1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Có cũng như không

(Dân trí) - Thỏa thuận 4 bên tại Geneva được xem như bước đầu tiên giúp tháo nút thắt cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên ngôn từ chung chung của thỏa thuận và cách hành xử của các bên đang làm dấy lên hoài nghi về sự tồn tại “có cũng như không” của văn kiện này.

Liệu thỏa thuận có
thực sự là chìa khóa tháo gỡ khủng hoảng cho đến nay vẫn là câu hỏi lớn.

Liệu thỏa thuận có thực sự là chìa khóa tháo gỡ khủng hoảng cho đến nay vẫn là câu hỏi lớn.

 Trong các phản ứng sau khi đạt được thỏa thuận hôm 17/4, giới chức Mỹ không đặt kỳ vọng vào khả năng có thể sớm tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

 Điều này được thể hiện rất rõ trong tuyên bố của Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng khi ông nói rằng“Mỹ không thật tin có một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine”, và rằng nước Mỹ sẽ phối hợp với châu Âu áp đặt thêm các chế tài mới với Nga nếu như nước này không tuân thủ văn kiện đã ký. Ông Obama lo sợ khả năng sẽ lặp lại vết xe đổ của thỏa thuận 21/2, văn kiện vốn chỉ “sống” được đúng một ngày do bị phe đối lập, tiền thân của chính quyền lâm thời Ukraine hiện nay, bất ngờ lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych.  

Cùng chia sẻ quan điểm này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh 7 điểm ghi trong thỏa thuận 17/4 mới chỉ là “cam kết trên giấy”, thành công hay thất bại phụ thuộc vào việc thực hiện của các bên. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, đây mới là điểm mấu chốt nhất của vấn đề, bởi trong lịch sử các cuộc khủng hoảng thế giới đã có không ít thỏa thuận đã bị “chết yểu” hay chỉ “sống lay lắt” theo kiểu có cũng như không.

Thông thường trong những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của các bên, việc một bên hay nhiều bên - vô tình hay hữu ý - lý giải thỏa thuận theo cách riêng của mình không phải là điều hiếm gặp. Thỏa thuận 17/4 cũng nằm trong số đó.

Bốn bên - với các lợi ích mâu thuẫn và quan điểm cách biệt trong giải quyết khủng hoảng Ukraine - buộc phải ngồi cùng nhau để cho ra một thỏa thuận. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi kết quả thu được chỉ là những cam kết chung chung mang tính hình thức, tạo cớ để các bên đang tự diễn giải theo hướng có lợi cho mình.

Cụ thể, trong khi Mỹ và chính phủ lâm thời Ukraine coi việc “giải giáp các nhóm vũ trang bất hợp pháp” nhằm ám chỉ những người nổi dậy thân Nga và các đặc vụ Nga trá hình ở khu vực Đông Nam, thì chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin lại coi đây là ngôn từ nhằm vào cac nhóm cực đoan và phát-xít mới, trong đó có nhóm “Cánh hữu”, được chính phủ lâm thời trao vũ khí.

Theo điện Kremli, những người nổi dậy ở Đông Nam Ukraine chỉ đang vùng lên đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của mình. Do vậy, tiếng nói của họ cần được Kiev lắng nghe, thay vì bị đàn áp bằng vũ lực như trong thời gian qua.

Ngoài ra, phương Tây và Kiev không thể áp đặt “tiêu chuẩn kép” khi gọi những người biểu tình lật đổ chế độ của Tổng thống Viktor Yanukovych là “anh hùng” trong khi gọi những người phản đối chính quyền lâm thời là “khủng bố”. Tương tự, Kiev cũng không được coi hành động chiếm giữ quảng trường Maidan trước kia là “hợp pháp” trong khi gọi hành động chiếm giữ các cơ quan công quyền ở miền Đông là “phi pháp”.

Không chỉ gây phản ứng từ phía Nga, cách diễn giải “lệnh pha” của Kiev về “các nhóm vũ trang” và “hành động phi pháp” cũng đang “đổ thêm dầu vào lửa” trong cơn giận dữ bao trùm hầu hết khu vực Đông Nam. Để phản đối Kiev, các chính quyền và người dân nơi đây tuyên bố “sẽ không rời bỏ vị trí chiếm đóng” chừng nào chính phủ lâm thời chưa “từ bỏ vị trí có được một cách phi pháp do đảo chính”.

Đây là phản ứng có thể hiểu được của người dân ở Đông Nam Ukraine khi mà bản thỏa thuận 17/4 đã phạm phải một sai lầm chiến lược là không đưa ra được lộ trình rõ ràng cho tương lai chính trị Ukraine, cũng như tương lai của người dân thân Nga, những người đang nắm giữ vai trò quyết định đối với thành bại của thỏa thuận nhưng lại không có đại diện trong cuộc đàm phán hôm 17/4. Chính vì vậy, trong phản ứng mới nhất, người dân ở thành phố Slavyansk đã tự ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời kêu gọi Nga can thiệp quân sự để ngăn chặn các lực lượng cực hữu thân Kiev.  

Tất nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine đang bước vào giai đoạn nguy hiểm mới, cả Nga và phương Tây đều không muốn động binh. Đây cũng là điều đã được “cặp cựu thù” khẳng định nhiều lần. Vì vậy  thỏa thuận 17/4 được coi như một cứu cánh hạ nhiệt căng thẳng và tránh đẩy tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát của các bên. Nhưng với những diễn biến bạo lực mới nhất ở thành phố Slavyansk và việc các bên đang tự lý giải thỏa thuận theo cách hiểu riêng của mình, cuộc khủng hoảng Ukraine đang có nguy cơ sẽ lại rơi vào bế tắc.

Thỏa thuận 17/4, vì thế, rất khó tránh khỏi vết xe đổ của thỏa thuận 21/2 hoặc chỉ tồn tại theo kiểu cho có khi mà sự kiên nhẫn của các bên đang dần đi tới giới hạn.

Đức Vũ

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm