1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chính sách xoay trục châu Á của Mỹ "gặp khó" do xung đột Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Biden đặt ra mục tiêu trong nhiệm kỳ là hoàn thành chiến lược "xoay trục sang châu Á", đánh dấu sự điều chỉnh lâu dài trong chính sách đối ngoại nhằm đối phó sự lớn mạnh của Trung Quốc.

Chính sách xoay trục châu Á của Mỹ gặp khó do xung đột Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp trực tuyến vào ngày 15/11/2021 (Ảnh: AP).

Đó là tham vọng của chính quyền Mỹ Joe Biden. Nhưng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến chính sách này của ông chủ Nhà Trắng ngày càng phức tạp hơn.

Theo SCMP, ông Kurt Campbell, Điều phối viên phụ trách các vấn đề Ấn Độ-Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng thừa nhận tại một diễn đàn gần đây về việc duy trì sự tập trung cho cả hai khu vực là khó khăn. "Nhưng đó vẫn điều rất cần thiết và tôi tin chúng ta đang bước vào một thời kỳ mà ở đó là nơi cần cho nước Mỹ và cho thế hệ người Mỹ này".

Thực tế trên khiến chính quyền ông Biden cần phải tập trung đồng thời vào Đông và Tây, cân bằng giữa bài toán kinh tế và quân sự.

Tổng thống Biden đã bắt tay với các đồng minh NATO và châu Âu để đáp trả Nga bằng các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất, cung cấp cho quân đội Ukraine 2 tỷ USD hỗ trợ quân sự, bao gồm 800 triệu USD viện trợ mới được công bố hôm 16/3, và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng leo thang.

Các đồng minh của NATO ở sườn phía Đông, bao gồm Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Romania, đã nói rõ với chính quyền ông Biden rằng, họ muốn Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực và làm nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II. Cho đến nay, đã có hơn 3 triệu người Ukraine phải tị nạn do xung đột.

Mặc dù cuộc xung đột tại Ukraine hiện đã chiếm ưu tiên số 1 trong chương trình chính sách của ông Biden, nhưng các quan chức Nhà Trắng khẳng định họ không rời mắt khỏi Trung Quốc và vẫn đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái của Bắc Kinh.

Trong những tháng gần đây, Mỹ đã khiến Trung Quốc nổi giận khi quyết định bán tàu ngầm hạt nhân cho Australia và nâng tầm cuộc đối thoại an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương, còn được gọi là Bộ tứ Kim Cương (hay Quad), với sự tham gia của Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.

Mỹ cũng gây áp lực với Bắc Kinh trong các vấn đề Đài Loan, người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ và Hong Kong.

Nhóm An ninh quốc gia của Tổng thống Biden có phần ngạc nhiên khi các đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Hàn Quốc, đã nhanh chóng giáng đòn trừng phạt vào Nga sau chiến dịch quân sự của Tổng thống Vladmir Putin ở Ukraine, theo một quan chức Mỹ.

Quan chức giấu tên này cho rằng, khi ủng hộ các lệnh trừng phạt, các quốc gia Thái Bình Dương đang nỗ lực gửi một thông điệp tới Nga, cũng như Trung Quốc.

Hiện tại, cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với cuộc khủng hoảng Ukraine đang khiến Washington lo ngại.

Nhà Trắng đã cảnh báo Trung Quốc không giúp Nga né các lệnh trừng phạt hoặc hỗ trợ quân đội của Moscow, nói rằng, "đây sẽ là hành động nguy hiểm đối với một quốc gia được coi là cường quốc tiếp theo của thế giới".

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã không công khai cụ thể những hành động sẽ đáp trả nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga. "Chúng tôi không cần Trung Quốc sát cánh cùng mà chỉ cần họ không chống lại chúng tôi", Frank Jannuzzi, Chủ tịch của Quỹ Maureen và Mike Mansfield, nơi tập trung vào mối quan hệ Mỹ-Á, cho biết.

Quan hệ Nga - Trung trở ngày càng trở nên gần gũi, khiến Mỹ bất an. Ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin đã gặp nhau vào đầu tháng 2, khi nhà lãnh đạo Nga tới Bắc Kinh để dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022. Hai nhà lãnh đạo sau đó đã đưa ra một tuyên bố dài 5.000 từ khẳng định mối quan hệ hữu nghị.