1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cơn khát hải sản và cuộc chiến của tàu cá Trung Quốc trên các đại dương

(Dân trí) - Dàn tàu cá hùng hậu của Trung Quốc, với sự hỗ trợ của cả lực lượng tuần duyên, đã tỏa ra khắp các vùng biển để thỏa mãn cơn khát hải sản trong nước và gây ra không ít khó khăn cho các quốc gia ven biển.


Các tàu cá Trung Quốc rời cảng ở thành phố Chu San, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Các tàu cá Trung Quốc rời cảng ở thành phố Chu San, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Theo thông tin từ bài viết đăng trên trang mạng Dialogo của Bộ Tư lệnh Nam Mỹ hôm 13/12, “sự thèm khát vô độ” của Trung Quốc đối với mặt hàng hải sản đã gây khó khăn cho các quốc gia Nam Mỹ, những nước vốn có năng lực hạn chế, trong việc bảo vệ ranh giới chủ quyền hàng hải của họ.

Các quốc gia ở ven biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương đều bị ảnh hưởng và hầu hết các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp tại những khu vực này đều do các tàu Trung Quốc thực hiện.

Juan Carlos Sueiro, giám đốc phụ trách ngư nghiệp Peru tại tổ chức tư vấn và bảo tồn đại dương Oceana, nói với Dialogo rằng Peru và Argentina đã chứng kiến “số lượng tàu Trung Quốc đông đảo nhất thế giới” tập trung tại đây.

“Không ai cấm họ đánh bắt cá tại vùng biển quốc tế, nhưng sự hiện diện quá gần của họ (tại ranh giới trên biển của các nước) đã gây tranh cãi. Ví dụ, Oceana từng phát hiện các tàu Trung Quốc đi vào vùng biển của Peru khi chưa có giấy phép hoặc sử dụng thẻ nhận dạng sao chép”, ông Sueiro cho biết.

“Các tàu cá đông lạnh cũng được phát hiện tại các vùng biển quốc tế để chở cá (mà các tàu Trung Quốc đánh bắt được), nhiên liệu và nhu yếu phẩm”, ông Sueiro nói, đồng thời cho biết các hoạt động vận chuyển giúp tiếp tay cho lợi nhuận từ đánh bắt cá trái phép đã bị phát hiện.


Một tàu cá Trung Quốc bốc cháy sau khi trúng hỏa lực của lực lượng tuần duyên Hàn Quốc. (Ảnh: AP)

Một tàu cá Trung Quốc bốc cháy sau khi trúng hỏa lực của lực lượng tuần duyên Hàn Quốc. (Ảnh: AP)

Theo các quan chức và giới chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ cá ngày càng tăng cùng sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt do trữ lượng cá có xu hướng giảm đi đã làm nảy sinh những cuộc xung đột mới. Nhiều người đã nhắc tới Trung Quốc trong thực trạng này.

Trữ lượng cá ở các vùng biển quanh Trung Quốc đã giảm đi đáng kể. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn mở rộng hạm đội đánh bắt cá xa bờ và những tàu cá này thậm chí có thể dính líu tới những vụ tranh chấp ở Argentina, nơi lực lượng tuần duyên đã nổ súng và đánh chìm các tàu Trung Quốc, và ở châu Phi, nơi các công ty Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở chế biến cá.

Trong bài viết được công bố vào tháng 9/2017, cựu Đô đốc Hải quân Mỹ James Stavridis và một tác giả khác cho biết Trung Quốc đã chi hàng trăm triệu USD mỗi năm để trợ cấp cho hạm đội đánh bắt cá xa bờ. Thậm chí lực lượng tuần duyên Trung Quốc thường hộ tống các tàu cá này khi chúng thực hiện hành vi đánh bắt trái phép.

“Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Trung Quốc đang trực tiếp cho phép và quân sự hóa việc đánh cắp tài nguyên biển trên thế giới”, hai tác giả của bài viết nhận định.


Tàu phá băng Xue Long của Trung Quốc hoạt động tại Bắc Cực. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Tàu phá băng Xue Long của Trung Quốc hoạt động tại Bắc Cực. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Tháng 9/2018, Tư lệnh Lực lượng Tuần duyên Mỹ Kate Higgins-Bloom cho biết “nguy cơ tranh chấp về quyền đánh bắt cá biến thành xung đột vũ trang ngày càng tăng”. Theo Higgins-Bloom, sự mạnh tay của các nước trong việc đánh bắt cũng như thực thi quyền đánh bắt cá tại các vùng biển tranh chấp và phản ứng ngày càng cứng rắn với hoạt động đánh bắt trái phép là hai cách có thể dẫn tới xung đột.

“Các nhà lãnh đạo chính trị của các cường quốc mới nổi sẽ nhận thấy sức ép rất lớn từ việc phải bảo đảm nguồn tài nguyên theo nhu cầu của người dân trong nước, mặc dù điều này đồng nghĩa với việc sẽ vi phạm các quy chuẩn và luật lệ quốc tế”, Higgins-Bloom nhận định.

Indonesia đã cho nổ tung các tàu đánh bắt cá trái phép, trong đó có tàu Trung Quốc. Bộ trưởng ngư nghiệp của Indonesia từng nói những gì các tàu cá Trung Quốc đã làm “không phải là đánh bắt cá”, mà đó là “tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”.

“Chúng tôi không cần phải lo lắng (về xung đột với các nước khác) vì chúng tôi đã có các tàu của chính phủ bảo vệ”, một ngư dân Trung Quốc nói hồi tháng 9/2017.


Một binh sĩ Argentina chĩa súng vào tàu cá Trung Quốc bị phát hiện hoạt động tại vùng biển của Argentina. (Ảnh: Argentine Coast Guard)

Một binh sĩ Argentina chĩa súng vào tàu cá Trung Quốc bị phát hiện hoạt động tại vùng biển của Argentina. (Ảnh: Argentine Coast Guard)

Là nơi băng đang tan dần và ngày càng thu hút sự quan tâm của các hoạt động vận chuyển thương mại cũng như khai thác tài nguyên, Bắc Cực cũng trở thành nơi chứng kiến cuộc cạnh tranh giữa các nước.

“Tôi nghĩ Trung Quốc rất quan tâm tới các tài nguyên protein, trữ lượng cá tại Bắc Cực”, Heather Conley, phó chủ tịch phụ trách châu Âu, Âu-Á và Bắc Cực tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, nói với Business Insider cuối năm 2018.

9 quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã ký một thỏa thuận từ cuối năm 2017 cấm đánh bắt cá thương mại ở trung tâm Bắc Cực trong thời hạn 16 năm nhằm cho phép hoạt động nghiên cứu diễn ra ở khu vực này. Theo bà Conley, thỏa thuận này sẽ đảm bảo cung cấp đủ thông tin để hoạt động đánh bắt cá diễn ra một cách có quản lý tại Bắc Cực.

“Chúng ta đã chứng kiến các đàn cá di chuyển lên phía bắc để tới vùng nước ấm hơn. Trung Quốc chắc chắn muốn đảm bảo rằng họ không bị loại khỏi các ngư trường này”, bà Conley nhận định.


Hải quân Indonesia cho nổ tung tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép ở ngoài khơi đảo Batam. (Ảnh: Kanwa)

Hải quân Indonesia cho nổ tung tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép ở ngoài khơi đảo Batam. (Ảnh: Kanwa)

Các quan chức Lực lượng Tuần duyên Mỹ cho biết họ vẫn hợp tác tốt với các đối tác Trung Quốc trong hoạt động đánh bắt cá, tuy nhiên họ vẫn chú ý tới các diễn biến ở khu vực Bắc Thái Bình Dương.

Mặc dù vậy, bài viết trên Dialogo cảnh báo “cuộc chiến không dễ dàng” tại Nam Mỹ ngay cả khi có sự hợp tác giữa các nước trong khu vực.

“Trung Quốc rõ ràng có ý định khai thác các vùng biển trong khu vực và nhiều loài đã phải hứng chịu hậu quả. Để đối phó với sự thèm khát của Trung Quốc với các tài nguyên biển đòi hỏi phải có một cam kết trong khu vực và việc này không thể chậm trễ”, bài viết trên Dialogo nhấn mạnh.

Thành Đạt

Theo BI