1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyển biến quan niệm tình dục của người Trung Quốc (1)

(Dân trí) - Sau nhiều năm cải cách mở cửa, các mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa… của Trung Quốc đều có thay đổi. Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây khiến quan niệm tình dục của người Trung Quốc chuyển biến rõ rệt.

Dưới đây là một số sự kiện chủ yếu có tính tiêu biểu cho sự chuyển biến này theo thời gian.
 
Trước năm 1978
 
Trong suốt 10 năm trước 1978, giới trẻ Trung Quốc coi việc trai gái công khai hẹn gặp nhau là “trụy lạc”. Trai gái muốn trò chuyện với nhau thì phải lấy cớ “bàn chuyện công tác” để hoạt động bí mật. Bức thư tình nào cũng mào đầu bằng câu “Gửi đồng chí...”, cuối thư nhất thiết phải có mấy chữ “Gửi lời chào cách mạng… ”
 
1978 - 1979
 
Nhưng đến năm 1978 thì tình yêu bắt đầu hơi tách ra khỏi “tình cảm giai cấp”. Từ ngữ “nói chuyện yêu đương” bắt đầu thịnh hành trong cả nước. Việc cho chiếu bộ phim Nhật Bản "Nhớ quê" (vốn có tên Kỹ viện số 8) với những hình ảnh nhạy cảm đã gây một tác động mạnh mẽ chưa từng thấy trong dư luận Trung Quốc, tới mức đài truyền hình Bắc Kinh tổ chức một buổi tọa đàm đại biểu nhân dân Bắc Kinh bàn về bộ phim này, có truyền hình trực tiếp.
 
Năm 1979, việc bìa 4 tạp chí Điện ảnh đại chúng in tấm ảnh đôi nhân vật chính trong phim nước ngoài "Giày thủy tinh và hoa hồng" đang hôn nhau đã gây sóng gió trên báo đài, gây ra một cuộc tranh cãi lớn trong cả nước. Họa sĩ Viên Vận Sinh vẽ lên tường sân bay thủ đô Bắc Kinh bức bích họa Lễ hội té nước - bài ca cuộc sống, trong tranh có hình một phụ nữ dân tộc Thái tắm truồng, châm ngòi cho một cuộc tranh cãi ồn ào và bức bích họa có một thời gian bị che đi.
 
1980 - 1989
 
Năm 1980, Trung Quốc ban hành Luật Hôn nhân mới. Đáng chú ý trong luật này là những quy định liên quan tới ly hôn. Điều kiện cần thiết của việc ly hôn được sửa thành: Thứ nhất, tình cảm của hai bên đã hoàn toàn tan vỡ; thứ hai, đã được hòa giải nhưng không có kết quả.
 
Nhờ đó Trung Quốc nhảy một bước trở thành nước dẫn đầu thế giới phong trào tự do ly dị. (Tại Mỹ, tới năm 1971 mới có một nửa số bang thông qua luật pháp cho phép ly dị; Anh năm 1973 mới thông qua luật tương tự).
 
Nhà xuất bản khoa học kỹ thuật Giang Tây phát hành sách Mạn đàm về tình dục của Hồ Đình Ích, năm 1985 và 1988 tái bản, tổng số phát hành lên tới 2,8 triệu bản. Cùng năm đó, sách Hiểu viết về tình dục của Vương Văn Bân cũng tái bản, đến 1981 đã phát hành cả thảy 5,6 triệu bản. Mọi người bắt đầu hoan hô: Chủ đề cấm bị phá rồi.
 
Năm 1981, Trung Quốc bắt đầu thực thi chính sách một con, hậu quả thực tế là thay đổi tận gốc giới tính của người Trung Quốc. Từ đó trở đi việc tránh thai và nạo phá thai được hợp pháp hóa.
 
Năm 1982, sách "Giấc mộng hoa hồng" do nhà xuất bản Diên Biên xuất bản bị cấm. Đây là một sự việc nổi bật trong lịch sử xuất bản của Trung Quốc.
 
Tổng cộng năm ấy cả nước có hơn 30 đầu sách chuyện trai gái dâm ô của các nhà xuất bản chính thức bị cấm, 6 nhà xuất bản bị đình chỉ công việc để chỉnh đốn; hơn 130 loại tạp chí bị điều tra kết luận là có đăng những chuyện dâm ô hoặc đăng tranh ảnh đê tiện thấp hèn.
 
Thành lập Trung tâm Môi giới hôn nhân thanh niên Quảng Châu - là cơ quan môi giới hôn nhân đầu tiên ở Trung Quốc.
 
Năm 1983, Giáo sư Ngô Giai Bình Giám đốc danh dự Viện Y học Trung Quốc biên dịch xuất bản sách Y học tình dục, đánh dấu sự mở đầu khoa học tình dục và điều trị bệnh tình dục tại Trung Quốc. Toàn bộ chương Luyến ái đồng giới cùng 3 chương khác trong sách này bị cắt bỏ.
 
Chuyên gia phẫu thuật nổi tiếng, giáo sư Vương Đại Mai (Học viện Y khoa Bắc Kinh) thực hiện ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính đầu tiên ở Trung Quốc. Rồi sau đó, ảnh các cô gái đẹp xuất hiện đầy rẫy trên bìa tạp chí và lịch treo.
 
Năm 1984, Tạp chí Phụ nữ Trung Quốc lần đầu tiên đăng tin tìm bạn đời. Tiếp đó, lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành tuyển người mẫu.
 
Năm 1985, các bài viết và sách Tình dục học của các tác giả phương Tây bắt đầu công khai xuất bản tại Trung Quốc. Sổ tay kiến thức tình dục do Trần Phương Bân chủ biên được xuất bản là một hành động vượt rào hồi ấy. Đồng thời các trước tác như Tâm lý học tình yêu của Freud được dịch ra tiếng Trung Quốc và xuất bản đã gây ra cơn sốt.
 
Lưu Đạt Lâm ở Thượng Hải tổ chức lớp giảng dạy Giáo dục về tình dục đầu tiên tại Trung Quốc. Những từ ngữ ngoại tình, người tình, đời sống tình dục, làm tình bắt đầu xuất hiện. Tiêu điểm văn hóa năm 1985 là tiểu thuyết Một nửa đàn ông là đàn bà của Trương Hiền Lượng, cuốn sách đầu tiên nói tới vấn đề ức chế tình dục.
 
Năm 1986, Thành lập Hội Nghiên cứu giáo dục tình dục thành phố Thượng Hải. Lưu Đạt Lâm  ở Thượng Hải đề xướng thành lập trung tâm nghiên cứu xã hội học tình dục và năm 1988 cùng Triệu Lệnh Đức, Liêu Lệ Chu ra tạp chí Giáo dục tình dục.
 
Năm 1987, một nhóm người lập ra tổ chức Hội Nam tính học và ra tạp chí Nam tính học.
 
Năm 1988, Ủy ban Giáo dục nhà nước, Bộ Y tế và Ủy ban Kế hoạch Sinh đẻ nhà nước ra thông tri về việc triển khai giáo dục thời kỳ dậy thì trong các trường trung học. Các sách Xã hội học giới tính, Lịch sử xã hội giới tính lần lượt xuất bản. Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc mở lớp đào tạo Khoa học tình dục đầu tiên.
 
Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc có một cuộc Đại triển lãm nghệ thuật sơn dầu cơ thể con người với toàn bộ tác phẩm trưng bày đều vẽ cơ thể con người. Xuất bản sách Bàn về nghệ thuật khỏa thân của Trần Túy, là sách bán chạy nhất trong năm, lần in đầu tiên in 200 nghìn bản.
 
(Còn tiếp)
 
Huy Dương (lược dịch)