1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia nghi ngờ động cơ “hòa giải Biển Đông” của Campuchia

Lời đề nghị làm “trung gian hòa giải” ở Biển Đông của Campuchia đã khiến nhiều người bất ngờ.

Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong bất ngờ tuyên bố rằng Campuchia sẽ tiếp tục tìm cách trở thành “hòa giải viên” trong vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với VOA, ông Hor Namhong tuyên bố: “Campuchia muốn đóng vai trò hòa giải (ở Biển Đông) để giảm bớt bầu không khí căng thẳng giữa ASEAN và Trung Quốc vì chúng tôi lo ngại rằng sẽ không có giải pháp nào được đưa ra nếu các bên không đàm phán với nhau”.

 - 1

Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong (phải) bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị

Tuyên bố trên của ông Hor Namhong được đưa ra trong bối cảnh Campuchia vừa cử một phái đoàn quân sự với 23 quan chức cấp cao quân đội thuộc ba binh chủng hải, lục, không quân và cả tư lệnh quân cảnh tới thăm Trung Quốc, khiến dư luận không khỏi băn khoăn về động cơ thật sự của họ sau đề nghị trở thành “hòa giải viên” này.

Theo chuyên gia phân tích Prashanth Parameswaran của tạp chí Diplomat có trụ sở ở Nhật Bản, lời đề nghị trở thành “trung gian hòa giải” của Campuchia trong vấn đề tranh chấp Biển Đông đã khiến những người am hiểu tình hình Biển Đông và Đông Nam Á không khỏi phải đặt câu hỏi nghi vấn.

Theo ông Parameswaran, bất cứ quốc gia nào không liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông đều có thể đứng ra làm “trung gian hòa giải”, đặc biệt là các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy từ thập niên 1990 đến nay, vai trò này không hề dễ dàng, ngay cả với “anh cả” Indonesia, quốc gia có vị thế trong khu vực lớn hơn Campuchia rất nhiều.

Chuyên gia Parameswaran cũng chỉ ra rằng những thất bại ngoại giao trong vấn đề Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc chưa bao giờ là hậu quả của việc các bên “không đàm phán với nhau” giống như những gì mà Ngoại trưởng Campuchia chỉ ra cả.

Theo đó, từ lâu các chuyên gia am hiểu tình hình khu vực đã chỉ ra rằng nguyên nhân thực sự khiến tình hình Biển Đông bất ổn là do thái độ cố tình trì hoãn, câu giờ của Trung Quốc trong quá trình đàm phán, ký kết các thỏa thuận mang tính ràng buộc như Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), cũng như những âm mưu nhằm phá hoại sự đoàn kết trong ASEAN khiến khối này không đưa ra được một giải pháp cuối cùng mang tính xây dựng cao.

 - 2

Quan chức quốc phòng Campuchia gặp gỡ các cố vấn quân sự Trung Quốc

Ông Parameswaran chỉ ra rằng chính Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong phải là người hiểu rõ vấn đề này hơn ai hết. Ông Hor Namhong chính là người đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2012 ở Phnom Penh, nơi các nước ASEAN lần đầu tiên trong lịch sử không ra được tuyên bố chung vì sự ngăn cản của Campuchia.

Việc ông Hor Namhong kiên quyết không chấp nhận đưa vấn đề bãi cạn Scarborough vào tuyên bố chung này mà không giải thích lý do cụ thể bất chấp quyết tâm của các thành viên ASEAN khác không phải là cách hành xử mà người ta mong đợi ở một người “trung gian hòa giải”, ông Parameswaran nhấn mạnh.

Sau hội nghị thượng đỉnh “thảm họa” ở Phnom Penh đó, một số thông tin cáo buộc rằng nước chủ nhà Campuchia đã cố tình tiết lộ bản dự thảo tuyên bố chung với Trung Quốc, và chính những thông tin như thế này lại càng khiến người ta ít tin tưởng hơn vào vai trò “trung gian, trung lập” của Campuchia.

Cũng theo chuyên gia Parameswaran, những tuyên bố mà Capuchia đưa ra sau này càng khiến người ta nghi ngờ khả năng và động cơ “trung gian hòa giải” của họ. Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng tuyên bố rằng Biển Đông là vấn đề của riêng Trung Quốc với các quốc gia có tranh chấp, không liên quan gì tới ASEAN.

 - 3

Lãnh đạo các nước ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh năm 2012 tổ chức ở Campuchia

Chuyên gia này cho rằng những tuyên bố như vậy của Campuchia không hề có lợi cho sự đoàn kết của ASEAN, gây ra tình trạng chia rẽ trong khối mà “Trung Quốc rất mong đợi”. Điều này càng khiến người ta đặt câu hỏi về “sự gắn bó bất thường” giữa Campuchia và Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh hai nước đang tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực trong thời gian gần đây.

Với những lý do trên, ông Parameswaran nhận định việc Campuchia trở thành “trung gian hòa giải” trong vấn đề Biển Đông là điều khó xảy ra và khó chấp nhận. Theo ông, nếu Campuchia muốn thực sự đóng góp vào hòa bình và ổn định ở Biển Đông, họ cần phải làm rõ với cộng đồng quốc tế rằng mối quan hệ của họ với Trung Quốc không bị đánh đổi với sự đoàn kết của ASEAN.

Để thể hiện được điều đó, Campuchia cần có những bước đi cụ thể hơn, chẳng hạn như kêu gọi Trung Quốc sớm đàm phán và ký kết COC, đồng thời gây sức ép với Bắc Kinh qua các cuộc gặp song phương. Chuyên gia Parameswaran cho rằng một khi Campuchia gây dựng được lòng tin với ASEAN và cộng đồng quốc tế, sẽ không ai nghi ngờ việc họ đứng ra làm “trung gian hòa giải” trong vấn đề Biển Đông.

Theo Trí Dũng/Diplomat

Chuyên gia nghi ngờ động cơ “hòa giải Biển Đông” của Campuchia - 4