1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyến thăm “định hình" quan hệ Mỹ - Ấn

Ông Richard Verman, tân Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ lạc quan cho rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là thời khắc định hình quan hệ Mỹ - Ấn Độ”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón Tổng thống Mỹ Obama tại sân bay New Delhi (nguồn: AFP)
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón Tổng thống Mỹ Obama tại sân bay New Delhi (nguồn: AFP)
 
BBC đưa tin, 10h ngày 25/1 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng phu nhân Michelle Obama đã đến thủ đô New Delhi của Ấn Độ, bắt đầu chuyến thăm chính thức hai ngày quốc gia Nam Á này.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đích thân ra đón Tổng thống Obama tại sân bay. Ông Modi đã tiến đến ôm Tổng thống Mỹ ngay sau khi vị khách bước ra khỏi chuyên cơ Air Force One. Reuters cho biết, theo quy tắc, Thủ tướng không ra chào đón khi lãnh đạo nước ngoài đặt chân đến Ấn Độ mà chỉ gặp gỡ trong buổi lễ tiếp tại Phủ Tổng thống. Ông Modi đã tự ý phá vỡ truyền thống và gây ngạc nhiên cho cả Tổng thống Obama, theo truyền thông Ấn Độ.

Trong ngày 25/1, ông Obama có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và gặp lãnh đạo các doanh nghiệp. Sau đó, Tổng thống Obama sẽ là khách mời danh dự tại buổi lễ chào mừng Ngày Cộng hòa Ấn Độ vào thứ Hai (26/1).

Theo ghi nhận của BBC, an ninh cho buổi lễ chào mừng Ngày Cộng hòa vốn rất chặt chẽ nhưng với sự góp mặt của ông Obama, công tác an ninh đã được đẩy lên mức độ mới.

Hàng ngàn nhân viên an ninh đã được triển khai ở New Delhi cùng khoảng 15.000 camera giám sát, trong khi đường phố tại nhiều khu vực bị phong tỏa. An ninh cũng được thắt chặt ở các sân bay, bến cảng và trạm xe lửa trên khắp thủ đô.

Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đang tại nhiệm có chuyến thăm lần thứ hai đến Ấn Độ.

Ông Richard Verman, tân Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ lạc quan cho rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là thời khắc định hình quan hệ Mỹ - Ấn Độ”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parikar nói trên truyền hình: “Tôi nghĩ thắt chặt quan hệ với Mỹ chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho đất nước”.

AFP nhận định, chỉ cách đây 1 năm, Washington rất lạnh nhạt với New Delhi, do đó chuyến thăm Ấn Độ lần này của ông Obama đánh dấu một chuyển biến đáng ghi nhận trong quan hệ hai nước.

Biến đổi khí hậu và Afghanistan được kỳ vọng là những chủ đề sẽ được lãnh đạo hai nước bàn bạc, theo AFP.

Bên cạnh đó, kênh truyền hình NDTV (Ấn Độ) cho rằng Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama sẽ thảo luận về một đột phá trong thương vụ hạt nhân dân sự đang bị trì hoãn giữa hai nước.

Mỹ và Ấn Độ đã ký kết một thỏa thuận hồi năm 2008, theo đó cho phép Ấn Độ mua công nghệ hạt nhân dân sự, nhưng thỏa thuận này bị Mỹ trì hoãn vì bất đồng với quy định pháp lý của bên cung cấp trong trường hợp có sự cố xảy ra.

Theo Q.C (tổng hợp)
Thế giới và Việt Nam
 
Ngày 27/1, Tổng thống Barack Obama sẽ rời Ấn Độ để lên đường tới Arab Saudi. Nhà Trắng cho biết, tại Arab Saudi, ông Obama sẽ gặp tân Quốc Vương Salman bin Abdulaziz Al Saud và bày tỏ lòng thương tiếc với nhà Vua Abdullah vừa qua đời.

Quốc Vương Abdullah bin Abdulaziz Al Saud qua đời ở tuổi 90 hôm 23/1, truyền ngôi cho em trai Salman. Arab Saudi là một đồng minh lâu năm của Mỹ và là nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới. Tổng thống Obama đã bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của Quốc Vương Abdullah, cho biết ông Abdullah “luôn kiên quyết giữ niềm tin vững chắc vào tầm quan trọng của quan hệ Mỹ - Arab Saudi như một động lực cho ổn định và an ninh ở Trung Đông và hơn thế nữa”.