Chuyện về “thế hệ mất mát” ở Nhật
(Dân trí) - Tại Nhật Bản có tới hàng triệu người ở lứa tuổi gần 30 và trên 30 chút ít, những người lớn lên trong thập kỷ mất mát của Nhật, thời kỳ nền kinh tế bị đình đốn kéo dài và chỉ bắt đầu khởi sắc kể từ năm 2003.
Dù đánh giá ở bất cứ phương diện nào, không ai có thể phủ nhận rằng Nhật Bản đang hồi phục. Nền kinh tế nước này đang tăng trưởng ở mức 2% năm, lợi nhuận mà các công ty thu được đang ở mức rất cao và giá đất cũng đang lên. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống chỉ còn 4% khi các công ty ở Nhật bắt đầu thuê nhân công trở lại và nhiều cử nhân vừa tốt nghiệp đại học đã nhận được rất nhiều lời mời làm việc. Đối với một thế hệ người Nhật Bản, tương lai bỗng trở nên xán lạn hơn.
Nhưng điều đó lại không đến với Sadaaki Nehashi, một công nhân hợp đồng, 31 tuổi, làm ở lĩnh vực phân loại đóng gói tại công ty Vận tải Yamato với mức lương 1.100 USD/tháng, chỉ bằng 1/3 so với mức thu nhập trung bình của những lao động làm đủ thời gian. Nhưng vào thời điểm anh kiếm được việc này sáu năm trước đây, đó đã là một may mắn.
Lẽ đời thì nước nổi thì bèo cũng nổi, nhưng hàng triệu người như Nehashi lại không có được may mắn như vậy. Tại Nhật Bản có tới hàng triệu người ở lứa tuổi gần 30 và trên 30 chút ít, những người lớn lên trong thập kỷ mất mát của Nhật, thời kỳ nền kinh tế bị đình đốn kéo dài và chỉ bắt đầu khởi sắc kể từ năm 2003.
Trong suốt giai đoạn đó, các công ty của Nhật Bản phải thắt lưng buộc bụng, giới trẻ phải đối mặt với cái được gọi là "thời kỳ thị trường lao động đóng băng". Rất nhiều người trong số họ đã phải làm các công việc vặt bán thời gian để kiếm sống với hy vọng cuối cùng sẽ kiếm được một công việc thường xuyên ở các công ty lớn. Thay vào đó, để ưu đãi cho những người mới tốt nghiệp, người ta đã bỏ qua họ. Tại một đất nước vẫn đánh giá cao những công việc gắn bó cả đời và không chấp nhận những công việc tạm thời như Nhật Bản, đây là một vấn đề rất nghiêm trọng.
Nhóm người này bị gọi là thế hệ "mất mát" hoặc thế hệ "bị tổn thương". Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hiện có khoảng 3,3 triệu người Nhật Bản ở độ tuổi từ 15 đến 34 đang làm các công việc tạm thời hoặc theo hợp đồng, tăng so với con số 1,5 triệu 10 năm trước. Lớp trẻ này có thu nhập thấp hơn rất nhiều so với các tầng lớp khác trong xã hội. Họ có thể là những keiyakushain (lao động hợp đồng), những người không những bị trả lương thấp hơn, hưởng lợi ích ít hơn, mà sự bảo đảm công việc cũng chỉ ở mức tối thiểu so với những nhân viên làm đủ thời gian. Hoặc họ là những hakenshain (người được các công ty thuê làm việc tạm thời).
Thiếu kỹ năng
Nền kinh tế của Nhật Bản đang trong giai đoạn điều chỉnh, các bạn có thể muốn tỷ lệ lao động không có việc làm giảm xuống nhanh chóng, nhưng số lượng công ty và những lao động hợp đồng vẫn tiếp tục phìng ra. Để khuyến khích các chủ lao động thuê người trong những năm nền kinh tế đi xuống, Nhật Bản đã giảm bớt các quy định khắt khe để cho phép các công ty được tuyển lao động tạm thời. Ngày nay, khi kinh tế đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, các công ty lớn vẫn ngần ngại trong việc thuê lâu dài những lao động này.
Để bào chữa cho việc làm này, các công ty tại Nhật Bản nói rằng những lao động trong thời kỳ "mất mát" này không được trang bị đầy đủ để bước vào tầng lớp trung lưu của một thế giới đang ngày càng hội nhập. Nhà kinh tế cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu đời sống Ichi, ông Toshihiro Nagahama nói: "Không kể đến việc có bao nhiêu công ty muốn thuê những người trong thế hệ "mất mát" đó, bản thân nhiều người trong thế hệ này đã không có đủ các kỹ năng cần thiết". Các chủ lao động cũng lo ngại rằng lao động tự do, những người đã chuyển hết từ công việc này sang công việc khác, sẽ kém trung thành hơn những người vừa tốt nghiệp đầy tham vọng.
Hàng triệu lao động trong thời kỳ "mất mát" này đang phải đối mặt với một cuộc sống khác xa với thời của cha mẹ họ. Đối với những đứa trẻ sinh ra trong các thời kỳ bùng nổ kinh tế sau chiến tranh của Nhật Bản, việc làm luôn là thứ có sẵn, điều đó khuyến khích họ lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái. Trong khi giới trẻ từ khoảng 20 đến trên 30 tại Nhật ngày nay, do phải đối mặt với tình trạng thiếu sự bảo đảm trong công ăn việc làm, lại đang làm ngược lại. Năm 2005, chỉ có 714.000 người kết hôn so với trên 1 triệu người trong những năm 1970. Điều này có thể làm giảm hơn nữa tỷ lệ sinh tại Nhật Bản, vốn đã đang ở mức thấp nhất trong số các nước phát triển.
Cô Masako Ikeda, 30 tuổi, làm việc tại một công ty trò chơi video ở Tokyo nhưng lại do một trung tâm giới thiệu việc làm tuyển mộ, nói: "Bạn không được thanh toán cho việc làm mẹ, bạn không nhận được việc trở lại sau khi sinh xong, điều này làm cho việc sinh nở trên nên khó khăn".
Bên cạnh đó, thế hệ "mất mát" này cũng bị tổn thương về tinh thần. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Năng xuất về Phát triển Kinh tế-Xã hội, lao động ở độ tuổi 30 chiếm tới 61/% các ca trầm cảm, stress, các căn bệnh về thần kinh liên quan tới công việc, tăng tới 42% so với năm 2002. Ông Susumu Oda, chuyên gia tâm thần học phụ trách cuộc thăm dò trên, nói: "Xuất phát từ nguyên nhân lo lắng về việc làm không ổn định, không có gì đáng ngạc nhiên khi những người đó có vấn đề về tâm thần".
Số phận của những người như Nehashi và Ikeda đang khiến các nhà kinh tế của Nhật Bản lo ngại. Nếu các thành viên thuộc thế hệ "mất mát" này không được trả lương cao hơn, không kiếm được những công việc được trả lương, họ sẽ không có đủ tiền để lo thân khi về già. Nhóm Credit Suisse ước tính thế hệ "mất mát" này có thể dồn gánh nặng lên vai những người đóng thuế của Nhật Bản một số tiền khổng lồ, tới 67 tỷ USD/năm cho các khoản tiền trả cho chăm sóc sức khỏe và lượng hưu, nếu con số những người không có việc làm cố định vẫn giữ ở mức hiện nay trong ba thập kỷ tới.
K.V
Theo FT