1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyện hậu trường của hội nghị G20 ở Trung Quốc

(Dân trí) - Khi lãnh đạo thế giới đến Hàng Châu, Trung Quốc dự hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong 2 ngày 4-5/9, giới quan sát sẽ không chỉ để ý đến những chương trình nghị sự lớn của họ mà cả những tiểu tiết ẩn giấu sau đó là những ý nghĩa sâu xa.


Bức ảnh lưu niệm tại hội nghị G20 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Bức ảnh lưu niệm tại hội nghị G20 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Một trong những chuyện bên lề hội nghị có thể kể đến như việc Tổng thống Barack Obama không được dùng thảm đỏ khi từ máy bay bước xuống sân bay Hàng Châu hôm 3/9. Đây là sự cố mà phía Trung Quốc nói rằng do chính Washington chủ động từ chối dùng thảm đỏ bởi một số khác biệt về quy tắc an ninh.

Ngoài ra, những chi tiết nhỏ như quan chức G20 đứng theo thứ tự nào khi chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị cũng có thể coi là một vấn đề mang tính chất “chính trị quyền lực”.

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết, trong thời gian chụp ảnh kỷ niệm tại hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đứng ở hai bên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Điều này là bởi, Thổ Nhĩ Kỳ là nước chủ nhà tổ chức hội nghị G20 năm ngoái, còn Đức là nước sẽ đảm nhận vai trò nước chủ nhà vào năm sau.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (hàng đầu, ở giữa) và Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng ngay bên tay trái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi chụp ảnh tại hội nghị G20. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (hàng đầu, ở giữa) và Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng ngay bên tay trái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi chụp ảnh tại hội nghị G20. (Ảnh: Reuters)

Đứng cạnh bà Merkel và ông Erdogan là Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tại hội nghị G20 năm 2014 ở Australia, Tổng thống Nga Putin đứng ngoài cùng trong bức ảnh chụp lưu niệm của nhóm lãnh đạo. Năm đó, ông đã bỏ dở hội nghị giữa chừng sau khi lãnh đạo phương tây chỉ trích Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tuy nhiên, năm nay, Trung Quốc đã thể hiện rõ ràng rằng ông Putin là khách quý tại hội nghị. Năm nay, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều đứng hàng đầu tiên khi chụp ảnh lưu niệm.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đứng ở hàng thứ hai. Tuy nhiên, khi bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Abe hôm qua, ông Tập đã mỉm cười thay vì thái độ lạnh nhạt như tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cách đây 2 năm khi họ tìm cách tránh mặt nhau trước ống kính của truyền thông.

Các quan chức của những định chế quốc tế lớn như Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thường đứng ở hàng thứ 3.

Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng chính trị không chỉ là yếu tố duy nhất được cân nhắc để quyết định nhà lãnh đạo nào đứng đâu. Theo một quy tắc bất thành văn, vị trí đứng khi chụp ảnh lưu niệm còn phụ thuộc vào thời gian người đó đảm nhiệm chức vụ bao lâu. Đó là lý do tại sao ông Obama, người thường xuyên đứng ở hàng đầu, lại chỉ đứng ở hàng thứ tại hội nghị ở London năm 2009, bởi khi đó ông mới nhậm chức 3 tháng.

Ngoài ra, việc ngồi đâu trong hội nghị và trong yến tiệc cũng là vấn đề đáng quan tâm. Tại hội nghị năm 2009, Thủ tướng Anh khi đó là ông Gordon Brown được cho là đã mời Tổng thống Pháp khi đó là ông Nicholas Sarkozy ngồi cạnh cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sau khi ông Sarkozy dọa rời hội nghị. Hay tại hội nghị năm 2013 ở Nga, có thông tin nói rằng ông Obama và ông Putin được sắp xếp ngồi cách xa nhau bởi khi đó Washington và Moscow khá căng thẳng về vấn đề Syria.

Việc lựa chọn thực đơn cho yến tiệc cũng là một yếu tố thể hiện “quyền lực mềm” của nước chủ nhà. Nếu năm 2008, thực đơn của nước chủ nhà Anh dành cho quan khách tại hội nghị là cá hồi Scotland, thịt cừu và bánh ngọt Bakewell. Năm nay, trong số các món trong thực đơn tại hội nghị ở Trung Quốc là thịt lợn Đông Pha và gà Beggar, những món nổi tiếng của Hàng Châu.


Chủ tịch trung Quốc Tập Cận Bình trò chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: SCMP)

Chủ tịch trung Quốc Tập Cận Bình trò chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: SCMP)

Một chi tiết khác cũng được để ý tới đó là trong ngày đầu tiên của hội nghị, ông Tập đã chào hỏi các lãnh đạo G20 tham dự hội nghị, ông Tập dành nhiều thời gian để trò chuyện với Thủ tướng Đức Merkel hơn với những lãnh đạo khác, trong khi các nghi thức chào hỏi dành cho Tổng thống Hàn Quốc “bớt nhiệt liệt” hơn mặc dù họ đều mỉm cười với nhau.

Tại hội nghị, ông Tập đã có cuộc trò chuyện ngắn với ông Obama. Họ vẫn bắt tay nhau mặc dù trước đó đáp xuống sân bay Hàng Châu, ông Obama buộc phải dùng một cầu thang nhỏ để đi xuống thay vì được dùng thảm đỏ như bất cứ nguyên thủ nào dự hội nghị. Thậm chí ngay trước khi máy bay của ông Obama đáp xuống, giới chức Mỹ và Trung Quốc cũng đã tranh cãi về một số sắp xếp ngoại giao.

Minh Phương

Theo SCMP, People Magazine