1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thế giới đối mặt thách thức nào nếu Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông?

(Dân trí) - Ông Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, nếu Bắc Kinh đưa tên lửa HQ-9 tới các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng kiểm soát toàn bộ không phận Biển Đông và khống chế tuyến hàng hải giao thương quan trọng bậc nhất thế giới.

Bước đi chiến lược

Ông đánh giá thế nào về mức độ “leo thang” của những động thái mà Trung Quốc thực hiện gần đây tại Biển Đông như: đưa tên lửa, chiến đấu cơ và lắp đặt radar so với những hành động mà Bắc Kinh triển khai trước đó tại khu vực này?

Ông Lê Việt Trường: Việc Trung Quốc đặt các tên lửa đất đối không HQ-9 ở bờ biển quanh đảo Phú Lâm và lắp đặt nhiều trạm radar ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là những bước leo thang đặc biệt nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực. Trên phương diện luật pháp và quan hệ quốc tế, hành vi nêu trên đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, đi ngược lại với tuyên bố ứng xử DOC giữa các bên ở Biển Đông, cản trở tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC), làm bùng phát nguy cơ chạy đua vũ trang, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hợp tác Trung Quốc-ASEAN.

Hiện nay, Trung Quốc không chỉ chiếm đóng trái phép các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà còn ngang nhiên chiếm giữ 7 bãi cạn ở khu vực Trường Sa. Việc triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không và mở rộng cơ sở hạ tầng trên quần đảo Hoàng Sa, không còn giới hạn ở những hoạt động dân sự như trước kia mà đang hình thành các căn cứ quân sự có khả năng tấn công, chiến đấu, rõ ràng đây là hành động đe dọa sử dụng vũ lực, trái với cam kết của TQ với ASEAN trong tuyên bố DOC.

Ông Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Quốc Hội cho rằng hành động gây hấn mới của Trung Quốc là bước leo thang đặc biệt nghiêm trọng
Ông Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Quốc Hội cho rằng hành động gây hấn mới của Trung Quốc là bước leo thang đặc biệt nghiêm trọng

Vậy theo ông, việc Trung Quốc từng bước hình thành các căn cứ quân sự có khả năng tấn công trên các đảo mà họ chiếm đóng bất hợp pháp ở Biển Đông sẽ gây ra mối đe dọa gì?

Ông Lê Việt Trường: Theo tôi, động thái của Trung Quốc trong việc quân sự hóa và xây dựng các công trình kiên cố trên các đảo họ mới tôn tạo ở Trường Sa cũng như ở quần đảo Hoàng Sa đã nói rõ âm mưu và hành động để đạt được mục đích độc chiếm biển Đông bằng các biện pháp, kể cả biện pháp quân sự. Những hành động đó của Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột ở biển Đông ngày càng hiện hữu.

Thứ nhất, Trung Quốc đang muốn kiểm soát toàn bộ không phận Biển Đông. Hệ thống phòng không HQ-9 mà Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm có khả năng tấn công bất kỳ máy bay dân sự hay quân sự nào trong tầm bắn đến 200km. Đây là thách thức lớn cho quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực Biển Đông. Sau Phú Lâm, nếu Bắc Kinh đưa tên lửa HQ-9 tới các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nước này hoàn toàn có khả năng kiểm soát toàn bộ không phận Biển Đông.

Thứ hai, với việc điều hệ thống HQ-9 ra Hoàng Sa, Trung Quốc đạt mục tiêu kép đó là vừa tạo được thế bố trí phòng thủ từ xa để bảo vệ cho Hải Nam và đất liền vừa tạo “lá chắn che đầu” cho các phương tiện của Trung Quốc cả quân sự, dân sự hoạt động trên biển.

Thứ 3, việc đưa ra Hoàng Sa một hệ thống vũ khí hiện đại như HQ-9 sẽ là thuốc thử phản ứng của Mỹ và dư luận phục vụ cho những toan tính chiến lược khu vực và toàn cầu của họ.

Đằng sau những hành động leo thang mới này, không loại trừ khả năng Trung Quốc tiến tới áp đặt một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Đông như nước này đã từng làm tại biển Hoa Đông vào cuối năm 2013.

Trung Quốc sẽ còn gia tăng các hoạt động quân sự

Câu hỏi quan trọng nhất vào lúc này là Trung Quốc sẽ làm gì sau khi chuyển vũ khí tới đảo Phú Lâm? Tiếp tục quá trình xây dựng hay tận dụng sức mạnh quân sự để đánh bật các nước khác khỏi tranh chấp, thưa ông?

Ông Lê Việt Trường: Tôi cho rằng, đây chưa phải là bước đi cuối cùng của Trung Quốc, bởi vì muốn các thiết bị quân sự này hoạt động được bao giờ cũng phải có những đơn vị bảo đảm đi cùng. Chắc chắn cùng với việc đưa HQ-9 ra đảo Phú Lâm, họ sẽ tiến hành các hoạt động để đồng bộ về công tác bảo đảm hậu cần kỹ thuật.

Như tôi đã nói ở trên, với “lá chắn che đầu”, rất có thể trong thời gian tới Trung Quốc sẽ hối thúc các ngư dân của họ ào ạt khai thác các tài nguyên Biển Đông, phục vụ cho mục tiêu độc chiếm Biển Đông như tham vọng lâu nay của nước này. Mặt khác, không loại trừ họ có thể sử dụng ngư dân để tạo cớ chống lại các tàu tuần tra của Mỹ.

Trung Quốc đang ồ ạt bồi đắp và xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông (Ảnh: AMTI)
Trung Quốc đang ồ ạt bồi đắp và xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông (Ảnh: AMTI)

Với những động thái quân sự hóa Hoàng Sa và Trường Sa, không khó để dự đoán các bước đi tiếp theo của Trung Quốc. Thời gian tới, chắc chắn Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động quân sự của mình như: tiến hành các cuộc tập trận, diễn tập hải quân kết hợp với lực lượng quân sự trên đảo, theo đó họ sẽ ra lệnh cấm tàu bè, máy bay các nước qua lại khu vực này nhằm từng bước áp đặt sự kiểm soát của mình. Các nước cần tỏ rõ thái độ nếu không quyền tự do hàng không, hàng hải chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông đánh giá như thế nào về những phản ứng gần đây của Mỹ và ông có lo ngại về một kịch bản đối đầu xấu nhất xảy ra hay không?

Ông Lê Việt Trường: Với Mỹ, Biển Đông là khu vực địa chính trị cực kỳ quan trọng trong chiến lược xoay trục sang Châu Á -Thái Bình Dương của Mỹ. Nếu Mỹ mất vai trò ở Biển Đông không chỉ ảnh hưởng lợi ích trực tiếp của Mỹ mà còn tác động bất lợi cho quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh của mình. Vì thế, những hành động leo thang của Trung Quốc rõ ràng đã xâm phạm đến lợi ích quốc gia của Mỹ và các nước đồng minh, buộc Mỹ phải can dự. Những động thái can dự gần đây của Mỹ mang lại ý nghĩa tích cực, làm cho cục diện biển Đông hoàn toàn thay đổi.

Cuộc chơi hiện nay không còn là sự tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực mà đã được quốc tế hóa. Ý đồ của TQ chia bó đũa để bẻ từng chiếc một đã gần như bị mất trên thực tế. Tranh chấp ở Biển Đông đã trở nên vấn đề quốc tế, không còn như Trung Quốc bấy lâu mong muốn nữa. Điều này, cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc không thể “muốn làm gì thì làm” trong việc thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông của mình.

Tuy nhiên, theo tôi những hành động của Mỹ nếu chỉ có tính biểu trưng, nghĩa là chỉ để thể hiện sự hiện diện của mình và trấn an đồng minh của họ trong khu vực thì rất có thể nó không lợi cho tình hình chung mà không khéo còn có tác dụng ngược như là cái cớ để thúc đẩy Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông một cách nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.

Sự hòa bình và ổn định trong khu vực phụ thuộc nhiều vào cục diện quan hệ giữa hai nước Mỹ - Trung, cũng như thái độ của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Nếu như Mỹ và các nước ASEAN đoàn kết, cùng chung tiếng nói, thể hiện quyết tâm trong việc bảo vệ hòa bình, an ninh, ổn định ở biển Đông thì chắc chắn những hành động gây hấn của Trung Quốc sẽ phải giảm nhiệt.

Sự đụng độ quân sự có xảy ra hay không, theo tôi, nó phụ thuộc vào thái độ ứng xử của các nước lớn, cụ thể là Mỹ và Trung Quốc. Không loại trừ xung đột vũ trang, nhưng chỉ xảy ra khi một trong các bên có sai lầm về chiến lược.

Cái gọi là Thành phố Tam Sa mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. (Ảnh: Xinhua)
Cái gọi là "Thành phố Tam Sa" mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. (Ảnh: Xinhua)

Việt Nam cần cẩn trọng, vững bước

Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của Việt Nam trong thời gian vừa qua? Theo ông, chúng ta nên làm gì để chống lại những hành động gây hấn, gia tăng căng thẳng trên biển Đông của Trung Quốc?

Ông Lê Việt Trường: Hiện nay, Trung Quốc đã và đang chiếm đóng Hoàng Sa và 7 bãi cạn ở Trường Sa nhưng đó chỉ là sự chiếm đóng trái phép trên thực địa, còn về mặt cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền thì họ không có. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền, luôn luôn kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuộc chiến giành chủ quyền của chúng ta sẽ còn lâu dài và khó khăn.

Phản ứng của Việt Nam trong thời gian vừa qua theo tôi đã đạt được cả về nguyên tắc và phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đấu tranh trên tất cả các bình diện của xã hội. Về mặt kinh tế - xã hội, chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền, làm rõ bản chất, thủ đoạn, âm mưu của Trung Quốc, củng cố niềm tin cho nhân dân. Đồng thời tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ, điều tra, nghiên cứu khoa học biển và khai thác tài nguyên và các nguồn lợi từ biển một cách có tổ chức với tinh thần và tư thế của người chủ của vùng biển đảo.

Về quốc phòng, an ninh hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó một số quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại như Quân chủng phòng không-không quân, Quân chủng hải quân, cảnh sát biển… đủ sức làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước không ngừng được tăng cường, ngoài việc mua sắm một số chủng loại vũ khí, trang bị và phương tiện chiến đấu cần thiết, Việt Nam đã tự chủ đóng và hạ thủy thành công các tàu pháo cho Hải quân, tàu chuyên dụng cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư. Ngoài các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, chúng ta còn có các lực lượng chuyên trách khác trên biển (khoảng 12 lực lượng) để duy trì luật pháp trên biển.

Nhiệm vụ quan trọng lúc này là cần tổ chức, phối hợp chặt chẽ hoạt động của các lực lượng chuyên trách và toàn dân thì chúng ta sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Tổ quốc ta trên biển phù hợp với công ước của liên hợp quốc về luật biển năm 1982./.

Hà Trang - Toàn Vũ