1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia: Tên lửa siêu thanh Trung Quốc đe dọa ổn định khu vực

(Dân trí) - Việc Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo siêu thanh có khả năng “vượt mặt” lá chắn của Mỹ là mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực, một chuyên gia cảnh báo.

Chuyên gia: Tên lửa siêu thanh Trung Quốc đe dọa ổn định khu vực - 1

Hình ảnh thử nghiệm thiết bị HGV trên truyền hình nhà nước Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Theo một nguồn tin từ Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC), tên lửa DF-17 với tốc độ siêu thanh đang được Trung Quốc phát triển khó có thể bị đánh chặn bởi hệ thống phòng không của các nước khác.

“DF-17 có thể mang cả đầu đạn hạt nhân và thông thường”, nguồn tin giấu tên cho biết.

Tình báo Mỹ dự đoán DF-17 có thể đạt được khả năng hoạt động ban đầu trước năm 2020. Ngoài Trung Quốc, Nga và Mỹ cũng đang phát triển công nghệ siêu thanh sau tên lửa của Bắc Kinh.

Adam Ni, nhà nghiên cứu quân sự tại Đại học Macquarie ở Sydney, cảnh báo chương trình phát triển tên lửa DF-17 có thể nâng cao năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc vì DF-17 đủ khả năng xuyên qua các lá chắn tên lửa hiện thời của Mỹ.

“Tuy vậy, cuộc chạy đua phát triển các tên lửa siêu thanh như DF-17 cũng dẫn đến nguy cơ gây bất ổn khu vực vì các vũ khí siêu thanh làm giảm thời gian ra quyết định trước khi chạm đến mục tiêu chỉ trong vài phút, buộc các nhà lãnh đạo phải đưa ra quyết định chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn”, chuyên gia Ni nhận định.

DF-17 là tên lửa đạn đạo tầm trung đầu tiên của Trung Quốc gắn thiết bị siêu thanh (HGV). Các tên lửa đạn đạo truyền thống thường phóng đầu đạn lên không gian và sau đó di chuyển theo quỹ đạo được tính toán từ trước để tới mục tiêu. Công nghệ HGV cho phép tên lửa bay ở tầm thấp hơn nhiều trong giai đoạn cuối, giúp chúng tránh được radar đối phương tốt hơn.

Trung Quốc đã tiến hành hai vụ thử DF-17 vào tháng 11/2017 và tên lửa này bay được khoảng 1.400 km. Các thử nghiệm được cho là thành công và tên lửa DF-17 có thể sẽ được đưa vào biên chế từ năm 2020.

Nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong ở Macau nhận định tên lửa sử dụng công nghệ HGV có thể trở thành thách thức với hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Năm 2017, Washington đã triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, tuy nhiên Trung Quốc coi THAAD là mối đe dọa với Bắc Kinh. Ông Wong cho biết HGV có khả năng phá hủy hệ thống radar của THAAD.

Theo nhà phân tích quân sự Zhou Chenming, công nghệ HGV cũng sẽ trở thành mối đe đọa với Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản, những đối thủ của Trung Quốc trong khu vực.

Thành Đạt

Theo SCMP