Chơi cờ vây: Trung Quốc đang được ít, mất nhiều
Bắc Kinh muốn vây hãm các nước yếm thế, không ngờ lại đang bị các nước vây hãm ngược lại.
Cuối năm 2014, khi trả lời phỏng vấn chúng tôi về “bàn cờ biển Đông 2015”, GS Alexander Vuving (Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương) dự báo Trung Quốc (TQ) sẽ chơi trò “cờ vây” - một thứ trò chơi mà người TQ tỏ ra sành sỏi. Bao trùm ván cờ của Bắc Kinh là triết lý “không đánh mà thắng” trong Binh pháp Tôn Tử hay Nghệ thuật chiến tranh (Art of War) của Tôn Vũ.
Suốt từ năm 2013 đến nay, ván cờ vây trên thực địa biển Đông rất sôi nổi. Bắc Kinh đã cố đặt những “quân cờ” của mình vào các vùng biển trọng điểm. Trong đó phải kể đến công trình nhân tạo tại bảy thực thể TQ chiếm giữ trái phép tại Trường Sa hay như đảo Phú Lâm tại Hoàng Sa.
Thậm chí Bắc Kinh còn thể hiện quyết tâm mỗi lúc một nguy hiểm hơn khi trang bị tàu, máy bay quân sự, radar và tên lửa ra biển Đông nhằm củng cố sức chịu đựng và mở rộng phạm vi lan tỏa sự sợ hãi ra các vùng biển tranh chấp.
Bằng cách tuyên bố “chỉ nói chuyện song phương” với từng nước tranh chấp, đồng thời vận dụng sức mạnh quốc phòng đã được cải thiện và nâng cao đáng kể, TQ kỳ vọng sẽ vây hãm, buộc từng đối thủ phải bỏ cuộc.
Nhưng Bắc Kinh dường như chưa lường trước việc trên những bàn cờ vây khác (ngoại giao, pháp lý, dư luận-truyền thông) mọi thứ đang tỉ lệ nghịch với biểu hiện ưu thế TQ trên thực địa biển Đông.
Những bàn cờ này có sự hiện diện của đông “người chơi” hơn: ASEAN, tòa trọng tài quốc tế và các nước đối trọng TQ như Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ. Tuyên bố chung sau hội nghị hẹp các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cuối tháng 2-2016 bày tỏ sự quan ngại đặc biệt về tranh chấp biển Đông, trong đó có việc cải tạo đất và các hoạt động leo thang từ phía Bắc Kinh.
Ngay trước đó, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử cho thấy quan điểm cứng rắn và thiết thực hơn từ phía Mỹ và ASEAN. Quan hệ song phương của các nước láng giềng TQ với nhau và với các nước đối trọng TQ ngày càng khăng khít sau mỗi lần TQ leo thang trên thực địa.
Ngay cả tòa trọng tài quốc tế bên kia đại dương cũng đã (và rất có thể sẽ) ra phán quyết bất lợi cho TQ.
Trong Binh pháp Tôn Tử, Tôn Vũ viết rằng “Phép dụng binh, gấp mười lần đối thủ thì bao vây…” hòng khiến đối thủ sợ mà từ bỏ. Tuy nhiên, tranh chấp biển Đông không phải chỉ dựa vào các quân cờ thực địa là có thể chiến thắng, huống chi TQ chưa hẳn đã chiếm ưu thế toàn diện về quân sự-quốc phòng.
Xem ra những quân cờ TQ dùng để bao vây đối thủ trên biển Đông lại là thủ phạm đẩy Bắc Kinh vào thế bị vây hãm trên mặt trận ngoại giao, pháp lý và cả dư luận-truyền thông quốc tế.
Như GS Vuving gợi ý, chắc chắn các nước láng giềng, ASEAN, Mỹ,… đều hiểu và sẽ tận dụng những mặt trận này trong thời gian tới nếu TQ cứ tiếp tục "chơi rắn" theo kiểu chẳng giống ai như thế.
Theo ĐỖ THIỆN
Pháp luật TPHCM