Chủ tịch Trung Quốc thăm Mỹ: Cơ hội xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới
(Dân trí) - Dù không thăm chính thức cấp nhà nước, nhưng việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp thượng đỉnh Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tuần này đang mở ra cơ hội xác định lại quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới theo hướng “quan hệ nước lớn kiểu mới”.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang ở giai đoạn đặc biệt khi một bên đã là cường quốc nhưng lại khuyến khích sự thay đổi, còn bên kia dù mới là cường quốc đang lên nhưng lại muốn duy trì hiện trạng trật tự quốc tế.
Chính vì sự khác biệt cốt lõi này nên trong thời gian qua, quan hệ giữa hai nước đã trải qua không ít thăng trầm, có lúc tưởng chừng đứng trước ngả rẽ trở thành đối thủ nhiều hơn là đối tác cạnh tranh. Tuy nhiên, trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế và đa cực hóa thế giới, quan hệ bình ổn giữa các nước lớn sẽ là tiền đề đảm bảo hệ thống quan hệ quốc tế diễn ra suôn sẻ, là điều kiện cần thiết cho việc duy trì ổn định và phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời giải quyết các vấn đề điểm nóng và loại bỏ các ẩn họa an ninh.
Cơ hội xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới
Vì thế, sau khi hai nước lần lượt hoàn thành các nghị trình chính trị quan trọng (ở Mỹ là cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 45 và ở Trung Quốc là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc), hai quốc gia đứng đầu hai nhóm nước phát triển và đang phát triển đứng trước cơ hội rất lớn về xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” theo hướng giữ vững quan hệ song phương từ tầm cao chiến lược và chiều sâu lợi ích.
Mối quan hệ đó được xây dựng dựa trên nền tảng Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cùng là thành viên quan trọng trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, hai nước lớn nhất ở châu Á-Thái Bình Dương và có vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết những vấn đề lớn của thế giới.
Với những tiềm năng phát triển, sự tương xứng về sức mạnh và lợi ích như vậy, quan hệ Mỹ - Trung được cho là sẽ góp phần định hình trật tự thế giới trong thế kỷ 21. Các nhà lãnh đạo hai nước cần nhận thức rõ rằng mối “quan hệ nước lớn kiểu mới” mà họ muốn xây dựng không chỉ dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, mà còn cả trong vấn đề an ninh và chiến lược.
Về kinh tế, là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, GDP của Mỹ và Trung Quốc chiếm xấp xỉ 1/3 của thế giới, kim ngạch thương mại song phương có thể vượt 500 tỷ USD trong 2013. Vì thế, bất kỳ biến động nhỏ nào về kinh tế và tài chính ở mỗi nước cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn tới nhau và nền kinh tế thế giới.
Về an ninh và chiến lược, Mỹ và Trung Quốc cùng là ủy viên thường trực HĐBA nên rất nhiều công việc quốc tế lớn cần sự tham gia tích cực của cả hai nước này. Nói như lời của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, hai nước Mỹ - Trung có thể không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng bất kỳ vấn đề lớn nào trên thế giới không có sự hợp tác của hai nước đều khó giải quyết được.
Vì vậy, dù xem xét dưới bất kỳ góc độ nào, quan hệ Mỹ - Trung cũng đã vượt xa phạm trù hai nước và mang ý nghĩa thế giới rộng lớn. Hai nước đã trở thành khối “cộng đồng vận mệnh và cộng hưởng lợi ích” không thể tách rời. Trong nước này có sức mạnh và lợi ích của nước kia, và ngược lại.
Những thách thức không thể bỏ qua
Tuy nhiên, trong thời gian qua, quan hệ Mỹ - Trung đã xảy ra không ít căng thằng liên quan đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và chiến lược xoay trục an ninh của Mỹ.
Lo ngại sự nổi lên của Trung Quốc có thể làm thay đổi cơ cấu sức mạnh toàn cầu do Mỹ đứng đầu, chính quyền của Tổng thống Obama đã đẩy mạnh triển khai trọng tâm chiến lược từ Tây sang Đông theo tỷ lệ 40/60.
Về phần mình, Trung Quốc cũng tìm cách tăng cường hoạt động và ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương để cảnh báo Mỹ, kể cả việc gây hấn với một số đồng minh chiến lược của Mỹ như Nhật Bản và Philippines hòng phân tán nguồn lực vốn không mấy dư dả của Mỹ hiện nay. Mục đích của Bắc Kinh là nhằm buộc Washington phải xem xét lại toàn diện chiến lược mở rộng trục xoay.
Sự kiềm chế lẫn nhau đó đã tạo ra vòng xoáy địa chính trị - địa an ninh mới ở châu Á-Thái Bình Dương và làm bùng phát nhiều điểm nóng trong khu vực như căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông. Nó cũng tạo ra một cuộc đua tranh sức mạnh quân sự trong khu vực khi Nhật Bản thúc đẩy xây dựng quân đội, Hàn Quốc và Triều Tiên đẩy mạnh phát triển hạt nhân, Ấn Độ tăng cường hiện đại hóa quân đội, trong khi Philippines, Australia và lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) củng cố hợp tác quân sự với Mỹ.
Và tìm kiếm một tương lai mới
Trong bối cảnh đó, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama có ý nghĩa rất quan trọng nhằm gạt bỏ bất đồng, tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin để củng cố thêm một bước quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo cần thảo luận một cách thẳng thắn về các vấn đề khúc mắc, từ an ninh mạng, mất cân bằng thường mại, tỷ giá Nhân dân tệ, an ninh - an toàn hàng hải ở Biển Đông và Hoa Đông, hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên tới việc xây dựng “niềm tin chiến lược” vốn đang rất thiếu trong quan hệ hai nước.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng cần vượt lên những trao đổi thông thường để thảo luận một cách sâu rộng và thẳng thắn về nội hàm chiến lược phát triển của mỗi bên, qua đó cùng nhau tìm ra điểm tương đồng và nội dung có thể hòa hợp trong quá trình hợp tác.
Theo giới phân tích, tuy chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ kéo dài hai ngày, nhưng hai nhà lãnh đạo sẽ có khá nhiều thời gian để phát triển quan hệ cá nhân, thảo luận các vấn đề quan trọng và thúc đẩy quan hệ song phương, do không phải cử hành những nghi thức rườm rà của một chuyến thăm cấp nhà nước.
Trong thời gian ở thăm, ông Tập Cận Bình cũng sẽ tiếp tục thể hiện được hình ảnh của một nhà lãnh đạo mới ở Trung Quốc đầy quyền lực và tự tin trong quan hệ bình đẳng với Mỹ, trong bối cảnh ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đang đẩy mạnh triển khai chiến lược ngoại giao “toàn phương vị” với tất cả các nước và khu vực trên thế giới.
Về phần mình, ông Obama sẽ có cơ hội hiểu biết rõ hơn về nhà lãnh đạo sẽ “chèo lái con thuyền Trung Quốc” trong nhiều năm tới, đồng thời lại có thể trấn an các đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương về một tương lai hòa bình và ổn định thông qua việc cải thiện quan hệ Mỹ - Trung, một trong những trục quan hệ chính trên bàn cờ kinh tế và chính trị thế giới thể kỷ 21.
Vũ Hà