1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia cảnh báo nơi tiếp theo có thể xuất hiện biến chủng SARS-CoV-2

Minh Phương

(Dân trí) - Chuyên gia cảnh báo, quốc gia với độ phủ vaccine dưới 5% đang tạo cơ hội cho virus SARS-CoV-2 lây lan và đột biến, và không loại trừ nguy cơ làm xuất hiện biến chủng nguy hiểm hơn.

Chuyên gia cảnh báo nơi tiếp theo có thể xuất hiện biến chủng SARS-CoV-2 - 1

Độ phủ vaccine Covid-19 ở Papua New Guinea chưa đến 5% (Ảnh: Reuters).

"Tôi lo ngại rằng, Papua New Guinea sẽ là nơi tiếp theo xuất hiện biến chủng mới", Guardian dẫn lời ông Adrian Prouse, người đứng đầu chương trình nhân đạo quốc tế tại Hội chữ Thập đỏ Australia, cảnh báo.

Chuyên gia này lập luận: "Ở Papua New Guinea, chưa đến 5% dân số trưởng thành được tiêm vaccine Covid-19. Tại Indonesia, con số này là dưới 1/3. Cả hai quốc gia ngay sát Australia đều gặp trở ngại trong chương trình tiêm chủng".

Stefanie Vaccher, chuyên gia dịch tễ tại Viện nghiên cứu Burnet, cũng có chung lo ngại. "Ở những cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, virus càng có nhiều cơ hội lây lan và biến đổi. Ở Papua New Guinea, chưa đầy 4% dân số được tiêm chủng, virus có rất nhiều cơ hội lây lan và đột biến", chuyên gia Vaccher nói.

Chuyên gia này cảnh báo, chính phủ và người dân Australia nên quan tâm đến tình trạng dịch COVID-19 tại Papua New Guinea không chỉ vì yếu tố nó sẽ ảnh hưởng thế nào với Australia.

"Theo tôi, việc biến chủng xuất hiện ở quốc gia nào không phải là vấn đề. Vấn đề là các quốc gia cần có trách nhiệm suy nghĩ ở quy mô toàn cầu và dịch Covid-19 đã cho thấy sự kết nối thế nào giữa chúng ta. Điều quan trọng là, nó không chỉ là rủi ro tiềm tàng cho người dân của nước đó, mà với người dân ở bất cứ nước nào", bà nhấn mạnh.

Chuyên gia cảnh báo nơi tiếp theo có thể xuất hiện biến chủng SARS-CoV-2 - 2

Một làng chài ở Port Moresby, Papua New Guinea (Ảnh: Reuters).

Đến nay, Papua New Guinea mới ghi nhận gần 36.000 ca mắc và gần 600 ca tử vong do Covid-19, nhưng giới chuyên gia lo ngại rằng, con số thực tế có thể lớn hơn nhiều do năng lực xét nghiệm còn hạn chế và tư tưởng "giấu bệnh" do lo sợ kỳ thị. Guardian dẫn các nguồn tin cho biết, nhiều người dân ở đây đã đề nghị bác sĩ không ghi vào Covid-19 vào giấy chứng tử nếu người thân của họ không may qua đời vì căn bệnh này.

Bà Vaccher cho biết, một nghiên cứu ở Papua New Guinea vào khoảng tháng 3 năm nay cho thấy 24% nhân viên y tế ở bệnh viện Port Moresby đã có kháng thể với Covid-19. Điều này cho thấy Covid-19 đã âm thầm lây lan và không được phát hiện ở Papua New Guinea. Mặc dù vậy, Covid-19 vẫn khiến hệ thống y tế vốn nghèo nàn của Papua New Guinea căng thẳng.

"Hiện tại, Papua New Guinea đang đối phó với làn sóng lây nhiễm do biến chủng Delta và nó có thể khiến tỷ lệ nhập viện và tử vong ở quốc gia này tăng mạnh trong thời gian tới. "Chúng tôi đã thấy nhiều bệnh viện lớn ở Papua New Guinea cắt giảm các dịch vụ y tế khác. Điều đáng lo ngại nữa là chúng tôi cũng nhận thấy sự gia tăng các ca bệnh khác như sốt rét...", chuyên gia Prouse nói.

Ông cho biết, mặc dù nguồn cung vaccine cho Papua New Guinea vẫn đầy đủ, nhưng chính phủ nước này lại gặp trở ngại trong việc thuyết phục người dân tiêm chủng cũng như các vấn đề liên quan đến hạ tầng bảo quản vaccine.

Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang lo ngại về sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Biến chủng này được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi - nơi có độ phủ vaccine thấp và được xác định có số lượng đột biến cao bất thường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Omicron có khả năng lây lan cao hơn Delta, có thể làm giảm hiệu quả của vaccine nhưng chỉ gây triệu chứng nhẹ. Mặc dù vậy, WHO nhấn mạnh vẫn cần thêm dữ liệu để đánh giá về độc lực của biến chủng này.