1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

CNN kiện Tổng thống Trump: Cuộc chiến pháp lý bắt đầu

CNN đã nộp đơn kiện Tổng thống Trump và một số trợ lý của ông, nhằm tìm cách khôi phục quyền tác nghiệp tại Nhà Trắng của phóng viên Jim Acosta.


Tổng thống Trump và phóng viên Jim Acosta trong buổi họp báo tại Nhà Trắng ngày 7/11. (Ảnh: Daily Express)

Tổng thống Trump và phóng viên Jim Acosta trong buổi họp báo tại Nhà Trắng ngày 7/11. (Ảnh: Daily Express)

Vụ kiện là động thái đáp trả việc phóng viên Jim Acosta bị tước quyền hoạt động tại Nhà Trắng hồi tuần trước. Trong đơn kiện, CNN nói rằng, “Việc hủy bỏ hoạt động tác nghiệp vi phạm các quyền tự do báo chí của CNN và Acosta được quy định trong Tu chính án thứ nhất và quyền tiếp cận trong Tu chính án thứ năm”.

Đơn kiện được nộp lên Tòa án quận ở Washington D.C sáng 13/11, đề gửi tới Thẩm phán Judge Timothy J. Kelly, một người do Tổng thống Trump chỉ định. Cả CNN và Acosta đều là nguyên đơn trong vụ kiện. Các bị đơn bao gồm Tổng thống Trump, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Thư ký báo chí Sarah Sanders, Phó chánh văn phòng phụ trách truyền thông Bill Shine, Giám đốc Cơ quan Mật vụ Randolph Alles và sĩ quan đã ngăn chặn Acosta tác nghiệp hôm 7/11.

CNN nói rằng, sự việc xảy ra với hãng tin này và bản thân phóng viên Acosta có thể xảy ra với bất cứ ai trong tương lai.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders phản ứng với đơn kiện của CNN rằng, hãng tin này đang “gây ấn tượng” bằng cách nộp đơn kiện và Nhà Trắng sẽ tự bảo vệ mình một cách quyết liệt.

Trong khi đó, Hiệp hội phóng viên Nhà trắng ủng hộ mạnh mẽ mục đích của CNN trong vụ kiện này.

Cuộc chiến pháp lý

Về phía CNN, Luật sư chính của CNN Worldwide là David Vigilante sẽ được hỗ trở bởi 2 luật sư hàng đầu khác là Ted Boutrous và Theodore Olson. Cả 2 người này đều đang là đối tác ở Gibson, Dunn & Crutcher.

Tuần trước, trước khi được CNN thuê, luật sư Boutrous đã đăng tải trên Twitter rằng, hành động nhằm vào Acosta là “đáng giận, phi lý, sai lầm, độc đoán, thất thường và mang tính phân biệt” và là sự vi phạm rõ ràng Tu chính án thứ nhất.

Trong một cuộc phỏng vấn sáng 13/11, Boutrous nói rằng CNN đã cố gắng giải quyết vấn đề này một cách riêng tư, nhưng Nhà Trắng đã không phản hồi, do đó “chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc khởi kiện”.

Đơn kiện của CNN cũng dẫn lại một số án lệ trước đây, theo đó phán quyết năm 1977 của tòa án đưa ra có lợi cho Robert Sherrill, một phóng viên từng bị từ chối cho tiếp cận Nhà Trắng năm 1966.

11 năm sau đó, Tòa án Phúc thẩm D.C. cũng ra phán quyết rằng, cơ quan mật vụ phải thiết lập các tiêu chuẩn vụ thể và chính xác cho việc đánh giá những người đăng ký đưa tin ở Nhà Trắng. Tiêu chuẩn cụ thể trên thực tế là liệu người đăng ký có dấy lên mối đe dọa với Tổng thống hay không.

Ngoài ra còn có nhiều quy định khác. Floyd Abrams, một trong những luật sư uy tín nhất về Tu chính án thứ nhất nói rằng, luật có quy định cụ thể rằng: trước khi thẻ báo chí bị bác bỏ, “bạn phải được thông báo, bạn phải có cơ hội phản hồi và bạn phải nhận được thông báo viết tay của Nhà Trắng giải thích rõ sự việc như thế nào và vì sao. Như vậy, tòa án mới có thể kiểm tra điều đó”.

“Chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản nào kiểu như thế”, luật sư của CNN Abrams nói.

Sự thay đổi lý do của Nhà Trắng

Acosta phát hiện về việc bị tước quyền đưa tin khi anh ta đi tới cổng tây bắc Nhà Trắng như thường lệ, để làm chương trình trực tiếp đêm 7/11. Khi đó, Acosta được yêu cầu nói là phải nộp lại “thẻ cứng”.

Cùng lúc đó, Thư ký báo chí Sanders mới tuyên bố quyết định và nói rằng Acosta cư xử không phù hợp tại buổi họp báo của Tổng thống trước đó cùng ngày.

Đầu tiên, bà Sanders cáo buộc Acosta “đặt tay lên người” một trợ lý Nhà Trắng đang cố lấy lại micro từ tay anh ta. Thực tế, Acosta vẫn cố giữ micro và còn nói “xin lỗi, thưa cô” để tiếp tục câu hỏi. Tuy nhiên, sau đó Acosta ta vẫn trả lại micro.

Trên Twitter, Thư ký báo chí Sanders chia sẻ một đoạn video về hành động của Acosta. Tuy nhiên, đoạn video này được cho là đã được chỉnh sửa để trông động tác của Acosta mạnh hơn so với thực tế.

Lý do của Nhà Trắng bị đông đảo phóng viên chỉ trích và bác bỏ. Trong tuyên bố phản bác đơn kiện của CNN ngày 13/11, bà Sanders không lặp lại lý do Acosta “đặt tay lên người” trợ lý Nhà Trắng. Thay vào đó, bà cáo buộc Acosta “thiếu tôn trọng và không chuyên nghiệp”.

CNN sau đó nói rằng, “Chính nội dung và quan điểm của CNN cũng như Acosta khi đưa tin về chính quyền Trump, chứ không phải sự ‘tương tác’ với trợ lý Nhà Trắng trong cuộc họp báo 7/11, mới là lý do thực sự khiến Nhà Trắng thu hồi quyền tác nghiệp ở Nhà Trắng”.

Kể từ sau khi thẻ bị thu hồi thẻ hoạt động ở Nhà Trắng, Acosta vẫn tiếp tục công việc của mình nhưng bị hạn chế khá nhiều. Acosta không thể tham dự các sự kiện Nhà Trắng hay đặt các câu hỏi cá nhân – một phần cơ bản của bất cứ phóng viên chuyên theo dõi Nhà Trắng nào.

“Tu chính án thứ nhất quy định một phóng viên có quyền được tiếp cận với những nơi đóng cửa với công chúng nhưng lại thường mở cửa với báo chí. Điều đó bao gồm các phòng báo chí và phòng họp báo”. Jonathan Peters, một chuyên gia về luật truyền thông tại Đại học Georgia nói với CNN tuần trước.

“Ở những nơi này, nếu báo chí được tham dự, thì việc tiếp cận không được từ chối một cách tùy tiện hoặc thiếu lý do thuyết phục. Và các lý do mà Nhà Trắng đã đưa ra là hoàn toàn không thuyết phục”, ông Peters nói.

Ngày 8/11, CNN Worldwide president Jeff Zucker đã gửi đề nghị bằng văn bản tới Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly yêu cầu khôi phục quyền của Acosta. Ngày tiếp theo, CNN gửi thư chính thức tới Nhà Trắng, lặp lại yêu cầu và cảnh báo về khả năng khởi kiện.

Cuối tuần qua, phóng viên Acosta đưa tin về chuyến đi của Tổng thống Trump Pháp. Tại Pháp, Acosta bị Nhà Trắng từ chối cho đưa tin tại một lễ kỷ niệm ở nghĩa trang, trong khi lại được chính phủ Pháp cho phép hoạt động.

“Không thể không mỉa mai khi một phóng viên Nhà Trắng là công dân Mỹ lại bị từ chối quyền đưa tin một lễ kỷ niệm bởi chính chính phủ của anh ta nhưng lại được cho phép bởi chính phủ Pháp”, người đứng đầu văn phòng CNN tại Washington Sam Feist nói trong một tuyên bố đính kèm hồ sơ kiện.

Fiest nói rằng, “Khả năng đưa tin về sự kiện có tầm quan trọng lịch sử quốc tế (kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất) lại hoàn toàn bị chặn bởi Nhà Trắng”.

Tất cả mới chỉ là khởi đầu

David McCraw, một phóng viên chuyên mảng pháp luật của The New York Times nói rằng, trường hợp các tổ chức truyền thông khởi kiện một Tổng thống là cực kỳ hiếm.

Theo ông, nguyên nhân của vụ kiện này, chắc chắn là vì sự ác cảm của ông Trump đối với CNN và các hãng truyền thông khác. Ông thường chế nhạo các phóng viên từ CNN và một số hãng tin khác, gọi họ là truyền thông tin giả, thậm chí là “kẻ thù của người dân Mỹ”.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Trump từng nói với CNN rằng, nếu đắc cử, ông sẽ “tống khứ” hết tất cả các phóng viên ra khỏi Nhà Trắng. Tuy nhiên, từ sau khi chính thức vào Nhà Trắng, ông Trump lại khá “im hơi lặng tiếng” về điều này. Mọi thứ mới chỉ công khai trong một tuyên bố đăng tải trên Twitter hồi tháng 5 của ông Trump: “thu hồi tất cả thẻ?”.

Ông Trump lại một lần nữa nhắc lại điều đó hôm 9/11, hai ngày sau khi Acosta bị thu hồi thẻ. “Người khác có khi cũng nên bị thu lại (thẻ)”.

Trong hồ sơ khởi kiện, CNN nói rằng, việc hủy bỏ thẻ của Acosta mới chỉ là sự bắt đầu.

Thùy Linh

VOV.VN