Cơ quan kiểm soát vũ khí hạt nhân Mỹ bị tin tặc tấn công
(Dân trí) - Tin tặc xâm nhập vào các hệ thống tại Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA), đơn vị phụ trách quản lý kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Politico dẫn các nguồn tin cho hay, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) và NNSA có bằng chứng rằng tin tặc đã xâm nhập vào mạng lưới của 2 cơ quan trên.
Hôm 17/12, DOE và NNSA đã bắt đầu thông báo sự việc cho các cơ quan giám sát tại quốc hội. Trước đó, quan chức của 2 đơn vị trên đã được người phụ trách hạ tầng thông tin ở DOE Rocky Campione thông báo tình hình.
Các nguồn thạo tin nói với Politico rằng vụ đột nhập là một phần trong chiến dịch gián điệp quy mô lớn ảnh hưởng tới ít nhất 6 cơ quan liên bang của Mỹ.
Các nhà điều tra liên bang đang rà soát lại mạng lưới ở các cơ quan để xác định xem tin tặc có thể đã đột nhập hoặc đánh cắp những gì. Tuy nhiên, giới chức DOE cho biết vì cuộc điều tra đang được tiến hành nên họ có thể sẽ không biết được đầy đủ về thiệt hại trong nhiều tuần tới.
Politico cho rằng vụ tấn công vào DOE là dấu hiệu rõ ràng nhất rằng tin tặc có thể tiếp cận với mạng lưới nằm trong bộ phận cốt lõi của nền tảng an ninh quốc gia Mỹ. Tin tặc được cho đã giành xâm nhập vào hệ thống thông qua việc tấn công công ty phần mềm SolarWinds, đơn vị bán sản phẩm quản lý công nghệ thông tin cho hàng trăm khách hàng chính phủ và tư nhân.
Phía FBI, cơ quan an ninh mạng và cơ sở hạ tầng Mỹ, văn phòng giám đốc cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ xác nhận âm mưu tấn công mạng đang diễn ra.
NNSA là cơ quan phụ trách quản lý vũ khí hạt nhân của Mỹ. Dù đây là một cơ quan không nhận nhiều sự chú ý nhưng chiếm phần lớn ngân sách của DOE.
Ngoài ra, một số cơ quan khác nghi bị tấn công cũng đóng vai trò quan trọng với kho hạt nhân Mỹ. Ví dụ, các phòng thí nghiệm quốc gia Sandia ở New Mexico và Los Alamos ở Washington thực hiện các nghiên cứu về điện hạt nhân dân dụng và vũ khí hạt nhân.
Tương tự vậy, giới quan sát cho rằng vụ tấn công vào Ủy ban Quản lý Năng lượng Liên bang có thể là nỗ lực để làm gián đoạn mạng lưới điện quốc gia Mỹ.