1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chủ nhân mới Nhà Trắng và thế giới

(Dân trí) - Mọi điều chắc chắn sẽ không nguyên như cũ khi ông Bush rời nhiệm sở. Nhìn bề ngoài, cuộc bầu cử tổng thống tới sẽ dành cho nước Mỹ cơ hội tốt nhất để nước này giải quyết những bất đồng nội bộ về chính sách đối ngoại.

Tâm điểm Iraq

 

Trong mùa vận động bầu cử của Mỹ, các ứng cử viên của Đảng Dân chủ dường như đang “ăn điểm” nhờ các tuyên bố về đường hướng chính sách đối ngoại mới. Và hầu như tâm điểm của các tuyên bố là cuộc chiến tại Iraq. Thượng nghị sỹ Barack Obama luôn giành được những tràng pháo tay tán thưởng nhờ tài năng hùng biện nhưng sự hưởng ứng chân thành nhất có lẽ là khi ông đề cập đến chính sách đối ngoại. Ông Obama luôn nhắc lại với những người ủng hộ ông rằng ngay từ đầu ông đã phản đối cuộc chiến Iraq. Ông khẳng định rằng Mỹ nên tập trung vào Al-Qaeda hơn là Iraq, và cam kết ông sẽ bắt đầu rút quân khỏi Iraq ngay khi trở thành tổng thống.

 

Trong khi đó, bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Obama trong Đảng Dân chủ lại gặp bất lợi bởi vì bà đã bỏ phiếu ủng hộ tiến hành xâm lược Baghdad hồi năm 2002. Tuy nhiên, bà Hillary đã cam kết rằng bà sẽ bắt đầu rút quân đội Mỹ khỏi Iraq trong vòng 60 ngày sau khi trở thành tổng thống, và cáo buộc Tổng thống George W. Bush đang theo đuổi một trong những chính sách đối ngoại “thảm hại” nhất trong lịch sử nước Mỹ.

 

Ở bên kia trận tuyến, đối với ông John McCain, ứng cử viên Đảng Cộng hòa, thì rút quân khỏi Iraq là “sự vô lý nguy hiểm”. Ông McCain lập luận rằng rút quân khỏi Iraq sẽ gây ra một thảm họa tại Trung Đông và là sự nhục nhã đối với nước Mỹ. Ông khẳng định rằng Mỹ cần ở lại Iraq, dưới hình thức nào đó, dù có thể là hàng trăm năm.

 

Kinh nghiệm về các vấn đề đối ngoại của ông McCain là một lý do tại sao cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam 71 tuổi này đã "ngang tài ngang sức" với cả hai đối thủ Đảng Dân chủ trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây vốn cho thấy một bộ phận dư luận Mỹ có thể chấp nhận cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với thế giới.

 

Ba thách thức

 

Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ phải triển khai chính sách đối ngoại lớn hơn việc bận tâm đến "cuộc chiến chống khủng bố". Thế vận hội Olympic Bắc Kinh mùa Hè này sẽ nhắc nhở người Mỹ về sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc vào thời điểm Mỹ đang lo ngại về phát triển kinh tế của chính mình.

 

Sự quyết đoán ngày mạnh mẽ đến trở thành cứng rắn của Nga cũng là một vấn đề chiến lược lớn. Quan hệ hai bờ Đại Tây Dương hẳn cũng chờ đợi một sự quan tâm chu đáo hơn sau các bất đồng và những biến động gần đây ở Châu Âu.

 

Tuy nhiên, dù ai giành thắng lợi, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ tiếp tục gặp trở ngại bởi ba vấn đề mà ông Bush đã phải đấu tranh. Thứ nhất cuộc đấu tranh đảng phái ở trong nước. Mỹ sẽ vẫn bị chia rẽ sâu sắc về việc đối phó với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan như thế nào cũng như các vấn đề lớn khác như quan hệ kinh tế với Trung Quốc hay đối sách với Nga. Một tổng thống Dân chủ có thể thấy đặc biệt khó xử lý mối quan hệ đảng phái như vậy. Vị tổng thống này sẽ chịu sức ép to lớn đưa quân đội Mỹ về nước và cũng sẽ được mong đợi theo đuổi một chính sách hòa giải hơn ở một Trung Đông rộng lớn hơn. Tuy nhiên, điều gì sẽ xẩy ra nếu những mục tiêu kép này không hài hòa?

 

Vấn đề thứ hai là sự bất đồng của Mỹ với phần còn lại của thế giới về việc giải quyết vấn đề Trung Đông và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Ngay cả dưới sự lãnh đạo của một tổng thống Dân chủ, Mỹ vẫn sẽ thực hiện một đường lối cứng rắn hơn châu Âu về Al-Qaeda, Iran, Pakistan và các nhóm Palestine. Và ngay cả trong một môi trường ngoại giao “quang quẻ” hơn, châu Âu sẽ vẫn lưỡng lự đóng góp nhiều hơn vào Iraq hoặc Afghanistan.

 

Khó khăn thứ ba là Mỹ chưa có đủ nguồn nhân lực để giải quyết "cuộc chiến chống khủng bố". Quân đội Mỹ đang bị dàn quá căng. Bộ An ninh nội địa đang trong cơn rối rắm trước các chỉ trích lạm quyền trong khi các cơ quan tình báo đã không điều chỉnh thích nghi với mối đe doạ mới từ chủ nghĩa khủng bố. Những khó khăn của Mỹ về lực lượng càng nghiêm trọng khi mà các đồng minh của họ đang “lảng” dần ra.

 

Nước Mỹ đang bị phân cực hơn nhiều về chính sách đối ngoại so với khi họ sống trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và vẫn đang bối rối trước “mối đe doạ khủng bố”. Có nguy cơ những nội dung chủ yếu trong học thuyết Bush đang được thay thế không phải bằng sự đồng lòng mới mà bằng sự bất đồng ngày càng lớn về đối sách với chủ nghĩa khủng bố và việc đặt lên bàn cân mối đe doạ đó cùng các vấn đề chiến lược khác mà Mỹ đang phải đối mặt.

 

Nam Sơn

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm