Chuyên gia Nga nói thẳng: “Mistral tuy xa nhưng rất gần Nga”
Trên trang web của Sputniknews vừa có bài bình luận của một chuyên gia Nga nói rằng, “Mistral tuy xa nhưng cũng rất gần nước Nga”.
Pháp bán Mistral cho Ai Cập, lỗ 250 triệu euro
Khi nói chuyện với với đại diện Hãng thông tấn quốc tế “Rossiya Segodnya”, ông Vladimir Ardaev - chuyên gia về an ninh quốc tế nhận xét rằng, việc Pháp bán các tàu chở máy bay trực thăng cho Ai Cập không mâu thuẫn với lợi ích chiến lược của Nga.
Vừa qua, truyền thông Pháp dẫn tuyên bố của Tổng thống nước này là ông Francois Hollande cho biết, hai tàu đổ bộ chở trực thăng cỡ lớn loại “Mistral” mà Pháp đóng dành cho Nga nay đã tìm được chủ mới. Những con tàu này sẽ khởi hành đến đất nước Ai Cập.
Tàu do hãng Pháp DCNS thiết kế và Nhà máy đóng tàu STX ở Saint-Nazaire đóng theo đơn đặt hàng của Moscow cho lực lượng hải quân nước này, trên tàu đã lắp đặt các thiết bị của Nga, một đội thủy thủy Nga đã kịp trải qua khóa huấn luyện trên tàu “Mistral”.
Nhưng do kết quả của sự bất đồng nảy sinh giữa Moscow và phương Tây về hành động sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine mà Mỹ và châu Âu đổ lỗi cho Nga, điện Élysée đã từ chối bàn giao tàu chở trực thăng cho điện Kremlin.
Sau khi hợp đồng với Pháp bị hủy, Nga chăm chú theo dõi sát số phận tiếp theo của những con tàu. Điện Kremlin đã bày tỏ hy vọng rằng quyết định về việc chuyển nhượng “Mistral” cho bên thứ ba sẽ được thông qua, có chú ý đến quyền lợi của Nga.
Pháp bán 2 tàu Mistral cho Ai Cập với giá 950 triệu euro
Ý đồ của Moscow nói về việc để đảm bảo rằng những con tàu đổ bộ sẽ không thuộc sở hữu của nước nào đó mà “lợi ích chiến lược mà có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh của Nga”. Hôm nay, điện Kremlin khẳng định rằng lợi ích của đất nước trong các giao dịch đã được Pháp tính đến.
Theo phản ánh của Reuters, Tổng thống Pháp đã thừa nhận rằng, cuộc thương lượng với Ai Cập đã gặp nhiều khó khăn do 2 bên không thông nhất được với nhau về mức giá mà Cairo coi là cao đến vô lý. Nhưng cuối cùng Paris đã bán được 2 tàu với trị giá hợp đồng là 950 triệu euro.
Tuy con số này thấp hơn trị giá hợp đồng với Nga 250 triệu euro, nhưng dù sao giao kèo đảm bảo lợi ích của Pháp, một trong những điểm cốt yếu là Paris vẫn bán được món hàng của mình.
“Ai Cập hiện đang trở thành một khách hàng lớn mua vũ khí ở Bắc Phi, trong đó chính sách của nước này là đa dạng hóa nguồn cung cấp quân sự. Cairo đã mua vũ khí từ Hoa Kỳ, Nga và nhiều nước khác, trong những năm gần đây cũng có sự phát triển đáng kể về hợp tác quân sự-kỹ thuật với Pháp.
Tuy nhiên, hiện giới phân tích không thống nhất quan điểm về chuyện Ai Cập cần “Mistral” để làm gì và sẽ sử dụng chúng như thế nào.
Vừa qua, Nga đã tặng Ai Cập một tàu tên lửa.
Một số khẳng định rằng đất nước Kim tự tháp không cần đến những con tàu thuộc lớp này, những người khác lại chỉ ra rằng Ai Cập có dải bờ biển khá dài, giáp giới với cả Địa Trung Hải và Hồng Hải (Biển Đỏ) nên quốc gia này cần sự bảo vệ chắc chắn của tàu sân bay trực thăng.
Một số nguồn tin cho rằng, nước này sẽ triển khai 1 chiếc tàu sân bay trực thăng ở Biển Đỏ và chiếc còn lại sẽ bảo vệ dải bờ biển ven Địa Trung Hải. Tuy nhiên cũng có nguồn tin cho rằng, rất có thể nước này sẽ cho Trung Quốc hoặc Nga thuê một chiếc.
Tuy nhiên, tất cả những thông tin này vẫn còn rất xa thực tế, một phần vì những bất cập của nó, nhưng phần lớn là do nước này sẽ mất một khoảng thời gian ít nhất là đến năm 2016 mới cải tạo, hoàn thiện được 2 con tàu này.
Chuyên gia Nga: Mistral tuy xa nhưng cũng thật gần
Không phụ thuộc vào chuyện sự hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa Nga và Ai Cập sẽ phát triển trong hình thức nào và “Mistral” sẽ có vai trò ra sao trong quan hệ này, điều dễ thấy là việc Cairo mua lại những con tàu Pháp sẽ có tác dụng tăng cường hợp tác giữa hai nước và khiến Ai Cập được lợi rất nhiều.
Thứ nhất: Hiện nay, Nga đang là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, được kế thừa truyền thống quan hệ tốt với Ai Cập của Liên Xô trước đây. Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường quan hệ quân sự với Cairo trong bối cảnh quốc gia này đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự.
Việc Moscow cho Cairo vay tiền mua tàu và bán máy bay trực thăng có thể giúp hải quân Ai Cập trở thành mạnh nhất vùng biển Địa Trung Hải, đồng thời đánh bật ảnh hưởng của Mỹ, khôi phục vị thế đồng minh quan trọng nhất của nước này đối với xứ sở của các Pharaon, giống như Liên Xô trước đây.
Thứ hai: Bây giờ những con tàu hiện đại này sẽ không nằm trong tay những nước mà quan hệ với Nga không phải là tốt đẹp, ví dụ như một số quốc gia đồng minh của Mỹ hoặc thuộc khối NATO như Canada, Saudi Arabia…
Nếu trường hợp này xảy ra, thứ nhất là nó sẽ là đòn mạnh giáng vào uy tín của Nga, hơn nữa, những địch thủ của Moscow sẽ được tăng cường lực lượng để chống lại Nga hoặc các đồng minh.
Ví dụ như Canada sẽ sử dụng chúng để tranh chấp Bắc Cực với Nga hoặc Saudi Arabia sẽ dùng chúng để hỗ trợ cho hoạt động của Mỹ và NATO trên Biển Đỏ hoặc Địa Trung Hải hay sử dụng trên biển Persian để đối phó với Iran…
Nếu Canada mua Mistral, họ có thể sử dụng để tranh đoạt Bắc Cực đối với Nga
Thứ ba: Trở thành chủ sở hữu “Mistral”, rõ ràng là thực lực quân đội Ai Cập sẽ nâng lên rất nhiều, Cairo sẽ trông đợi thực tế là sau này việc hoàn chỉnh trang bị, vũ khí của con tàu, với sự giúp đỡ của Nga sẽ rẻ hơn rất nhiều so với Pháp” - nhà phân tích quân sự Ardaev nêu ý kiến.
Hiện những con tàu “Mistral” do Pháp đóng phần nhiều đã trở thành tàu Nga, ví dụ như trên tàu lắp đặt thiết bị thông tin Nga, tuy bây giờ đã bị tháo dỡ, nhưng không khó khăn gì nếu đưa trở lại vị trí một lần nữa. Còn lắp đặt thiết bị của nước khác sẽ không phù hợp với các “lỗ hổng” đã tháo dỡ.
Câu hỏi về việc Moscow giao cho Cairo món hàng “hot” là trực thăng tấn công Ka-52K cũng là điều dễ hiểu bởi sàn tàu đã được thay đổi đặc biệt phù hợp với máy bay trực thăng của Nga. Hơn nữa, loại trực thăng này thuộc loại độc nhất trên thế giới, có hỏa lực ngang 1 máy bay chiến đấu, ai cũng muốn sở hữu.
Ngoài ra, “Mistral” cũng đòi hỏi bổ sung vũ khí, trang bị đáng kể, trước hết là mọt số trực thăng săn ngầm, trinh sát khác hoặc hệ thống điều khiển cất, hạ cánh tự động cho trực thăng hạm, hệ thống pháo phòng không… Ở công đoạn này Nga có thể dành sự hỗ trợ tốt nhất cho Ai Cập.
Nga có thể cung cấp trực thăng tấn công Ka-52K cho Ai Cập
Thứ tư: Sự xuất hiện của “Mistral” ở Ai Cập trong mọi trường hợp sẽ mang lại cho Nga nhiều điểm lợi thế khi thực thi chính sách khu vực riêng của mình, mà một trong những vấn đề quan trọng nhất là triển vọng tham gia của nước này trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria, ngăn chặn cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất của châu Âu.
Hiện ngoài việc thắt chặt mối quan hệ với Ai Cập, Nga đang nỗ lực bảo vệ chính quyền Syria của Tổng thống Assad để bảo đảm chỗ đứng chân tại Trung Đông và Địa Trung Hải. Do đó, việc Cairo sở hữu các tàu chiến hiện đại có thể là sự hỗ trợ đắc lực cho Moscow.
Nga có thể phối hợp với Ai Cập sử dụng chính Mistral để thành lập 1 lực lượng đặc nhiệm chống cướp biển và cứu trợ người tị nạn như của châu Âu. Làm được điều này, vừa bảo vệ được bờ biển của cả 2 nước Syria, Ai Cập, vừa nâng cao uy tín của cả Moscow và Cairo trên trường quốc tế.
Kết thúc vấn đề, chuyên gia Vladimir Ardaev kết luận rằng, việc Pháp hủy hợp đồng mua sắm 2 tàu sân bay Mistral với Nga mà bán lại cho Ai Cập, những con tàu đổ bộ trực thăng này tuy xa nhưng cũng rất gần Nga.
Theo Thiên Nam
Đất Việt