1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyến công du nhiều kỳ vọng

Ngày 23-7 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rời thủ đô Washington bắt đầu chuyến công du thăm hai nước châu Phi là Kenya và Etiopia, đồng thời thăm trụ sở của Liên minh châu Phi.

Đây là chuyến thăm thứ tư của ông B.Obama tới châu Phi kể từ khi lên làm tổng thống năm 2009, nhiều hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ nào khác. Chuyến công du này được hai bên đặt nhiều kỳ vọng về tương lai hợp tác giữa Mỹ và châu Phi trong nhiều lĩnh vực.

Với chặng dừng chân đầu tiên ngày 24-7 tại Kenya, đây là lần đầu tiên ông B.Obama trở về thăm quê hương của cha mình trên cương vị Tổng thống Mỹ. Trong thời gian ở thủ đô Nairobi, ngoài việc hội đàm với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà Kenya, Tổng thống B.Obama cũng tham dự Hội nghị Các doanh nghiệp toàn cầu, thăm các làng mạc ở Kenya và có thể sẽ dừng chân tại ngôi nhà của bà nội Sarah Obama.

Sau chuyến thămKenya, ông B.Obama sẽ sang Etiopia, trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm quốc gia này. Trong thời gian ở Addis Ababa, ngoài các cuộc gặp với lãnh đạo nước chủ nhà Etiopia, ông Obama cũng sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm trụ sở Liên minh châu Phi (AU) tại Addis Ababa.

Chuyến công du nhiều kỳ vọng - 1

 

Tổng thống B.Ô-ba-ma lên chiếc Không lực Một rời Oa-sinh-tơn ngày 23-7 (giờ địa phương), bắt đầu chuyến công du châu Phi.

Chuyến công du châu Phi của Tổng thống B.Obama được xem là bước tiếp theo trong chủ trương của Nhà Trắng nhằm tăng cường can dự tới “Lục địa đen” sau nhiều năm quên lãng, với trọng tâm là thúc đẩy hợp tác kinh tế, chống khủng bố và cải thiện tình hình an ninh khu vực.

Trước thềm chuyến thăm, tối 22-7, ông B.Obama đã ký đưa vào thực hiện Đạo luật Tăng trưởng và cơ hội cho châu Phi. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, mặc dù còn nhiều thách thức và khó khăn, nhưng với sự năng động và phát triển nhanh, châu Phi “có tiềm năng trở thành tâm điểm tiếp theo của sự phát triển kinh tế toàn cầu”.

Trước đó, Tổng thống B.Obama đã ký gia hạn 10 năm cho Cơ quan thương mại chính của Mỹ với châu Phi. Kể từ khi cơ quan này được thành lập cách đây hơn 15 năm, thương mại song phương Mỹ-Phi đã có những tăng trưởng vượt bậc, đạt mức 73 tỷ USD năm 2014, trong đó xuất khẩu Mỹ chiếm hơn một nửa. Hơn 40 quốc gia tiểu vùng Sahara được hưởng những lợi ích thương mại theo đạo luật, qua đó phần lớn nhập khẩu từ châu Phi vào Mỹ được miễn thuế.

Tuy nhiên, ngay cả khi thương mại của Mỹ với châu Phi đã phát triển nhanh chóng, nó vẫn thua xa hợp tác thương mại giữa châu Phi với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Theo con số thống kê, thương mại hai chiều của những đối tác này với châu Phi lần lượt là 200 tỷ USD và 140 tỷ USD. Do đó, Tổng thống B.Obama sẽ tận dụng chuyến công du này để thúc đẩy hợp tác thương mại nhằm can dự sâu vào châu Phi.

Dự kiến, trong thời gian diễn ra cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Phi, Mỹ cam kết sẽ đầu tư hơn 33 tỷ USD vào các lĩnh vực khác nhau của các nước này. Với khoản cam kết đầu tư lớn như vậy, chính phủ và các công ty của Mỹ muốn chuyển quan hệ với châu Phi từ thuần túy là cấp và nhận viện trợ nhân đạo sang xây dựng các mối quan hệ đối tác kinh tế bình đẳng.

Một trọng tâm khác cũng sẽ được đề cập tới trong chuyến công du của Tổng thống B.Obama chính là hợp tác chống khủng bố và cải thiện tình hình an ninh. Trước chuyến thăm châu Phi của ông B.Obama vài ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng cảnh báo về nguy cơ có thể xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại châu Phi, trong đó có Kenya.

Là quốc gia có đường biên giới với Somali, nơi các tay súng thuộc nhóm al-Shabaab hoạt động mạnh, Kenya đang đứng trước những nguy cơ khủng bố cao. Hồi tháng 4 vừa qua, một cuộc thảm sát xảy ra tại Kenya, gần biên giới với Somali đã khiến 148 người thiệt mạng.

Tình trạng bạo lực gia tăng đã gây tổn thất cho ngành du lịch, vốn được coi là một trong những ngành xương sống của nền kinh tế lớn nhất Đông Phi. Do đó, nhiều người dân Kenya hy vọng, qua chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, Kenya sẽ nhận thêm được nhiều sự hỗ trợ từ Mỹ trong cuộc chiến chống lại các tay súng Hồi giáo. 

Theo giới phân tích, châu Phi nói chung và Kenya nói riêng hiện đang rất cần thêm sự giúp đỡ từ các đồng minh trong vấn đề tình báo, giám sát nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố. Và Mỹ được coi là đối tác hàng đầu có thể giúp châu Phi trong vấn đề này.

Ông Mbijiwe, nhà phân tích an ninh và chống khủng bố của Kenya nhận định, Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm trong vấn đề chống khủng bố. Từ sau sự kiện ngày 11-9-2001, nước Mỹ hoàn toàn thay đổi và có những kinh nghiệm chống khủng bố để các nước phải học hỏi. Vì thế, Kenya có thể hy vọng học hỏi những kinh nghiệm chống khủng bố từ Washinhton, học cách làm thế nào để cải thiện an ninh quốc gia của Kenya.

Theo Linh Oanh

Quân đội Nhân dân