1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm ở Anh có số biến thể đột biến gen cao bất thường

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chủng vi rút corona mới được phát hiện ở Anh được cho có khả năng lây nhiễm hơn 70% so với các chủng cũ và nó đã có tới 17 biến thể đột biến gen, con số mà giới khoa học đánh giá là cao bất thường.

Chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm ở Anh có số biến thể đột biến gen cao bất thường - 1

Người dân Anh đeo khẩu trang đi trên phương tiện công cộng (Ảnh: AFP)

Guardian đưa tin hôm 20/12, nhiều nước châu Âu đã cấm các chuyến bay từ Anh sau khi ở quốc gia này xuất hiện chủng mới của vi rút corona lây lan mạnh "vượt tầm kiểm soát".

Anh cũng tiến hành siết chặt hơn các biện pháp hạn chế để ngăn vi rút này lây lan trong khi chính phủ cảnh báo "dù chưa chắc chắn", nhưng chủng SARS-CoV-2 mới được xem có khả năng lây lan hơn so với chủng cũ 70%.

Theo giới chuyên gia, việc vi rút biến đổi, có chủng đột biến là chuyện không mới, nhưng chủng SARS-CoV-2 này sở hữu một số đặc điểm gây lo ngại vì nó có thể làm ảnh hưởng tới cách thức và tốc độ dịch bệnh lây lan trong tương lai.

Thứ nhất, chủng vi rút mới có khả năng thay thế nhanh chóng các biến thể khác của vi rút tại Anh. Thứ 2, vi rút mới có những đột biến có thể tác động tới những phần quan trọng của nó. Thứ ba, một số đột biến của chủng vi rút mới cho thấy nó có khả năng lây lan tới các tế bào nhanh hơn chủng cũ.

Tất cả những yếu tố này góp phần khiến chủng SARS-CoV-2 có thể lây lan nhanh chóng và dễ dàng hơn so với các chủng trước đây, theo BBC.

Chủng vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu từ tháng 9. Tới tháng 11, khoảng 25% số ca Covid-19 ở thủ đô London bị xác định nhiễm chủng vi rút mới. Tới tháng 12, con số trên đã tăng lên thành gần 67%.

Tới nay, chủng vi rút mới đã bị phát hiện trên khắp Anh, từ Bắc Ireland, nhưng tập trung ở London, khu vực Đông Nam và phía Đông của Anh. Ngoài ra, chủng mới đã được phát hiện ở Đan Mạch và Australia, Hà Lan, và nghi bắt nguồn từ Anh.

Các biến thể của vi rút

Chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm ở Anh có số biến thể đột biến gen cao bất thường - 2

Mô hình vi rút SARS-CoV-2 (Ảnh: Getty)

Các nhà khoa học cho biết việc vi rút SARS-CoV-2 biến thể xuất hiện không phải là chuyện mới. Ca Covid-19 lần đầu được phát hiện từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc năm ngoái và vi rút từ đó đến nay đã thay đổi nhiều lần khi nó lây lan ra khắp thế giới.

Ví dụ, chủng biến thể D614G đã bùng nổ ở châu Âu từ tháng 2 và trở thành phiên bản lây lan trên khắp thế giới. Ngoài ra, chủng biến thể A222V, lây lan khắp châu Âu và nó bắt nguồn từ những người đi nghỉ hè ở Tây Ban Nha.

Một nghiên cứu mới được công bố gần đây của tổ chức CoG-UK cho hay chủng vi rút SARS-CoV-2 mới phát hiện ở Anh gần đây đã có 17 biến thể đột biến. Đã có những thay đổi trong protein gai - phần chủ chốt mà vi rút sử dụng để "mở cánh cửa xâm nhập" vào tế bào của người.

Một đột biến có tên N501Y đã thay đổi phần quan trọng nhất của gai protein được gọi là "miền liên kết thụ thể". Đây là phần gai vi rút đầu tiên tiếp xúc với tế bào người. Bất cứ sự thay đổi nào ở phần này có thể khiến vi rút dễ xâm nhập và lây lan hơn.

Một số nghiên cứu cảnh báo rằng những thay đổi ở vi rút SARS-CoV-2 gần đây có thể khiến kháng thể trong máu của những người đã khỏi bệnh trở nên kém hiệu quả hơn nếu phải tiếp xúc lại với vi rút.

Chủng SARS-CoV-2 mới được phát hiện ở Anh cũng được đánh giá là có khả năng sinh ra đột biến cao một cách bất thường, theo BBC.

Hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy chủng vi rút mới này có thể gây chết chóc nhiều hơn, dù điều này vẫn cần được xem xét kỹ. Tuy nhiên, chỉ riêng việc nó lây lan mạnh hơn đã đủ gây ra vấn đề nghiêm trọng tới các bệnh viện đang "oằn mình" vì số ca bệnh ngày càng tăng.

Một tin tích cực khác là tới thời điểm hiện tại, các vắc xin được duyệt sử dụng được cho vẫn có khả năng chống lại chủng SARS-CoV-2 mới.

Tuy nhiên, Giáo sư Ravi Gupta từ Đại học Cambridge cảnh báo rằng nếu chủng vi rút trên có thêm đột biến mới, điều đó có thể dọn đường cho hiện tượng "trốn thoát vắc xin", khái niệm ám chỉ việc vi rút thay đổi quá nhanh và khiến vắc xin không hoạt động hiệu quả hoàn toàn, dẫn tới việc người được tiêm xong vẫn có nguy cơ lây nhiễm.

Theo giới quan sát, diễn biến liên quan tới chủng vi rút mới cho thấy SARS-CoV-2 đang tiếp tục thích nghi và thay đổi khi nó liên tục lây nhiễm cho nhiều người.

Cuối tuần qua, Giáo sư David Robertson từ Đại học Glasgow nhận định vi rút SARS-CoV-2 có thể sẽ tạo ra các đột biến "trốn thoát vắc xin". Điều đó có thể buộc nhân loại phải ứng phó với SARS-CoV-2 như với bệnh cúm, khi vắc xin phải thường xuyên thay đổi để ứng phó với việc vi rút không ngừng đột biến gen.