1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyện bên lề chuyến công du ba châu lục của Thủ tướng

Xin giới thiệu cùng độc giả bài viết ghi lại những câu chuyện bên lề chuyến công du ba châu lục của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua con mắt quan sát của tác giả Xuân Ba.

Bắt taxi lên Nội bài lúc 2 giờ sáng để kịp chuyến chuyên cơ khởi hành lúc 4 giờ sáng như các phương tiện truyền thông đã loan, rạng sáng ngày 29-5 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội lên đường…, mấy anh em trong nhóm báo chí tháp tùng cũng phân vân sao Đoàn đi sớm vậy?

Ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu Việt Nam lên đường đi Kazakhstan tham dự Lễ ký chính thức Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, thăm chính thức Algeria, Bồ Đào Nha và Bulgaria từ ngày 29/5-6/6/2015. (Chinhphu.vn)

Hóa ra sau mới hay, đi sớm cũng là để khớp, kịp với lịch trình công việc đã bày sẵn ở Kazakhstan. Đáp xuống sân nước bạn, phải xuyên qua thảo nguyên dằng dặc gần trăm cây số mới đến thành phố du lịch Burabai của Kazakhstan, nơi diễn ra Lễ ký Hiệp định thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu. Burabai là nơi diễn ra cuộc hội tướng giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu, bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Lại phân vân sao 5 quốc gia lại dẫn nhau lên tít tận xứ Trung Á này để khai thông một chính sách kinh tế quan trọng liên quốc gia như thế nhỉ? Cứ lẩn thẩn giá như xe kít lại bên ngôi trại lều của dân du mục Ca-dắc và nghe đâu có cả người Tây Tạng, và thế nào cũng có một ly sữa ngựa thì “sướng rêm” theo cách nói của dân miền Trung xứ ta. Nhưng đâu có được!

Bữa trưa đơn giản nhanh gọn. Có lẽ cũng để chi dùng tiếp thời gian cho cuộc gặp với các Thủ tướng của Nga, Belarus, Armenia và chào xã giao ông Tổng thống nước chủ nhà Kazakhstan. Rồi liền đó là cuộc hội kiến với ngài Chủ tịch Ban thường trực Ủy Ban kinh tế Á-Âu và gặp lãnh đạo các nước Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Trước khi Lễ ký diễn ra là tiết mục các đoàn trao tặng phẩm kỷ niệm. Để ý thấy Thủ tướng Nga Medvedev cứ mân mê con dấu của Văn phòng Thủ tướng Nga hồi lâu. Ông đang nghĩ, đang phân vân điều gì vậy? Thị trường Nga mênh mông nhưng điều gì lâu nay ngăn con cá basa, con tôm xứ Việt nhiệt đới ngon lành sang đó với dân tiêu dùng Nga đang rất cần?

Còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang nghĩ gì vậy? Có thể nói là người khai mở sáng kiến đầu tiên, khi hồi thăm Nga cuối năm 2008, Thủ tướng đã gợi ý (hay là hối thúc ông BT Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng được) là phải đưa cái câu sớm xúc tiến việc Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do Á-Âu vào Tuyên bố chung. Bàn soạn để đồng thuận đưa vào đã khó, trên thực tế triển khai ra sao là cả những phức tạp, thậm chí cả những oái oăm nữa.
Lễ ký FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu. (Ảnh:
Lễ ký FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu. (Ảnh: VOV)

Nhưng may mắn thay, câu ấy trong văn kiện trong Tuyên bố chung đã không thành suông nhạt, bởi tuần vận của thế giới nay đã khác cũng như trình độ đàm phán của quan chức Việt hình như bây giờ đã khác? Cuối năm ngoái, qua 8 phiên đàm phán (4 ở Việt Nam và 4 tại nước ngoài), Lễ ký kết Tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (VCUFTA) tại Phú Quốc.

Không biết hai vị Thủ tướng đã trao đổi những gì? Thị trường Nga, bao năm nay các doanh nhân Việt có thể nói trầy vi tróc vẩy vì những trục trặc không đáng có. Những rào cản hàng hóa cùng thuế quan thương mại… Trong 10 doanh nhân thì có 8 phải cố nhoi sang thị trường Ấu - Mỹ. Vì họ ngại. Giải phóng khai thông cho dòng hàng Việt đến thị trường 170 triệu dân tất nhiên là việc lợi cần làm.

Hình như có mối lợi hơn khó tính đếm, nói kiểu vui dân mình là “khó quy ra thóc”. Ban nãy trên chuyên cơ, tôi thoáng nghe ông Trần Bắc Hà Chủ tịch Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) có trình bày với Thủ tướng một dự án để hưởng ứng và triển khai FTA. Đó là việc thành lập một Khu kinh tế Việt Nga cách Matxcơva 50 cây số.

Tổ hợp ấy sẽ là dệt may, giày da, chế biến thủy hải sản. Và một điều nhân văn là hàng vạn lao động đen, cụm từ tức tưởi chỉ những người Việt không giấy tờ hợp pháp vốn đang phải sấp ngửa kiếm sống nhủi khắp nước Nga luôn đối diện với nguy cơ bị trục xuất bất cứ lúc nào, sẽ được tập hợp vào đây.

Rồi BIDV đương xúc tiến với Ngân hàng TƯ Nga tiến hành hình thức, thể thức thanh toán song phương đồng rúp và Việt Nam Đồng cho hợp lý, để thúc đẩy việc xuất nhập khẩu cũng như làm ăn của giới doanh nhân hai nước. Khi gạn hỏi thêm, ông Trần Bắc Hà thì ông cho hay, phía Nga đã đồng ý về nguyên tắc.

Chao ôi FTA, sẽ biến đi bao cái không đáng có của một thời? Nhiều thời? Đúng 6 giờ rưỡi chiều, khoảng nửa đêm giờ Việt, Lễ ký Hiệp định FTA diễn ra.

Cũng phải nhắc lại chút Hiệp định mang tính lịch sử này. Lịch sử bởi Việt Nam là quốc gia đầu tiên ký kết với một liên minh có tổng GDP lên tới 4.500 tỷ USD và một thị trường rộng lớn lên tới 170 triệu dân. Hiệp định này xem xét các vấn đề, chẳng hạn điều kiện tự do thuế quan trong việc trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia bằng cách giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu đối với hầu hết các mặt hàng có trong danh mục hàng hóa tham gia hiệp định.

Đó sẽ là một cơ may với Việt Nam, bởi Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, giày dép, điện tử và đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản. Cụ thể, toàn bộ mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào liên minh này thuế sẽ về 0% ngay từ năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực, kể cả cá tra, basa, tôm… Một số mặt hàng nông sản khác như café đóng gói dưới 3kg, rồi chè của chúng ta cũng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu là hiệp định thế hệ mới, không chỉ tạo điều kiện để các bên tham gia tăng cường trao đổi, hợp tác kinh tế - thương mại, mà còn cho phép các quốc gia thành viên giải quyết vấn đề liên kết trong quá trình hội nhập khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tham gia Liên minh Kinh tế Á-Âu không chỉ củng cố nền kinh tế của các nước thành viên, thúc đẩy các nước xích lại gần nhau, mà còn góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các nước thành viên trên thị trường toàn cầu…

Gạn thêm các chuyên gia thì được biết, sau khi phê chuẩn Hiệp định, mỗi quốc gia có cách triển khai cụ thể sáng tạo của mình. Tất nhiên nhanh hơn những cái hao hao na ná như quy trình ban hành các văn bản luật ở xứ mình là phải có nghị định kèm theo thì mới triển khai trên thực tế!

Khu lều truyền thống dựng trong khu du lịch nước chủ nhà mến khách đang diễn ra cảnh kết thúc buổi chiêu đãi. Một đoàn nam thanh nữ tú tay cầm đàn dân tộc tiễn các vị khách Việt ra tận đường. Chợt nhớ phiên đàm phán cuối cùng ở Phú Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng đích thân thao tác món bánh tráng cuốn cá lóc nướng trui, đưa tận tay mời các vị khách tham gia đàm phán.

Về đến nhà khách Rixoa Astana đã ba giờ sáng. Vậy là 25 tiếng đồng hồ kể từ khi xuất phát ở Nội Bài.

Sáng hôm sau đi tham quan Bảo tàng quốc gia Kazakhstan. Hơi bị ấn tượng, nói đúng hơn là bị choáng quy mô xây cất lần cung cách trưng bày cùng độ phong phú hiện vật. Hỏi ra thì ông Tổng thống đất nước 17 triệu dân này đã mời các chuyện gia giỏi như Nhật Pháp Anh… về xây cất bày đặt. Chợt chạnh cái niềm Bảo tàng Hà Nội mình mà bao năm cứ tất tả, loay hoay. Tổ quốc nhìn từ xa thường hay mồn một thêm những điều này điều nọ chăng?

(Còn tiếp)

Theo Xuân Ba
Vietnamnet