1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyên gia chia sẻ cách phòng tránh virus corona khi đi máy bay

(Dân trí) - Chuyên gia cố vấn y tế cho các hãng hàng không trên thế giới đã chia sẻ cách phòng tránh virus corona dành cho các hành khách đi máy bay.

Chuyên gia chia sẻ cách phòng tránh virus corona khi đi máy bay - 1

Hành khách đồng loạt đeo khẩu trang trên một chuyến bay. (Ảnh: EPA)

Theo Tiến sĩ David Powell, bác sĩ kiêm cố vấn y tế của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), virus corona không thể tồn tại lâu trên ghế ngồi hay chỗ để tay trên ghế, do vậy việc tiếp xúc trực tiếp với một người nhiễm virus vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm nhất khi đi máy bay. Ông Powell cho rằng khẩu trang và găng tay có tác dụng nhiều hơn trong việc ngăn virus lây lan chứ không thể tiêu diệt được virus.

Hãng tin Bloomberg đã tiến hành cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Powell về cách phòng tránh virus corona trên máy bay. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế hiện đại diện cho khoảng 290 hãng hàng không và hơn 80% hoạt động vận tải hàng không toàn cầu.

 

Có nguy cơ nhiễm virus corona trên máy bay không?

Nguy cơ nhiễm một loại virus nguy hiểm trên máy bay ở mức thấp. Nguồn không khí cung cấp cho máy bay hiện đại rất khác so với không khí trong rạp chiếu phim hay tòa nhà văn phòng.

Không khí trong máy bay là sự kết hợp của không khí ngoài trời với không khí được tái lưu thông. Không khí tái lưu thông sẽ đi qua các hệ thống lọc tương tự loại được sử dụng trong các phòng mổ y tế. Nguồn không khí này được đảm bảo ở mức 99,97% (thậm chí cao hơn) không có virus hoặc các hạt nhỏ.

Do vậy, nguy cơ nhiễm virus, nếu có, không phải đến từ nguồn không khí được cấp trên máy bay, mà từ những hành khách khác.

Có nguy cơ nhiễm virus thông qua việc chạm vào ghế, tay ghế hay bất kỳ vật dụng nào trên máy bay không?

Virus và vi khuẩn có xu hướng tồn tại trên các vật thể sống như con người. Việc bắt tay với những người khác sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao hơn so với việc chạm vào một bề mặt khô nơi không có vật thể sinh học. Sự tồn tại của virus trên các bề mặt khô không quá nghiêm trọng, do vậy việc lau dọn thông thường, sau đó là lau dọn kỹ hơn nếu có sự xuất hiện của người nào đó nghi nhiễm virus, là quy trình phù hợp.

Điều gì là quan trọng khi bước vào máy bay để đảm bảo không bị lây nhiễm?

Vệ sinh tay, vì trái ngược với những gì mọi người vẫn nghĩ, tay là nơi virus lây lan nhanh nhất. Điều quan trọng nhất là thường xuyên rửa tay, vệ sinh tay, hoặc kết hợp cả hai. Tránh chạm tay vào mặt.

Nếu bạn ho hay hắt hơi, điều quan trọng là bạn cần lấy cánh tay che mặt. Tốt hơn hết là dùng khăn giấy và vứt đi một cách cẩn thận, sau đó vệ sinh tay. Rửa tay bằng nước và làm khô tay là quy trình tốt nhất. Nếu không thể rửa tay bằng nước, sử dụng dung dịch vệ sinh chứa cồn là phương án tốt thứ hai.

Chuyên gia chia sẻ cách phòng tránh virus corona khi đi máy bay - 2

Nhân viên mặc đồ bảo hộ khử trùng bên trong máy bay. (Ảnh: FT)

Đeo khẩu trang và găng tay có giúp ngăn lây lan virus không?

Đối với khẩu trang, có rất ít bằng chứng cho thấy lợi ích của khẩu trang trong các hoạt động thông thường. Khẩu trang chỉ có tác dụng đối với những người không khỏe khi họ đeo chúng để bảo vệ những người khác không bị lây nhiễm từ họ.

Việc đeo khẩu trang liên tục không có nhiều tác dụng. Khẩu trang vẫn cho phép virus tồn tại xung quanh hoặc xuyên qua nó, và nếu khẩu trang bị ẩm, đây sẽ là môi trường thúc đẩy sự phát triển của virus và vi khuẩn.

Găng tay có lẽ còn đáng lo ngại hơn khẩu trang, vì mọi người thường đeo găng tay sau đó chạm vào tất cả mọi thứ mà họ có thể chạm bằng tay. Và đây lại là cách lây nhiễm vi sinh vật. Ngoài ra, khi đeo găng tay, tay của bạn sẽ bị nóng và đổ mồ hôi bên trong găng tay. Đây cũng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Đóng cửa biên giới có phải là cách để kiềm chế sự lây lan của virus không?

Một vấn đề đang làm thay đổi thế giới là khả năng lây lan nhanh chóng của virus từ nơi này sang nơi khác. Đúng là ngành hàng không cũng đóng góp một phần trong đó.

Tuy nhiên, hàng không cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với các dịch bệnh như vậy. Đó là lý do có sự hợp tác giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với IATA, và điều này đã diễn ra trong những năm vừa qua.

Nếu các nước đóng cửa biên giới trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, giống như những gì đã xảy ra tại Tây Phi trong thời kỳ xảy ra dịch Ebola, điều này có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, một quốc gia phải tự vật lộn để đối phó với dịch bệnh. Nếu họ đóng cửa biên giới, WHO không thể đưa người vào, và họ cũng không thể mang các mẫu sinh học ra ngoài nghiên cứu. Tác động về kinh tế từ việc đóng cửa biên giới cũng khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Việc cấm đi lại cũng có thể dẫn đến những tác động tiêu cực. Lệnh cấm này càng khuyến khích người dân đi chui, đồng nghĩa với việc khó có thể kiểm soát.

Khi nào có thể khẳng định giai đoạn xấu nhất đã qua?

Số ca nhiễm virus corona vẫn tiếp tục tăng lên với tốc độ từ 16-20% mỗi ngày. Chừng nào chúng ta chưa đạt tới mức mà con số này giảm xuống, chúng ta chưa thể khẳng định là đã qua giai đoạn tồi tệ nhất.

Thành Đạt

Theo Bloomberg