1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bầu cử Nghị viện châu Âu:

Chủ nghĩa bảo thủ siết chặt gọng kìm

(Dân trí) - Các đảng bảo thủ đã đánh bại những người thuộc phe xã hội trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa kết thúc ngày hôm qua với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp ở mức kỷ lục.

Chủ nghĩa bảo thủ siết chặt gọng kìm   - 1

Người ủng hộ đảng Pirate của Thụy Điển ăn mừng trong đêm khi kết quả cuộc bầu cử EP được công bố.

Theo kết quả sơ bộ mới nhất vừa được EP công bố, đảng Nhân dân châu Âu trung hữu (EPP) giành được 267 ghế, trở thành nhóm lớn nhất trong EP gồm 736 ghế. Tiếp đến là phe xã hội với 159 ghế (giảm so với 215). Đảng Dân chủ Tự do đứng thứ ba, với 81 ghế, và đảng Xanh với 51 ghế. Số ghế còn lại thuộc nhiều đảng nhỏ khác.

 

Kết quả này phản ánh thực tế là chính phủ của các đảng cánh tả tại Tây Ban Nha và Đức đang khó khăn để giành giật lá phiếu của cử tri, trong khi phe xã hội ở Pháp, Italia, và Ba Lan đang rơi vào khủng hoảng. Nó cũng cho thấy các đảng xã hội cầm quyền ở Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều đang “thất cơ” trước các đảng bảo thủ đối lập. 

 

Đầu tiên, tin một đảng cựu hữu ở Hà Lan đã thắng lớn sau khi Anh và Hà Lan - là những nước đầu tiên bỏ phiếu trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu bắt đầu từ ngày 4/6 đến 7/6, góp phần củng cố thêm dự báo cho rằng cánh hữu có xu hướng thắng lớn trong bầu cử lần này. Đảng cực hữu PVV của Hà Lan đã giành được đến 17% số phiếu, trở thành lực lượng chính trị đứng thứ hai tại nước này. 

 

Tại Anh, Công đảng của Thủ tướng Gordon Brown chỉ được 16% phiếu, đứng thứ ba sau đảng Bảo thủ đối lập (27%) và đảng Độc lập Anh (17%). Tại Tây Ban Nha, đảng Xã hội cầm quyền bị đảng Nhân dân bảo thủ đối lập đánh bại. Tình hình tương tự với Đảng Xã hội của Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates trước đối thủ Dân chủ Xã hội cánh hữu. Đảng Dân chủ Xã hội Áo cũng gánh kết quả ảm đạm nhất từ trước đến nay.

 

Theo nhận xét của nhà phân tích Jacki Davis của Trung tâm Chính sách châu Âu, lẽ ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, các cử tri sẽ không bỏ phiếu cho các chính phủ đương nhiệm và các đảng cánh tả sẽ có kết quả bầu cử tốt hơn. Nhưng trên thực tế, các đảng cánh tả vẫn không có tầm nhìn và đưa ra thông điệp rõ ràng về cách giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhà nghiên cứu Hugo Brady thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu cho rằng điểm nổi bật của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lần này không phải là việc các chính đảng nhỏ giành thêm ghế mà là phái trung tả trong cơn khủng hoảng. 

 

Nghị viện châu Âu là gì?

 

Con số chính thức đầu tiên cho thấy số cử tri đi bầu chỉ chiếm 43,55%, giảm so với 45,4% trong năm 2004 - ở mức thấp kỷ lục trong số 388 triệu cử tri đủ tư cách và giảm mạnh so với mức 61,99% của cuộc bầu cử EP đầu tiên hồi năm 1979. Các cuộc thăm dò dư luận tại nhiều nước cũng cho thấy số cử tri tham gia cuộc bầu cử EP có sự khác biệt rất lớn, từ mức "cực thấp" 14% ở Latvia, tới mức cao nhất 80% ở Manta. 

 

 

Các nhà phân tích lo ngại tỷ lệ cử tri đi bầu quá thấp có thể sẽ "tạo cơ hội" cho phe cực hữu và cánh tả. Nhưng trước mắt, nó phản ánh một sự thật rõ ràng là cử tri rất thờ ơ với cuộc bầu cử EP. Theo một cuộc thăm dò do viện Opionway thực hiện và được công bố trên báo chí Pháp, có đến gần 2/3 người dân châu Âu cho biết không hiểu rõ hoặc không quan tâm đến bầu cử EP. Đây có vẻ là một nghịch lý bởi Nghị viện châu Âu có vai trò ngày càng quan trọng trong mọi mặt đối với các nước thành viên. 

 

Cũng giống như Quốc hội các nước, EP cũng có những quyền hành căn bản về mặt lập pháp, ngân sách và kiểm tra, giám sát. 

 

Về mặt lập pháp, EP cùng với hội đồng các bộ trưởng thông qua những dự luật do Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị trong tổng cộng 42 lĩnh vực khác nhau, từ môi trường, giao thông, cho đến bảo vệ người tiêu dùng. EP còn có trách nhiệm thông qua các hiệp ước như là hiệp ước thu nhận thành viên mới hoặc hiệp ước liên kết với các quốc gia khác. 

 

Về mặt ngân sách, EP cũng có quyền hành ngang với Hội đồng các bộ trưởng, tức là cũng có thể bác bỏ dự toán ngân sách của châu Âu. Vì là đại diện của nhân dân các nước thành viên, cho nên EP có quyền giám sát dân chủ đối với mọi định chế như Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu. Các nghị viên châu Âu cũng có quyền thành lập những ủy ban điều tra. 

 

Mặt khác, tại nhiều quốc gia, bầu cử EP chỉ là dịp để đo lường thực lực của các chính đảng trong nước, chuẩn bị cho các cuộc bầu cử có tính chất địa phương như trường hợp tại Đức hay trường hợp của Chính phủ Gordon Brown tại Anh. 

 

Hiện Đức là nước có số đại diện cao nhất tại EP, với 99 trên tổng số 736 ghế.

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp