1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chu Vĩnh Khang: Chữ tài đi với chữ tai một vần

(Dân trí) - Từng là một trong những chính trị gia giàu ảnh hưởng nhất nhưng nay Chu Vĩnh Khang đang vướng vào vụ bê bối tham nhũng lớn nhất lịch sử kể từ khi đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền. Đây là câu chuyện điển hình của “chữ tài đi với chữ tai” thời hiện đại.

Tương lai ông Chu Vĩnh Khang có thể được định đoạt trong thứ Hai tới
Chu Vĩnh Khang được nhìn thấy xuất hiện trước công chúng lần cuối cùng cách đây hơn một năm.

Chu Vĩnh Khang là con trai cả của một gia đình nghèo ở Tây Tiến Đầu thuộc thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Từ bé, Chu Vĩnh Khang đã học rất giỏi và thẳng tiến vào đại học mà hầu như không gặp bất cứ trở ngại nào.

Sau khi ra trường, chàng sinh viên họ Chu vào làm tại Trường trung học Tô Châu 3 năm, trước khi được nhận vào làm tại Viện nghiên cứu dầu khí Bắc Kinh, nay là Đại học Dầu khí quốc gia Trung Quốc.

Nhưng sự nghiệp chính trị của Chu Vĩnh Khang chỉ thực sự bắt đầu khi Chu chuyển sang làm việc tại mỏ dầu Đại Khánh ở tỉnh Hắc Long Giang và tiếp đó là mỏ dầu Liêu Hà ở Đông Bắc Trung Quốc. Ở mỏ dầu Liêu Hà, Chu Vĩnh Khang đã bộc lộ hết những tố chất thông minh và kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm kinh qua nhiều công việc khác nhau để dần dần leo lên vị trí giám đốc mỏ. Cũng tại nơi đây, Chu Vĩnh Khang đã nuôi dưỡng mối quan hệ thân thiết với Tăng Khánh Hồng, khi đó là Phó Chủ tịch Trung Quốc và sau này có chân trong Ủy ban Năng lượng quốc gia Trung Quốc.

Với sự thông minh, nhanh nhẹn và thức thời của bản thân, cộng thêm sự giúp đỡ của những nhân vật quyền chức trong xã hội, năm 1996, Chu Vĩnh Khang đã trở thành Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), hiện nay là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất nước.

Ba năm sau, Chu Vĩnh Khang trở thành Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, một tỉnh giàu tài nguyên thiên nhiên ở Tây Nam Trung Quốc, và tiếp tục hưởng nhiều khoản bổng lộc kếch xù. Số tiền này đã giúp ông “lót đường” tiến thẳng đến vị trí Bộ trưởng Bộ Công an vào năm 2002 và 5 năm sau đã trở thành một trong 9 vị Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVII.

Vào thời điểm đó, quyền lực và tiền bạc của Chu Vĩnh Khang cứ thế “lên như diều gặp gió”, nhất là khi Chu đã chắc chân trong cơ quan quyết sách cấp cao nhất của Trung Quốc cùng với những gương mặt quyền lực nhất thời đó như Hồ Cẩm Đào, Ôn Giao Bảo, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường.

Tuy nhiên, vận may không mãi mỉm cười với Chu Vĩnh Khang, cho dù “ông vua an ninh” này đã công bố một loạt biện pháp nhằm tăng cường mối quan hệ giữa cảnh sát với công chúng. Chu Vĩnh Khang bị đưa vào tầm ngắm từ cuối năm 2008 sau khi hai thân tín Lý Đông Sinh (Thứ trưởng Bộ Công an) và Lương Khắc (Cục trưởng Cục An ninh quốc gia) bị bắt giữ và sa thải vì tình nghi tham nhũng lớn.

Các nguồn tin cho biết khi chưa bị bắt, Lương Khắc đã giúp Chu Vĩnh Khang và Lý Đông Sinh giám sát điện thoại của các lãnh đạo Đảng cấp cao. Đây là hành vi khó có thể được biện minh và tha thứ, nhưng “tấm khiên” Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Bí thư Chính Pháp Trung ương đã tạm thời bảo vệ Chu.

Sau vụ này, đáng lý Chu Vĩnh Khang cần phải biết dừng lại thì đằng này, danh sách các việc làm sai phạm cứ tiếp tục được kéo dài. Chu Vĩnh Khang đã dùng những ảnh hưởng và quyền lực vô cùng lớn của mình để đổi lấy tiền bạc, tình dục, gây tổn thất nghiêm trọng tài sản nhà nước và làm hủy hoại hình ảnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông ta còn làm lộ các bí mật của Đảng và Nhà nước Trung Quốc.

Để bảo vệ mình, Chu Vĩnh Khang đã thiết lập “tầng tầng, lớp lớp” ngăn cách bản thân với những hoạt động diễn ra quanh mình nhằm xóa bỏ mọi dấu vết hoặc mọi sự liên quan trực tiếp. Dẫu vậy, mức độ giàu có nhanh chóng của Chu Vĩnh Khang đã không qua được mắt nhiều người. Nhiều nguồn tin, trong đó có tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, cho biết gia tộc họ Chu sở hữu khối tài sản lên tới hàng chục tỷ USD với ít nhất 37 công ty trải rộng tới tận Bắc Mỹ. Các công ty này hoạt động trên nhiều lĩnh vực ngành nghề, từ sản xuất dầu mỏ, kinh doanh bất động sản, thủy điện đến du lịch…

Thế nhưng “một tay không thể che nổi bầu trời”. Những hành động sai trái của Chu Vĩnh Khang cuối cùng cũng đã phải trả giá. Tháng 7 vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố Chu Vĩnh Khang chính thức bị điều tra vì “những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, phá vỡ luật bất thành văn rằng các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, dù đương chức hay về hưu, đều được miễn truy tố.

Trong cuộc họp ngày 5/12 vừa qua, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định khai trừ Đảng đối với Chu Vĩnh Khang, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan tư pháp tiến hành khởi tố hình sự. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc cũng ngay lập tức ra quyết định bắt giữ cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bí thư Ủy ban Chính Pháp Trung ương và cựu Bộ trưởng Công an này.

Vậy là sau nhiều tháng bị điều tra về mặt Đảng, giờ đây vụ án Chu Vĩnh Khang đã được chuyển sang một giai đoạn mới là tố tụng hình sự. Diễn biến này cho thấy Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đang đẩy mạnh quyết tâm nhổ tận gốc “hổ, chuột và ruồi”, cụm từ dùng để chỉ các quan chức tham nhũng từ cao xuống thấp. Bản án cuối cùng đối với Chu Vĩnh Khang phải sau nhiều tháng nữa mới có, nhưng tác động của bản án này thì rất nhiều người đã có thể cảm nhận được ngay từ bây giờ. Nó cũng là lời nhắc nhở hữu ích đối với các quan chức cấp cao đang tại nhiệm rằng họ phải biết hành xử đúng mực và chớ quên bài học “chữ tài đi với chữ tai một vần” sau vụ việc của Chu Vĩnh Khang.

Đức Vũ