1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cơ hội cuối cho gói cứu trợ Hy Lạp

Cuộc họp khẩn cấp giữa các Bộ trưởng Tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) diễn ra tại Brussels, Bỉ và kéo dài đến rạng sáng 12-2 đã không đạt được bất cứ kết quả khả quan nào. Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone quyết định sẽ nối lại vòng đàm phán vào ngày 16-2 tới.

Đây được cho là thời khắc cuối cùng quyết định “vận mệnh” gói cứu trợ tương lai của Hy Lạp.

Chưa đủ tiến triển để đi đến một thỏa thuận chung

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, người đứng đầu Eurogroup (nhóm các Bộ trưởng Tài chính của Eurozone), ông Jeroen Dijsselbloe cho biết, cuộc thảo luận diễn ra trên tinh thần xây dựng nhưng không đủ tiến triển để đi đến một thỏa thuận chung. Dự kiến, các đối tác trong Eurozone sẽ tiếp tục thảo luận kế hoạch mới của Athens vào ngày 16-2 tới.
 
Cơ hội cuối cho gói cứu trợ Hy Lạp
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yaris Varoufakis (ngoài cùng, bên phải) bắt tay Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde
 
Theo đề xuất do Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yaris Varoufakis công bố tại cuộc họp, Athens sẽ thực hiện 70% cam kết cải cách mà Hy Lạp cam kết phải thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ thứ nhất trị giá 240 tỷ euro do Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho nước này năm 2010, đồng thời yêu cầu các chủ nợ xem xét lại 30% cam kết còn lại. Athens còn muốn "đổi nợ lấy trái phiếu" để thúc đẩy kinh tế và quan trọng hơn là muốn một khoản vay "bắc cầu" từ nay đến tháng 9 tới nhằm có thêm thời gian soạn thảo các kế hoạch cải cách mới.

Hy Lạp cũng đề cập tới việc tăng lương tối thiểu, hủy bỏ thuế bất động sản không được dân chúng ủng hộ, đảo ngược các cải cách chính mà EU và IMF yêu cầu Hy Lạp phải thực hiện như điều kiện nhận cứu trợ. Athens còn muốn chấm dứt sự giám sát của "Bộ ba" tham gia gói cứu trợ thứ nhất-gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF, đối với khu vực tài chính của Hy Lạp.

Gói cứu trợ thứ nhất dành cho Hy Lạp sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 2 này. Nếu gói cứu trợ này không được gia hạn, Hy Lạp sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ, một kết cục có thể đẩy nước này ra khỏi Eurozone. Tuy nhiên, tân Thủ tướng nước này tỏ ra khá cứng rắn trong việc đàm phán thỏa thuận gia hạn gói cứu trợ 240 tỷ euro. Trước đó, tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã thề sẽ hủy bỏ mọi biện pháp thắt lưng buộc bụng mà chính phủ cũ ở Athens đồng ý với EU và IMF để nhận gói cứu trợ. Quyết định này vấp phải sự phản đối dữ dội của các nước EU, đặc biệt là Đức.

“Không có ý định” rời khỏi Eurozone

Mặc dù khẳng định không muốn gia hạn gói cứu trợ thứ nhất, song chính phủ của Thủ tướng Tsipras cũng khẳng định, sẽ tiếp tục đàm phán để đi đến một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Hy Lạp cũng nói “không có ý định” rời khỏi khu vực đồng tiền chung.
 
“Grexit, hay còn gọi “sự rút lui của Hy Lạp khỏi khu vực Eurozone”, không phải quan điểm của chúng tôi. Chúng tôi luôn coi mình là một phần của Eurozone. Dù có bất kỳ chỉ trích nào nhắm đến Eurozone, một khi chúng tôi là một phần của tổ chức này, chúng tôi sẽ luôn gắn bó với nó”, Bộ trưởng Varoufakis chia sẻ. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không nên mạo hiểm với cuộc sống của rất nhiều người dân với một triển vọng mơ hồ nào đó về việc Eurozone sẽ phân mảnh, trở thành cơ hội cho các thế lực xấu tìm cách chia rẽ châu Âu”. 
 
Theo nhận định của giới phân tích kinh tế thế giới, hiện chỉ có 1/4 khả năng Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung trong năm nay. Như vậy, khả năng rất cao Hy Lạp sẽ ở lại Eurozone.

Trong khi đó, tối 11-2, giờ địa phương, khoảng 15.000 người dân ở thủ đô Athens đã tham gia cuộc tuần hành bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương của chính phủ mới trong việc dỡ bỏ các chính sách khắc khổ của nước này. Nhiều thanh niên và người già đã tập trung tại Quảng trường Syntagma ở thủ đô Athens, nơi cũng từng diễn ra các cuộc biểu tình chống lại các chính sách "thắt lưng buộc bụng" dưới thời chính phủ tiền nhiệm. Những người tham gia tuần hành lần này cho rằng, những nỗ lực của chính phủ cánh tả hiện nay là vì lợi ích của người dân, đồng thời bảo đảm cho Hy Lạp "có tiếng nói bình đẳng" trong EU.

Theo Bình Nguyên
Quân đội Nhân dân