cơn khát” nhân lực của Nhật Bản và bài toán bảo vệ quyền lợi lao động Việt Nam - 1

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio (Ảnh: Đức Hoàng)

Ngày 23/7, Đại sứ quán Nhật Bản đã tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về Tư cách lưu trú mới theo chương trình “Kỹ năng đặc định” nhân dịp Nhật Bản ký biên bản ghi nhớ  với Việt Nam về cơ chế mới hồi đầu tháng.

Tình trạng già hóa dân số dẫn tới sự thiếu hụt ngày càng lớn nguồn nhân lực đã dẫn tới quyết định tháng 12/2018 của Nhật Bản nhằm thông qua Luật Quản lý Xuất Nhập cảnh và chấp nhận tị nạn sửa đổi, trong đó cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài theo từ cách lưu trú “kỹ năng đặc định”. Việt Nam là 1 trong 8 nước tới thời điểm hiện tại đã ký bản ghi nhớ với Nhật Bản nhằm thực thi cơ chế mới.

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio, quan hệ hữu nghị nồng ấm và khăng khít của Hà Nội và Tokyo đã mở ra sự hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có giao lưu về con người. Tính đến năm 2018, có 330.000 công dân Việt Nam đang ở Nhật Bản học tập và làm việc, tăng hơn 7 lần trong 7 năm, đóng góp lớn lao cho sự phát triển kinh tế của Nhật Bản.

Tuy nhiên, ông Umeda chỉ ra rằng vẫn có nhiều điểm bất cập về vấn đề hợp tác về nhân sự ví dụ như sự tồn tại của những tổ chức, cơ quan môi giới giáo dục, lao động Việt Nam, hay cơ sở giáo dục, công ty Nhật Bản kém chất lượng, lừa đảo khiến cho những người trẻ Việt Nam trở thành nạn nhân và phải chịu nhiều áp lực nợ nần, cũng như ảnh hưởng tới tình hình an ninh của Nhật Bản. Đây là những vấn nạn mà chính phủ 2 nước đang quan tâm và khắc phục từng ngày.

Chính vì vậy, chương trình lao động kỹ năng đặc định ra đời nhằm mang lại lợi ích cho cả 2 nước khi giúp Nhật Bản giải quyết tình trạng khan hiếm, thiếu thốn lao động khi dân số già hóa, mặt khác bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho lao động Việt Nam nơi xứ người để họ có thể yên tâm làm việc và đóng góp.

Bảo vệ quyền lợi cho lao động Việt Nam

“Cơn khát” nhân lực của Nhật Bản và bài toán bảo vệ quyền lợi lao động Việt Nam - 2

Buổi hội thảo thu hút nhiều sự quan tâm từ các bạn trẻ, các đơn vị môi giới du học, lao động (Ảnh: Đức Hoàng)

Theo ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam, mục tiêu của chương trình đó chính là tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam tại Nhật Bản, đồng thời bảo vệ người lao động kỹ năng đặc định thông qua hoạt động phái cử và tiếp nhận triển khai một cách thuận lợi và đúng luật.

Việt Nam và Nhật Bản cam kết chia sẻ thông tin, hợp tác chặt chẽ để ngăn cản những hành vi môi giới, lừa đảo phạm pháp, xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm, đảm bảo lợi ích thực chất cho Việt Nam, Nhật Bản trong quá trình hợp tác song phương về lao động.

Theo đó, cơ chế mới sẽ có quy định rõ ràng với 14 ngành nghề mà Nhật Bản tiếp nhận lao động (dự kiến 345.150 người trong 5 năm), trong đó những ngành thiếu nhân sự nhiều nhất là điều dưỡng, xây dựng, nông nghiệp, nhà hàng ăn uống.

Chương trình cũng phân chia cụ thể đối tượng lao động dựa theo năng lực, kinh nghiệm công tác, ngành nghề quy định với các kỳ thi được tổ chức rõ ràng, minh bạch đảm bảo nguồn lao động chất lượng phù hợp với yêu cầu của Nhật Bản. Tương đương với 2 nhóm kỹ năng đặc định, thời gian lưu trú và quyền lợi của các đối tượng cũng sẽ được quy định khác nhau. 

Cơ chế mới thúc đẩy hoạt động môi giới lao động thông qua con đường chính thống theo đúng luật pháp, không tiếp nhận trung gian. Song song với đó, các bên môi giới ở Việt Nam và công ty nhận lao động ở Nhật Bản được cấp phép phải có nghĩa vụ đảm bảo quyền lợi hợp pháp về mức sống, lương thưởng cho lao động nhập cư, cũng như hỗ trợ chi phí đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng cho nhân lực. Ví dụ, lao động Việt Nam theo chương trình mới sẽ được hưởng lương tương đương người Nhật Bản cùng vị trí và trình độ, cũng như được bảo vệ theo luật lao động Nhật Bản một cách bình đẳng. 

Đi kèm với quyền lợi, lao động cũng phải có sự cam kết nghiêm ngặt về việc tuân thủ hợp đồng với đối tác, các quy định trong luật pháp Việt Nam và Nhật Bản và về nước đúng thời hạn quy định khi chương trình kết thúc.

Đức Hoàng