1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tin tặc Trung Quốc tấn công mạng, nghi moi chính sách thương mại của ông Trump

(Dân trí) - Một nhóm các tin tặc nghi của Trung Quốc đã tấn công hệ thống của Hiệp hội quốc gia các nhà sản xuất Mỹ vốn hỗ trợ xây dựng các chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump, giữa lúc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh diễn ra căng thẳng.

Tin tặc Trung Quốc tấn công mạng, nghi moi chính sách thương mại của ông Trump - 1

(Ảnh minh họa: CPO)

Hãng tin Reuters ngày 13/11 dẫn hai nguồn tin thân cận về vấn đề này cho biết Hiệp hội quốc gia các nhà sản xuất Mỹ (NAM) đã bị tấn công mạng hồi mùa hè năm nay. Hiệp hội này sau đó thuê một công ty an ninh mạng và phát hiện ra rằng vụ tấn công xuất phát từ Trung Quốc.

Công ty an ninh, được giấu tên, đưa ra kết luận dựa trên các công cụ và cách thức mà các nhóm tin tặc Trung Quốc trước đây thường sử dụng, các nguồn tin nói.

Vụ tấn công nhằm vào mạng lưới máy tính nội bộ của một nhóm công nghiệp mạng tại Washington đã cho thấy Trung Quốc đã cố gắng như thế nào để giành được lợi thế trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hiện chưa rõ các dữ liệu nào đã bị đánh cắp. NAM đã thuê công ty an ninh mạng bên ngoài để đối phó với sự vi phạm và ngăn chặn hành vi xâm nhập.

Hai nguồn tin trên và một nguồn tin khác biết về vụ tấn công cho hay, các tin tặc nghi của Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động đánh cắp thông tin trong những ngày quanh một cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch NAM Jay Timmons hồi mùa hè năm nay.

Vụ việc xảy ra ngay trước một vòng đàm phán chính thức giữa giới chức chính phủ Mỹ và Trung Quốc về các nội dung của một thỏa thuận tiềm tàng.

Vụ tấn công trên là vụ việc mới nhất do các tin tặc nghi của Trung Quốc nhằm vào các nhóm thương mại công nghiệp trong thời chính quyền Trump, khi Bắc Kinh tìm cách nắm bắt nhiều hơn về các lập trường chính sách của Mỹ, theo các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng chuyên xử lý các vụ xâm nhập tương tự.

Các cuộc đàm phán thương mại giữa chính quyền Trump và Bắc Kinh bao gồm cả việc bảo vệ sở hữu trí tuệ và mở cửa các thị trường Trung Quốc với nhiều hàng hóa Mỹ hơn, các vấn đề vốn ảnh hưởng trực tiếp tới các thành viên của NAM.

NAM đã giành được sự ảnh hưởng đáng kể trong thời chính quyền Trump, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Mỹ liên tục cam kết đưa các việc làm trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo từ nước ngoài, như Mexico và Trung Quốc, trở lại Mỹ, trong các hoạt động tranh cử.

NAM đã giúp chính quyền Trump tổ chức các hoạt động công chúng tại các nhà máy chế tạo trên khắp nước Mỹ. Ví dụ hồi tháng 10, Chủ tịch NAM Timmons đã cùng Phó tổng thống Mike Pence tới một nhà máy chế tạo ở Pennsylvani để kêu gọi thông qua thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada đàm phán gần đây.

Ông Trump đã phát biểu tại hội nghị thường niên của NAM vào năm 2017, cam kết rằng “thời đại đầu hàng kinh tế đã qua”. Đáp lại, ông Timmons gọi Tổng thống Trump là “nhà vô địch thực sự” của ngành chế tạo Mỹ.

Chưa rõ lý do chính xác vì sao các tin tặc tấn công NAM, nhưng các chuyên gia an ninh quốc gia nói rằng các cơ quan chính phủ Trung Quốc thường bị cáo buộc đánh cắp các bí mật công ty nhạy cảm và các thông tin khác để có lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã truy tố nhiều tin tặc và gián điệp Trung Quốc vào năm 2019 vì tội đánh cắp dữ liệu từ các công ty tư nhân của Mỹ.

An Bình

Theo Reuters