1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc muốn thống trị châu Á

(Dân trí) - “Trung Quốc muốn thống trị châu Á và gây áp lực với Mỹ”, ông Abraham M. Denmark, Phó Chủ tịch Các vấn đề Chính trị và An ninh tại Văn phòng Quốc gia Nghiên cứu châu Á của Mỹ nhận định.

Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ được điều động tới khu vực nhằm đối phó với Trung Quốc. (Ảnh:

Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ được điều động tới khu vực nhằm đối phó với Trung Quốc. (Ảnh: CFP)

Chiến lược Châu Á 2014-2015, một ấn phẩm thường niên về các xu thế địa chính trị tại châu Á-Thái Bình Dương có sự tham gia biên soạn của ông Denmark, cho rằng Mỹ nên dựa vào liên minh tại khu vực để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy bằng cách tăng cường vai trò của Nhật Bản và ngăn Nga thiết lập liên minh với Trung Quốc.

Những động thái mang tính khiêu khích của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông gần đây đã thể hiện rõ tham vọng của Bắc Kinh, đồng thời khiến Mỹ lo ngại và buộc phải hành động.

Báo Want China Times ngày 21/7 dẫn lời ông Denmark, từng là người đừng đầu Ủy ban Các vấn đề về Trung Quốc tại Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết Mỹ đã bắt đầu xây dựng một phòng tuyến tập thể tại châu Á, bằng cách hối thúc các quốc gia khu vực hợp tác trong các vấn đề nhân đạo và cứu nạn, chia sẻ thông tin tình báo, chính sách an ninh hàng hải, chiến tranh dưới mặt nước, phòng thủ tên lửa và an ninh mạng nhằm củng cố liên minh và chia sẻ trách nhiệm.

Cụ thể, hồi tháng 1/2015, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký kết một bản ghi nhớ về chia sẻ tình báo an ninh. Mỹ cũng đã thiết lập một căn cứ sửa chữa và bảo dưỡng chiến đấu cơ F-35 tại Nhật Bản và khuyến khích Tokyo khởi đầu hợp tác công nghiệp an ninh đa quốc gia tại châu Á.

Những thay đổi trong sức mạnh an ninh của Mỹ và Trung Quốc tại khu vực là nhân tố then chốt trong quyết sách của các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, việc Mỹ có thể duy trì sự hiện diện an ninh ở khu vực hay không sẽ quyết định những thay đổi chính trị và các chính sách ngoại giao tại khu vực, cũng như mức độ ảnh hưởng đối với các lợi ích cốt lõi của Mỹ tại đây.

Washington có cách tiếp cận hai chiều đối với vấn đề Trung Quốc. Một mặt, Mỹ muốn duy trì hợp tác với Bắc Kinh, đảm bảo nước này tôn trọng các hệ thống và quy chuẩn quốc tế để từ đó trở thành “một cường quốc có trách nhiệm”.

Mặt khác, Mỹ đã và đang triển khai các lực lượng quân sự tại khu vực nhằm đảm bảo khả năng hiện diện và đối phó với các hành vi “ngông cuồng” của Trung Quốc.

Có thể quân đội Trung Quốc chưa có khả năng triển khai sức mạnh tại khu vực khác của thế giới cho đến trước 2020, song Bắc Kinh hoàn toàn có tiềm lực xoay chuyển bàn cân an ninh tại châu Á nếu vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng kinh tế như hiện nay.

Do vậy, theo ông Denmark, Washington vẫn cần phải nỗ lực đổi hướng các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc và cố gắng biến Bắc Kinh thành một “người đóng góp”, thay vì “kẻ phá hoại” hòa bình và ổn định khu vực.

Trong tương lai, Mỹ sẽ tiếp tục thận trọng theo dõi mọi động thái của Bắc Kinh, đồng thời chuẩn bị cho mối đe dọa ngày một tăng mà Trung Quốc đang tạo ra tại Biển Đông và Hoa Đông.
Nghi Phương
Theo Want China Times
Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ được điều động tới khu vực nhằm đối phó với Trung Quốc. (Ảnh: