1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Nga: Triều Tiên sẽ phản ứng cực đoan thế nào?

Theo chuyên gia Nga, Triều Tiên có thể đi xa đến mức chấm dứt tư cách thành viên Liên hợp quốc của mình.

Hãng tin Yonhap ngày 7/3 dẫn lời ông Georgy Toloraya, Giám đốc phụ trách Chương trình về bán đảo Triều Tiên tại Viện Kinh tế trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, dự báo Triều Tiên có thể có các hành động mạnh mẽ, thậm chí “cực đoan,” nhằm phản ứng lại nghị quyết trừng phạt mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào nước này.

Các phản ứng "cực đoan" của Bình Nhưỡng có thể là đụng độ quân sự, tấn công mạng, trục xuất nhân viên ngoại giao của các nước ủng hộ nghị quyết.

Trong một bài báo đăng trên trang web 38 độ Bắc (38 North), ông Toloraya cho rằng phản ứng của Bình Nhưỡng có thể sẽ rất “khắc nghiệt” trong bối cảnh nước này đang tiến gần thời điểm tổ chức đại hội toàn quốc của Đảng Lao động Triều Tiên lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua, dự kiến diễn ra vào tháng Năm tới.

Theo ông Toloraya, các quan chức cấp cao Triều Tiên gần đây đã nói với ông rằng chính quyền Bình Nhưỡng có thể “bỏ qua một cách bình thản” nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an vì về cơ bản nước này đã tồn tại bất chấp các lệnh trừng phạt trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể phản ứng một cách mạnh mẽ để tránh nguy cơ xuất hiện phản ứng dữ dội từ "các lực lượng bảo thủ ở Bình Nhưỡng."

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 2/3 thông qua các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Bình Nhưỡng
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 2/3 thông qua các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Bình Nhưỡng

Ông Toloraya nhận định: “Bình Nhưỡng thậm chí có thể đi xa đến mức chấm dứt tư cách thành viên Liên Hợp Quốc của mình, qua đó cho phép nước này bỏ qua bất kỳ biện pháp trừng phạt nào khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ”.

Về vấn đề này, trước đó Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 2/3 nhất trí thông qua lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay đối với Bình Nhưỡng nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần 4 và phóng tên lửa.

Theo lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên, tất cả hàng hóa đến và đi từ Triều Tiên phải được kiểm tra, cấm hoạt động buôn bán mọi loại vũ khí đối với quốc gia này, đồng thời mở rộng danh sách các cá nhân đối mặt với lệnh trừng phạt, theo New York Times.

Nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng do Mỹ và Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Triều Tiên, soạn thảo. Đây được xem là động thái cứng rắn nhất từ phía Liên Hợp Quốc.

Theo các nhà ngoại giao, nghị quyết mới bao gồm các biện pháp nghiêm ngặt nhất nhằm làm suy yếu khả năng Triều Tiên dành tiền và công nghệ cùng những nguồn lực khác cho chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, quá trình thực thi lệnh trừng phạt này phần lớn phụ thuộc vào Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu và là lá chắn ngoại giao của quốc gia Đông Bắc Á.

Được biết, hôm 5/3, Bộ Giao thông Trung Quốc cũng ban hành văn bản yêu cầu quan chức hàng hải nước này đưa 31 tàu thuyền của công ty Ocean Maritime Management (OMM) của Triều Tiên (vốn chịu lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc) vào danh sách đen.

Không chỉ vậy, Trung Quốc cũng bắt đầu hạn chế số lượng xe được vào Triều Tiên mỗi ngày, thông qua một cây cầu nằm ở thành phố Dandong. Số xe vào Triều Tiên đã giảm từ 300 - 400 chiếc xuống chỉ còn 100 chiếc mỗi ngày.

Ngoài ra, tờ Tokyo Shimbun cho biết 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc cũng ngừng chuyển đồng nhân dân tệ và USD sang Triều Tiên. Các ngân hàng này gồm Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp cùng Ngân hàng Nông nghiệp.

Theo Thanh Giang (Tổng hợp)

Đất Việt