1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi theo “con đường” Mao Trạch Đông

(Dân trí) - Chuyến thị sát của ông Tập Cận Bình tới các nhà máy và nông trại trong tháng này ở Trung Quốc dường như là cơ hội để ông xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo như ông Mao Trạch Đông trước đây.

Ông Tập Cận Bình thị sát vùng đông bắc Trung Quốc

Chủ tịch Tập Cận Bình cầm bông lúa và nói chuyện với những người nông dân. Ông đứng bên cạnh các công nhân làm việc trong một nhà máy dầu và nói về việc xây dựng đất nước Trung Quốc “vô địch”. Ông kêu gọi đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia “tự lực tự cường” trong bối cảnh phải đối mặt với với cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Tất cả những hình ảnh là một phần trong chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình tới khu vực đông bắc Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin đây là chuyến thị sát kéo dài 3 ngày của nhà lãnh đạo.

Tuy nhiên, theo New York Times, chuyến đi này mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Đây là cơ hội để Chủ tịch Tập Cận Bình đặt mình ở vị thế ngang hàng cố lãnh đạo Mao Trạch Đông, xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo “lấy dân làm gốc”, đồng thời ngầm “phản pháo” Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như các chính sách kinh tế bảo hộ.

Vị thế lãnh đạo

Ảnh trên: Chủ tịch Tập Cận Bình thị sát vùng Đông Bắc Trung Quốc - Ảnh dưới: Cố lãnh đạo Mao Trạch Đông thăm nông dân Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)
Ảnh trên: Chủ tịch Tập Cận Bình thị sát vùng Đông Bắc Trung Quốc - Ảnh dưới: Cố lãnh đạo Mao Trạch Đông thăm nông dân Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)

Trước đây, hình ảnh ông Mao Trạch Đông thường xuất hiện nhiều trong các bối cảnh nông thôn Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng sử dụng những bức ảnh hoặc bài hát để nêu bật mối quan tâm của ông Mao Trạch Đông dành cho những người lao động bình thường, cho thấy ông là một nhà lãnh đạo luôn chăm lo cho người dân.

Ngày nay, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang xây dựng hình ảnh như cách ông Mao Trạch Đông từng làm. Trong một bức ảnh chụp chuyến đi của ông Tập tới một nông trại ở tỉnh Hắc Long Giang mới đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc sải những bước đi đầy tự tin trong khi xung quanh ông là những người nông dân đang cười nói vui vẻ.

Người xem có thể dễ dàng nhận ra nét tương đồng về bối cảnh giữa bức ảnh được chụp gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình với tấm áp phích được chụp từ thập niên 1950 của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông.

Theo David Bandurski, đồng giám đốc Dự án truyền thông Trung Quốc - một chương trình nghiên cứu liên kết với Đại học Hong Kong, đây là tín hiệu về mặt hình ảnh cho thấy vai trò cầm quyền hiện nay của ông Tập Cận Bình, đồng thời cũng là cách để ông Tập thể hiện tầm vĩ đại trên cương vị lãnh đạo đất nước Trung Quốc. Chuyên gia David nhận định sự xuất hiện của các máy gặt ở phía sau lưng ông Tập Cận Bình trong bức ảnh cũng cho thấy những tiến bộ về mặt công nghệ của Trung Quốc.

Giáo sư Pang Laikwan tại Đại học Hong Kong Trung Quốc nói rằng, ông Tập Cận Bình, người lớn lên trong giai đoạn nhiều biến cố của Cách mạng Văn hóa, dường như đã học hỏi nhiều từ việc xây dựng hình ảnh cá nhân của ông Mao Trạch Đông, bao gồm cả cách ông Mao Trạch Đông lôi cuốn những người dân Trung Quốc.

“Bản thân ông Mao Trạch Đông thực sự quan tâm tới việc kết nối với những người dân bình thường và điều này đã tạo nên sự cuốn hút của ông (trong mắt quần chúng)”, Giáo sư Pang nhận định.

Tự lực cánh sinh

Ông Tập Cận Bình thăm nhà máy ở Trung Quốc

Trong đoạn video ghi lại chuyến thị sát gần đây của ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã trò chuyện với một công nhân làm việc tại một cơ sở sản xuất thiết bị ở Hắc Long Giang.

“Tất cả những nguyên liệu thô đều được sản xuất nội địa à?”, ông Tập hỏi.

“Vâng, tất cả đều được sản xuất trong nước”, người công nhân trả lời. Ông Tập Cận Bình đáp lại bằng cái gật đầu.

Chủ tịch Tập Cận Bình coi chuyến thị sát gần đây của ông là dịp để kêu gọi Trung Quốc tiến nhanh hơn trên con đường phát triển công nghệ của riêng nước này, nhằm bớt phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước ngày càng tăng nhiệt và có nguy cơ đe dọa tới chuỗi cung ứng, ông Tập Cận Bình thường xuyên đề cập tới sự cần thiết của việc Trung Quốc phải tự mình phát triển công nghệ vi mạch, phần mềm cũng như các công nghệ khác. Đây là một phần trong chiến lược đưa Trung Quốc trở thành siêu cường hàng đầu thế giới trong thế kỷ 21.

Trong suốt chuyến thị sát, Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần kêu gọi tinh thần “tự lực cánh sinh” của người dân Trung Quốc. Có một lần, ông cầm trên tay bát gạo và nói: “Gạo này là của Trung Quốc, bát gạo này cũng của Trung Quốc”. Câu nói mang hàm ý nhắc lại lời kêu gọi người dân Trung Quốc tự sản xuất mọi sản phẩm để tiêu dùng trong nước.

“Việc vực dậy đất nước Trung Quốc phụ thuộc vào sự cạnh tranh về kinh tế của chúng ta. Chỉ bằng cách như vậy Trung Quốc mới vô địch mãi mãi”, Chủ tịch Tập Cận Bình nói khi các công nhân vỗ tay ủng hộ ông.

Chủ tịch Tập Cận Bình thị sát một nông trại ở Hắc Long Giang ngày 25/9 (Ảnh: Xinhua)
Chủ tịch Tập Cận Bình thị sát một nông trại ở Hắc Long Giang ngày 25/9 (Ảnh: Xinhua)

Theo chuyên gia Ding Shuang, một nhà kinh tế học Trung Quốc, Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tự trông cậy vào chính mình trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao vì những cánh cửa giúp Trung Quốc tiếp thu công nghệ tiên tiến từ các nước trên thế giới đã đóng lại.

“Trên trường quốc tế, ngày càng khó khăn hơn (cho Trung Quốc) để có thể giành được những công nghệ tiên tiến và các bí quyết quan trọng. Chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại ngày càng mạnh mẽ, buộc chúng ta phải lựa chọn cách tiếp cận tực lực cánh sinh. Đây cũng không phải là điều xấu”, Chủ tịch Tập Cận Bình nói.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2012, ông Tập Cận Bình đã đối mặt với sự chỉ trích về việc chưa có nhiều động thái để tái thiết các doanh nghiệp nhà nước đang ngày càng có xu hướng phình to. Các doanh nghiệp này chiếm vị thế áp đảo trong một số ngành như viễn thông hay thép.

Trong chuyến thăm tới vùng đông bắc - nơi các doanh nghiệp nhà nước gần như “phủ sóng” toàn bộ, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng ông không có ý định thay đổi đường lối phát triển của các doanh nghiệp này.

“Bất kỳ suy nghĩ hay ý tưởng nào tỏ ra ngờ vực hoặc bôi nhọ danh tiếng của các doanh nghiệp nhà nước đều là sai lầm”, ông Tập nói trước những người công nhân tại nhà máy ở tỉnh Liêu Ninh hôm 27/9.

Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thường bị chỉ trích vì tập trung quá nhiều vào việc duy trì công ăn việc làm cho người lao động, thay vì sáng tạo các mô hình kinh doanh đổi mới. Theo ông Tập Cận Bình, mặc dù khối doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò hỗ trợ vững chắc, các doanh nghiệp nhà nước vẫn cần tiếp tục phát triển “mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn”.

Thành Đạt

Theo NYT