Chuyến thăm lộ rõ nguy cơ cuộc đối đầu thế kỷ
(Dân trí) - Nhật báo Pháp Le Figaro ngày 28/9 đăng bài viết “Trung Quốc trì trệ, Mỹ thoái lui” của tác giả Nicolas Baverez trong mục Ý kiến độc giả cho rằng chuyến thăm chính thức Mỹ đầu tiên của ông Tập Cận Bình đang làm sáng tỏ sự đối đầu giữa hai cường quốc thế giới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tại cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng ngày 25/9. (Nguồn: TTXVN)
Cũng theo ông Baverez, Trung Quốc tuy trì trệ nhưng vẫn tiếp tục đi lên thành cường quốc, trong khi Mỹ đang dần hồi phục nhưng lại thụt lùi. Vì sao lại nghịch lý như vậy? ông Baverez giải thích:
Một là, kiểm soát Biển Đông là một trong 3 ưu tiên của Trung Quốc. 30 năm thời “vàng son” đã qua, Trung Quốc đang bước vào một thời kỳ đầy biến động. Thách thức lớn hiện nay là làm thế nào thoát được cái bẫy của những quốc gia có thu nhập ở mức trung bình.
Nghĩa là phải chuyển từ một mô hình tăng trưởng theo số lượng nhờ vào xuất khẩu sang mô hình tăng trưởng chất lượng dựa vào nhu cầu nội địa, từ một nền kinh tế nặng về quản lý hành chính sang nền kinh tế thị trường. Nhưng đồng thời cũng phải tránh được tình trạng “hạ cánh cứng” được hiểu là gây ra bất ổn mạnh về xã hội và chính trị.
Để có thể làm được điều đó, ông Tập Cận Bình ấn định 3 ưu tiên:
Tăng tốc cải cách kinh tế thông qua huy động nguồn dự trữ ngoại tệ 3.560 tỷ USD để kìm hãm bong bóng địa ốc và tài chính. Tái cơ cấu khoảng 200.000 doanh nghiệp Nhà nước và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Tập trung hơn nữa quyền lãnh đạo của đảng bằng cuộc chiến chống tham nhũng và ngăn chặn mọi hình thức đối kháng chính trị.
Thống trị vùng Châu Á – Thái Bình Dương thông qua việc kiểm soát Biển Đông, qua các thỏa thuận thương mại và cơ cấu tài chính xung quanh những “con đường tơ lụa mới”, cũng như thông qua quỹ đầu tư hạ tầng Châu Á.
Hai là, Bắc Kinh công khai phản đối vai trò lãnh đạo của Washington trên 3 lãnh vực.
Tính hiệu quả tốt nhất của cơ chế ra quyết định… “để quản lý chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa và những chấn động do chính hệ thống tư bản này gây ra”.
Nghiên cứu và công nghệ hóa cách thức bành trướng ra thế giới của các tập đoàn Trung Quốc, không chỉ tại Châu Á, Châu Phi mà cả tại các nước phương Tây, đi đôi với thực hiện các vụ tấn công tin tặc và gián điệp điện tử một cách có hệ thống.
Vai trò lãnh đạo Châu Á – Thái Bình Dương, trung tâm của nền kinh tế thế giới, thông qua việc xây dựng trái phép hơn 800 ha đảo nhân tạo và 3 căn cứ quân sự quan trọng trên Biển Đông từ đầu năm nay. Sự việc này đã và đang gây lo ngại với nhiều nước trong khu vực trước nguy cơ Biển Đông bị Bắc Kinh độc chiếm.
Thứ ba là 2 điểm yếu của Mỹ về kinh tế và chiến lược. Đối mặt với sự hung hăng của Trung Quốc, đương nhiên Mỹ phải ở thế phòng thủ. Kinh tế Mỹ có dấu hiệu hồi phục vững chắc với mức tăng trưởng 2,7%/năm, nhưng sự tái tạo mô hình kinh tế Mỹ lại đang lộ rõ 2 điểm yếu:
Một mặt, kinh tế Mỹ là một nền kinh tế bong bóng với dẫn chứng là Ngân hàng dự trữ Liên bang Fed mất khả năng nâng mức lãi suất. Mặt khác, kinh tế Mỹ lại quá lệ thuộc vào Trung Quốc với tư cách là cơ sở sản xuất và thị trường tiêu thụ, như những gì mà ông Tập Cập Bình đã “không quên” nhắc lại tại buổi hội thảo ở Silicon Valley.
Trên bình diện chiến lược, cái gọi là chính sách xoay trục sang Châu Á của Mỹ được xem như một sự rút lui hỗn loạn do thiếu phương tiện và khả năng triển khai các chiến dịch. Hệ lụy của chiến lược này đã để cho Trung Quốc “rộng đường hành động” tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ tư là “quyền lực mềm” của Mỹ đang tỏ ra bất lực và lỗi thời? Tác giả Baverez cho rằng sức mạnh chiến lược của Mỹ đang bị vô hiệu hóa và bị tan rã trong một thế giới đa cực, không giúp Mỹ thắng được một cuộc chiến nào, không duy trì được một nền hòa bình nào cũng như không tìm được các động lực thúc đẩy sự tiếp nối trong các liên minh.
Mỹ thực hiện “quyền lực mềm” thông qua công nghệ, luật pháp và tình báo. Thế nhưng, quyền lực này bị cho là được thực hiện bất chấp quyền lợi của các đồng minh, không vận hành được trong quan hệ với những quốc gia mới trỗi dậy như Trung Quốc, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như không giúp đối phó được với cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Sự thụt lùi của “quyền lực mềm” của Mỹ, thậm chí còn thể hiện trong chính sách tiền tệ của Fed theo cách “cực kỳ dễ dãi”, có lợi cho Trung Quốc bằng việc tạo thuận lợi cho nới lỏng hối đoái và thanh toán ở bên ngoài.
Thế nhưng chính sách tiền tệ này lại đi ngược với chiến lược chống thoái lạm mà châu Âu và Nhật Bản đang theo đuổi. Do đó cho đến nay Trung Quốc có được một sự bảo đảm không bị trừng phạt, đáp trả (?)
Phải chăng sẽ hình thành cuộc đọ sức quyết liệt trên mọi bình diện giữa hai "người khổng lồ" Mỹ -Trung trong thế kỷ 21? - tác giả Nicolas Baverez đặt câu hỏi thay cho lời kết.
Quý Cao (theo Le Figaro)