1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chính sách "hướng Đông" mới của Nga

(Dân trí) - Nhiều năm qua, bất cứ khi nào Nga gặp khó khăn trong quan hệ với phương Tây, Moscow sẽ chuyển hướng bằng cách mở rộng quan hệ với các quốc gia thuộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những diễn biến trong thời gian qua cho thấy chính sách "hướng Đông" này đang có sự điều chỉnh, Nga có thể sẽ mềm mỏng hơn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật, hay cứng rắn hơn trong vấn đề Triều Tiên.


Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại điện Kremlin, ngày 08/05/2015.(Ảnh minh họa: Reuters)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại điện Kremlin, ngày 08/05/2015.(Ảnh minh họa: Reuters)

Trong những tuần qua, cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO đã diễn ra không đạt được bước đột phá nào. Trước đó, đã xảy ra các vụ đánh chặn và tấn công giả định đầy mạo hiểm của máy bay chiến đấu Nga trên biển Baltic. Cùng với đó là những tuyên bố cứng rắn của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người đã chỉ trích Lithuania là quốc gia "bài Nga" và cảnh báo Thụy Điển về khả năng gia nhập NATO. Tuy nhiên, cam kết của ông Lavrov về các biện pháp đối phó gồm cả "quân sự và kỹ thuật" đã tỏ ra không hiệu quả ở khu vực Bắc Âu. Trong chiều hướng khác, Ngoại trưởng Lavrov đã tìm kiếm được tiếng nói chung với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, qua đó chuẩn bị cho chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng Sáu tới của Tổng thống Putin. Ngoài ra, Ngoại trưởng Lavrov cũng để lại dấu ấn ngoại giao nhất định qua chuyến thăm Nga sắp tới của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Bộ Ngoại giao Nga đã đánh giá chuyến thăm Nga của Thủ tướng Abe như một chiến thắng trước sức ép từ Mỹ. Tuy nhiên, có lẽ cả Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin đều có những kỳ vọng khác nhau trong cuộc hội đàm sắp tới tại thành phố Sochi. Giới chức Nhật Bản cho rằng nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của Nga sẽ buộc Tổng thống Putin đưa ra quan điểm mềm mỏng hơn liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước, có khả năng là một thỏa hiệp giữa hai bên. Còn tại Moscow, có những ý kiến cho rằng Nhật Bản đang quan ngại về quan hệ đối tác chiến lược ngày càng được đẩy mạnh giữa Nga và Trung Quốc nên Tokyo sẵn sàng đàm phán về vấn đề tranh chấp lãnh thổ và nới lỏng các lệnh trừng phạt hiện nay.

Tuy nhiên, trên thực tế, giới kinh doanh Nhật Bản không nhận thấy môi trường đầu tư hấp dẫn tại Nga, kể cả lĩnh vực năng lượng, nên hầu hết các công ty Nhật Bản không gặp khó khăn trước những lệnh trừng phạt của chính phủ nước này nhằm vào Moscow. Điều mà Nhật Bản lo ngại thực sự chính là các vụ thử tên lửa trong thời gian qua của Triều Tiên.

Thế nhưng, điều mà Nga có thể làm duy nhất vào lúc này là đưa ra những tuyên bố khẳng định không ủng hộ các vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng, dù trên thực tế những vụ phóng đó có thể mang tới nguy cơ cho khu vực Vladivostok của Nga. Giới quan sát cho rằng Nga chưa thể có những động thái cụ thể hơn với Bình Nhưỡng, điều mà Nhật Bản mong muốn, trong thời gian tới.

Còn trong cuộc họp với Ngoại trưởng Vương Nghị, Ngoại trưởng Lavrov đã tìm thấy điểm chung giữa hai nước. Đó là lên án kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Cả Nga và Trung Quốc đều coi kế hoạch này sẽ gây bất ổn cho an ninh khu vực hơn là các vụ thử của Triều Tiên. Phát biểu tại Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA) mới diễn ra ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm cho việc leo thang các vụ xung đột trên thế giới cũng như sự lan truyền của mối đe dọa khủng bố. Bài phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov đã được dư luận Trung Quốc đón nhận song quan điểm của Nga về sự gia tăng căng thẳng trong một thế giới "đa cực" và nguy cơ xảy ra xung đột giữa các "cực" chính đã vượt qua cấp độ mà Bắc Kinh có thể cảm thấy chấp nhận được. Lâu nay, Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng sự ổn định mới dựa trên sự "trỗi dậy hòa bình" của nước này và Bắc Kinh luôn tìm cách giảm thiểu hậu quả trong bất cứ sự đối đầu nào trong mối quan hệ kinh tế rất quan trọng với Mỹ.

Các chuyên gia Nga cho rằng tư tưởng chống Mỹ sẽ khó có thể trở thành nền tảng tốt để từ đó phát triển quan hệ đối tác với Trung Quốc. Trên thực tế, mối quan hệ Nga - Trung có những vấn đề, không chỉ là việc thiếu đi một tiếng nói "cứng rắn" trước chính sách của các nước phương Tây.

Tập đoàn năng lượng Gazprom luôn nhấn mạnh rằng thỏa thuận về khí đốt trị giá 400 tỷ USD vẫn đang được triển khai song nếu so với tỷ giá hiện nay, thỏa thuận này không chỉ rẻ hơn gấp ba lần mà còn không mang lại tác động tích cực. Hơn thế nữa, kế hoạch bù đắp cho những sụt giảm trong quan hệ song phương bằng cách mở rộng xuất khẩu vũ khí từ Nga sang Trung Quốc cũng vấp phải những khó khăn.

Tới nay, hợp đồng bán các mẫu chiến đấu cơ hiện đại Su-35S và hệ thống phòng không S-400 vẫn chưa chốt được. Chưa kể, Bắc Kinh được cho là đã không tán thành những nỗ lực của Nga nhằm thuyết phục Ả rập Xê út và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác ở Vùng Vịnh "đóng băng" sản lượng để nâng giá dầu. Và những nỗ lực của Nga bị coi là thất bại vì Iran không sẵn sàng giảm sản lượng khi Tehran muốn mở rộng kinh doanh trên thị trường xuất khẩu dầu mỏ. Có thể thấy Trung Quốc nhận thức rõ rằng các lợi ích của nước này ở Trung Đông "không cùng hướng" với lợi ích của Nga.

Ngọc Anh

Theo National Interest