1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chính sách chi trả phí điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại các nước

(Dân trí) - Các nước có các chính sách khác nhau về chi trả phí điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Việc Trung Quốc chi trả tất cả chi phí điều trị là một trong những “chìa khóa” giúp kiểm soát dịch tốt hơn.

 
Chính sách chi trả phí điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại các nước - 1

Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Khi dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) vẫn đang tiếp tục lan rộng ra toàn thế giới, Trung Quốc có một bài học quan trọng dành cho các chính phủ nước ngoài trong cuộc chiến với dịch bệnh, đó là sẵn sàng chi trả các khoản phí xét nghiệm cũng như điều trị để chúng không trở thành rào cản cho các bệnh nhân.

Dịch Covid-19 cho đến nay đã lan ra hơn 100 quốc gia, trong đó Italia, Iran và Hàn Quốc đang nổi lên như những ổ dịch mới với hàng nghìn ca nhiễm bệnh.

Trong khi đó tại Trung Quốc, nơi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, dịch bệnh đang có xu hướng “hạ nhiệt” khi chỉ có 19 ca nhiễm mới được ghi nhận hôm 10/3.

Theo tạp chí Chinese Hospital Management, một lần xét nghiệm virus corona tại Trung Quốc ước tính mất khoảng 370 Nhân dân tệ (53 USD). Tại thành phố Thâm Quyến, chi phí trung bình cho một ca điều trị virus corona vào khoảng 23.000 Nhân dân tệ (3.300 USD) đối với bệnh nhân lớn tuổi và khoảng 5.600 Nhân dân tệ (800 USD) đối với thanh niên.

Theo SCMP, một số phương pháp điều trị tốn kém hơn đối với các bệnh nhân nhiễm Covid-19 vẫn được chính phủ Trung Quốc chi trả. Trung Quốc đã dành 110,48 tỷ Nhân dân tệ cho việc điều trị, trợ cấp nhân viên y tế và thiết bị y tế để đối phó với dịch corona.

Trong khi đó tại Mỹ, nơi có 31 ca tử vong và hơn 1.000 ca nhiễm Covid-19, người dân ngày càng lo ngại về chi phí xét nghiệm.

Chính phủ Mỹ không thu phí xét nghiệm virus corona tại các phòng thí nghiệm được chỉ định, nhưng một lần điều trị tại bệnh viện sẽ rất tốn kém với mức phí có thể lên tới 3.200 USD cho một ca nhiễm. Nhóm vận động hàng lang Các chương trình bảo hiểm sức khỏe Mỹ khuyến cáo khách hàng cần hỏi nhà cung cấp bảo hiểm để biết mức chi trả liên quan đến Covid-19.

Hàn Quốc, nơi có hơn 7.500 ca nhiễm Covid-19, hồi tháng 1 đã thông báo rằng chính phủ và các công ty bảo hiểm sẽ chi trả các chi phí liên quan tới việc khám bệnh, cách ly và điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Hàn Quốc đã mở rộng các điểm xét nghiệm virus corona, bao gồm dịch vụ xét nghiệm ngay trong xe ô tô. Mỗi ngày, Hàn Quốc xét nghiệm khoảng 15.000 người.

Nhật Bản hồi tháng 2 đã xác định Covid-19 là dịch bệnh truyền nhiễm và chính phủ Nhật Bản sẽ có trách nhiệm chi trả các hóa đơn điều trị nội trú liên quan tới Covid-19.

Trong khi đó tại Anh, khoảng 18.000 người đã được xét nghiệm Covid-19 miễn phí kể từ tháng trước. Tính đến nay 373 người đã bị xác nhận nhiễm Covid-19 tại Anh.

Theo giáo sư Dirk Pfeiffer tại Đại học Thành phố Hong Kong, khả năng chi trả sẽ cản trở những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

“Rõ ràng, bất kể nơi nào phải trả tiền cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, những người có triệu chứng nhẹ và thuộc nhóm thu nhập thấp sẽ chần chừ trong việc tới cơ sở y tế. Thậm chí cả những người bệnh nặng cũng vậy. Những hành động này sẽ càng khiến cho dịch bệnh kéo dài”, giáo sư Pfeiffer nhận định.

Tuy nhiên, ông Pfeiffer cho rằng việc lạm dụng xét nghiệm không phải là phương án khả thi tại hầu hết quốc gia và tránh tụ tập đông người vẫn là biện pháp giảm thiểu rủi ro quan trọng nhất.

Chuyên gia Ni Feng, giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng Mỹ và Trung Quốc có các điều kiện khác nhau, do vậy việc hai nước sử dụng các chiến lược khác nhau để đối phó với dịch bệnh cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, thành công của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch Covid-19 có thể là cơ hội tốt để cả hai nước cùng hợp tác với nhau.

"Đây là lĩnh vực ít nhạy cảm nhất. Hai nước có thể hợp tác với nhau về nhiều mặt. Trước đây, Mỹ và Trung Quốc từng hợp tác chặt chẽ với nhau trong giai đoạn bùng phát dịch SARS, H5N1 và H7N9, nhưng dịch Covid-19 hiện tại thì vẫn chưa”, chuyên gia Ni cho biết.

Thành Đạt

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm