1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia hoài nghi về "sát thủ tàu sân bay" của Trung Quốc

(Dân trí) - Sau khi Trung Quốc tung video “khoe” vụ phóng tên lửa “sát thủ tàu sân bay” DF-26, giới chuyên gia Phương Tây đã bày tỏ sự hoài nghi rằng đây có thể chỉ là chiêu trò truyền thông quá đà của Bắc Kinh.

Chuyên gia hoài nghi về sát thủ tàu sân bay của Trung Quốc - 1

Hệ thống tên lửa DF-26 của Trung Quốc (Ảnh: CSIS)

 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 23/1 đăng tải một đoạn video giới thiệu về tên lửa DF-26 hay còn được gọi là “sát thủ diệt Guam” (sát thủ tàu sân bay). Đây là động thái giới chuyên gia nhận định nhằm đáp trả quan điểm của giới quan sát trước đó rằng Bắc Kinh chưa có đủ khả năng để đánh chìm tàu sân bay của Mỹ.

Đến ngày 28/1, báo chí Trung Quốc tiếp tục đăng tải hàng loạt bài viết ca ngợi tính năng của DF-26.

Giới quan sát nói với CNN rằng, động thái của Bắc Kinh dường như nhằm tuyên truyền nhằm gây ấn tượng với dư luận Trung Quốc, đồng thời nhằm minh chứng sức mạnh quân sự của họ trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết đoạn video của Trung Quốc thực tế không chứng minh được điều gì. “Đoạn video không cho thấy cảnh tên lửa tấn công vào mục tiêu đang di chuyển trên biển. Với người xem, đoạn video chỉ giống như một vụ phóng tên lửa đạn đạo thông thường”, chuyên gia quân sự Carl Schuster nói với CNN.

Trung Quốc từ trước tới nay khẳng định rằng tên lửa của họ có thể tấn công tàu chiến trên biển. Theo các chuyên gia Mỹ, DF-26 được tin là có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 5.471km với đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thường.

Tuy nhiên, để đánh trúng được mục tiêu di chuyển trên biển đòi hỏi chiến thuật cũng như các kỹ thuật tác chiến nhất định mà ông Schuster, cựu giám đốc Trung tâm Tình báo liên hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ nhận định rằng Trung Quốc vẫn chưa chứng minh họ có thể làm được.

Hồi đầu tháng, Mỹ đã điều tàu khu trục thực hiện nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Sau đó, truyền thông Trung Quốc tuyên bố rằng quân đội nước này đã triển khai tên lửa DF-26 ở đất liền và có thể tấn công các mục tiêu trên toàn Biển Đông.

Thiết kế đặc biệt

Thời báo Hoàn cầu, tờ báo do đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý, cho biết tên lửa DF-26 được trang bị 4 vây điều khiển ở gần mũi, cho phép nó có thể đổi hướng liên tục để có thể tấn công các mục tiêu di chuyển.

“Thiết kế đặc biệt cho phép tên lửa điều khiển chính xác đường tấn công và các vây điều khiển mang lại khả năng cơ động cao và đưa đầu đạn di chuyển chính xác trong giai đoạn cuối nhằm tấn công tàu sân bay di chuyển chậm”, chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping nói.

Ngoài ra, Thời báo Hoàn cầu cũng dẫn ý kiến một chuyên gia giấu tên nói rằng đầu đạn tên lửa có mối liên kết điện tử với hệ thống dò mục tiêu. Hệ thống này gồm các loại radar và vệ tinh nhằm cập nhật liên tục vị trí của mục tiêu đang di chuyển để điều hướng cho tên lửa.

Tuy nhiên, nhà phân tích Andrew Tate của tạp chí Jane’s Defence Weekly (Anh) nói rằng để chứng minh được khả năng diệt hạm của DF-26, Trung Quốc sẽ cần thử nghiệm và diễn tập nhiều hơn nữa.

“Hệ thống radar Trung Quốc đề cập tới có thể được triển khai khi DF-26 bước vào giai đoạn di chuyển cuối nhưng nếu xảy ra chậm trễ khi cập nhật vị trí thì tên lửa sẽ bắn trượt. Vì vậy, để đảm bảo chức năng này hoạt động hiệu quả, Bắc Kinh cần phải thử nghiệm nhiều lần”, ông Tate nói.

Ông Schuster cũng cho rằng đoạn video đã được chỉnh sửa với âm nhạc và hiệu ứng cho thấy cảm giác DF-26 là vũ khí mạnh nhưng thực tế nó không cho thấy được tên lửa này bắn trúng bất cứ mục tiêu nào. Vì vậy, ông cho rằng đây dường như là chiêu trò tuyên truyền của Trung Quốc.

Đức Hoàng

Tổng hợp