1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Cơn bão lớn” sắp đổ bộ “chảo lửa” Syria

(Dân trí) - Hàng loạt tín hiệu cho thấy Syria có thể sắp đón một “cơn bão” lớn với sự tham gia của nhiều bên, khi chính quyền Damascus muốn giành lại thành trì cuối cùng do phiến quân kiểm soát.

Từ trái qua phải: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters, AFP)
Từ trái qua phải: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters, AFP)

Nic Robertson là một biên tập viên về ngoại giao quốc tế của hãng tin CNN. Nic đã tới một nhà hàng ở thành phố Salisbury, Anh để ăn tối và ở đây anh đã gặp một người đàn ông là ảo thuật gia. Trong bữa ăn của họ ở nhà hàng, người đàn ông này đã biểu diễn màn ảo thuật với những quân bài. Anh ta tài tình đến mức dù cho Nic quan sát kỹ như thế nào cũng không thể biết chuyện gì đang xảy ra với đôi tay ảo thuật đó.

Theo Nic Robertson, một câu chuyện tương tự đang diễn ra ở Syria.

Nga đang chuẩn bị cho cuộc tập trận lớn nhất trong gần 40 năm với 300.000 binh sĩ và 36.000 phương tiện ở vùng viễn đông của nước này. Trong khi đó, ở khu vực phía tây, Moscow cũng đang triển khai số lượng lớn chưa từng có các tàu chiến tới Địa Trung Hải. Truyền thông Nga nói rằng các lực lượng hải quân và không quân của nước này sẽ tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn tại Địa Trung Hải vào đầu tháng 9.

Trong lúc thế giới đang bị phân tâm bởi những câu chuyện chính trị tiêu cực khi Tổng thống Donald Trump đi ngược lại với chính nền tảng của nước Mỹ và chống đối lại các nhà lãnh đạo toàn cầu khác, Syria có nguy cơ bị cuốn vào “trận cuồng phong” mà có thể trở thành một trong những giai đoạn kinh hoàng nhất trong cuộc chiến kéo dài 7 năm tại quốc gia Trung Đông này.

Ước tính một nửa triệu người Syria đã thiệt mạng, hơn một nửa dân số Syria đã bị mất nhà cửa và hàng triệu người đang phải rời bỏ quê nhà để sang nước ngoài tị nạn.

Cảnh tượng đổ nát tại tỉnh Idlib sau các cuộc giao tranh (Ảnh: AFP)
Cảnh tượng đổ nát tại tỉnh Idlib sau các cuộc giao tranh (Ảnh: AFP)

Nic Robertson cho rằng Syria đang chuẩn bị bước vào trận chiến cuối cùng. Lực lượng quân đội chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad muốn dồn toàn lực để giải phóng tỉnh Idlib - thành trì cuối cùng của các phiến quân và là vùng lãnh thổ lớn nhất tại Syria vẫn do phe nổi dậy kiểm soát từ năm 2015. Tuy nhiên, Idlib cũng là khu vực mà Mỹ và đồng minh quan tâm vì nếu Idlib được giải phóng, đây có thể xem là sự cáo chung đối với các lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn, huấn luyện và trang bị vũ khí tại Syria.

Idilb là khu vực cuối cùng trong 4 khu vực được Nga mô tả là “vùng an toàn”. Các lực lượng Nga, Syria và Iran đã lần lượt giải phóng các vùng an toàn khi họ chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng. Hiện có khoảng 2,9 triệu dân thường đang sống ở Idlib gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Khi xung đột nổ ra, nhiều dân thường đã bỏ chạy, trong đó nhiều người đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Idlib được coi là cứ điểm lớn cuối cùng của phiến quân nổi dậy tại Syria. Sau mỗi trận đánh nhằm vào phiến quân trong những năm qua, chính quyền Assad đều mở đường để các tay súng phiến quân và gia đình họ rút về Idlib. Tổng thống Assad từ lâu đã thể hiện quyết tâm giành lại vùng lãnh thổ Idlib - nơi hiện có khoảng 70.000 tay súng vũ trang từ nhánh khủng bố al Qaeda tại Syria cho tới các nhóm nổi dậy nhiều kinh nghiệm.

Tín hiệu báo "bão"

Tàu đổ bộ Nikolai Filchenkov của Hải quân Nga di chuyển qua eo biển Bosphorus tiến về Syria ngày 24/8. (Ảnh: Reuters)
Tàu đổ bộ Nikolai Filchenkov của Hải quân Nga di chuyển qua eo biển Bosphorus tiến về Syria ngày 24/8. (Ảnh: Reuters)

Đối với những ai quan tâm tới tình hình chiến sự tại Syria, sức nóng từ giai đoạn chuẩn bị của các bên cho cuộc chiến cuối cùng này là điều có thể thấy rõ nếu họ quan sát những dấu hiệu đang diễn ra.

Các cuộc điện đàm giữa chính quyền các nước và các cuộc họp ngoại giao đã diễn ra với tốc độ khẩn trương suốt tuần qua. Trong khi đó, Nga cũng đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn về Syria.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 30/8 cho biết các phiến quân tại thành trì Idlib đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công hóa học và họ có thể đổ lỗi cho chính quyền Syria đứng sau vụ việc này.

Câu chuyện này từng xảy ra trước đây. Hồi tháng 3, các quan chức quốc phòng Nga cũng đưa ra cáo buộc tương tự đối với các phiến quân tại Syria. Chỉ một tháng sau, các lực lượng của Tổng thống Assad bị nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học khiến hàng chục dân thường Syria thiệt mạng tại ngoại ô thủ đô Damascus. Không lâu sau đó, liên quân Mỹ, Anh, Pháp đã trút “mưa” tên lửa vào các cơ sở bị nghi ngờ là nơi chế tạo vũ khí hóa học của chính quyền Syria.

Tuy nhiên, những cáo buộc của Nga không phải là tín hiệu duy nhất cho thấy một cuộc xung đột bạo lực sắp quay trở lại Syria.

Cuộc khẩu chiến giữa Nga và phương Tây liên tục leo thang trong tuần qua. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 30/8 cảnh báo phương Tây “đừng đùa với lửa” tại Idlib, trong khi đặc phái viên Syria tại Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura tuyên bố việc chuẩn bị lực lượng cho cuộc tấn công của chính quyền Syria với sự hậu thuẫn của Nga tại Idlib đã hoàn thiện đến mức có thể dẫn đến “thảm kịch kinh hoàng nhất”. Trước đó một ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói rằng giới chức Mỹ đã gặp giới chức Nga trong tuần này để cảnh báo về tình hình leo thang căng thẳng ở Idlib.

Tuần qua, Moscow cũng chủ trì cuộc họp với các ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và Ả rập Xê út - hai lực lượng được cho là ủng hộ phe đối lập chống Tổng thống Assad.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhận được các cuộc gọi từ Thủ tướng Anh và Thủ tướng Đức. Theo tiết lộ của văn phòng Thủ tướng Anh và Thủ tướng Đức, nội dung của các cuộc đàm thoại này tập trung vào vấn đề Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng gọi cho Ankara để thảo luận về Syria.

Ngày 29/8, Ngoại trưởng Nga Lavrov cáo buộc các phiến quân tại Idlib giữ bắt dân thường vô tội làm con tin và coi họ như “lá chắn sống” hòng giành lợi thế đàm phán với lực lượng chính phủ. Ông Lavrov tuyên bố “ung nhọt” này cần phải được nhổ bỏ.

Trong khi đó, chính quyền Mỹ dường như đang xoay sở với một loạt vấn đề liên quan tới các quyết sách của Tổng thống Trump. Hiện chưa rõ ông chủ Nhà Trắng đang bị xao nhãng, hay cố tình phớt lờ vấn đề Syria dù bầu không khí đang “căng như dây đàn”.

Vị trí chiến lược của thành trì Idlib trong cuộc nội chiến tại Syria

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm