1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Chuyến thăm Nga chiến lược của Chủ tịch Trung Quốc

(Dân trí) - Ngày 26/3, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tới Moscow trong chuyến thăm Nga kéo dài 3 ngày. Tổng thống Nga và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ chủ yếu bàn về vấn đề hợp tác năng lượng và hồ sơ hạt nhân Iran.

Trong thông cáo báo chí trước khi rời Bắc Kinh, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố: "Tôi tin chắc chuyến đi này sẽ đem lại động lực mới trong quan hệ Nga-Trung cũng như trong  các lĩnh vực hợp tác cụ thể".

Sau cuộc gặp tại điện Kremlin, Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc đều nhấn mạnh, vấn đề hạt nhân Iran phải được giải quyết bằng con đường hòa bình, thông qua thương lượng. Chuyến đi tới Matxcơva của Chủ tịch Trung Quốc diễn ra 2 ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua biện pháp trừng phạt mới đối với Iran do nước này từ chối ngưng các hoạt động làm giàu iranium.

Ngày 26/3, báo chí Nga còn đưa ra nhận định gây lo ngại về khả năng xảy ra một chiến dịch quân sự chống Tehran. Mặc dù đã ký vào lệnh trừng phạt mới, Nga và Trung Quốc vẫn là hai nước có thái độ ôn hòa nhất trong số các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, luôn hối thúc Tehran ngồi vào bàn đàm phán. Trong tuyên bố chung, cả hai lãnh đạo cho biết: "Nga và Trung Quốc sẽ nỗ lực để các cuộc đàm phán trở lại nhanh chóng, nhằm tìm ra giải pháp toàn thể lâu dài và được các bên chấp nhận về vấn đề hạt nhân Iran".

Theo Andrei Riabov, chuyên gia phân tích chính trị của Matxcơva, Iran là đối tác chiến lược của cả Nga và Trung Quốc. Vì lẽ đó, hai nước sẽ không có lập trường quá cứng rắn như Mỹ. Hiện Trung Quốc chủ yếu nhập dầu lửa từ Iran, còn Nga đang có dự án trị giá hơn 1 tỷ USD giúp Iran xây dựng trung tâm hạt nhân đầu tiên Bushehr ở miền nam nước này.

Chuyến công du của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào diễn ra đúng 1 năm sau chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Bắc Kinh, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai cường quốc láng giềng trong giải quyết các vấn đề quốc tế cũng như khu vực và tạo đối trọng trước ảnh hưởng của Mỹ. Rất nhiều hợp đồng đã được ký trong chuyến đi này, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác không gian, vận chuyển dầu lửa bằng đường sắt, giữa các ngân hàng Nga và Trung Quốc.

Những năm gần đây, quan hệ kinh tế giữa hai nước không ngừng phát triển, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lửa lớn nhất thế giới còn Nga là nước xuất khẩu dầu lửa lớn thứ 2 trên thế giới. Bắc Kinh đang cố gắng đảm bảo an ninh năng lượng đáp ứng nhu cầu rất lớn của nền công nghiệp phát triển nhanh chóng. Nước này cũng đã mua các loại thiết bị quân sự của Nga trị giá hàng chục tỷ USD và đang muốn mua thêm nhiều nhiên liệu đốt từ đối tác quan trọng này. Kim ngạch buôn bán song phương năm 2006 đạt con số kỷ lục là 33,4 tỷ USD, tăng gần 15% so với năm 2005. Nhưng nó chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc và bằng một phần nhỏ trong quan hệ buôn bán giữa nước này với Mỹ.

Phía Nga hiện đang do dự lựa chọn điểm đến Trung Quốc hoặc Nhật Bản của dự án ống dẫn khí sang châu Á. Theo chuyên gia Nicklas Norling thuộc Đại học Uppsala (Thụy Điển), năng lượng là nguyên nhân gây căng thẳng nhưng đồng thời là nguồn hợp tác tiềm năng. Tăng trưởng của Nga phụ thuộc vào năng lượng và Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng nên các nhượng bộ là có thể. Nhật báo Kommmersant của Nga cho hay, ngày 27/3, công ty dầu lửa quốc doanh Rosneft đã ký với chi nhánh công ty dầu lửa Sinipec của Trung Quốc một thỏa thuận, cho phép mở cửa trở lại điểm trung chuyển Naushki,  mỗi ngày có 60.000 thùng dầu thô qua đây.

Hai nhà lãnh đạo sẽ tham dự lễ khai trương "Năm của Trung Quốc" tại Nga. Ông Hồ Cẩm Đào sẽ đến thăm vùng giàu dầu mỏ Tatarstan và có thể một thỏa thuận sẽ được ký với công ty địa phương Tatneft. Đây là chuyến thăm Nga chính thức lần thứ ba của ông Hồ Cẩm Đào kể từ khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc. 

Ngọc Nhàn

Theo Le Point, AFP