1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chính phủ Thái Lan không được tham vấn về quyết định thiết quân luật

(Dân trí) - Chính phủ tạm quyền Thái Lan cho biết họ đã không được quân đội tham vấn trước về quyết định áp dụng tình trạng thiết quân luật vào ngày hôm nay. Tuy nhiên họ khẳng định chính phủ vẫn tồn tại.


Phe chống chính phủ tuyên bố tiến hành trận chiến cuối cùng nhằm lật đổ chính phủ.
Phe chống chính phủ tuyên bố tiến hành "trận chiến cuối cùng" nhằm lật đổ chính phủ.

Cuộc phế truất Thủ tướng Yingluck Shinawatra của ngành tư pháp Thái Lan vào đầu tháng này đã khiến căng thẳng leo thang. Những người biểu tình “áo đỏ” ủng hộ bà Yingluck và anh trai của bà Thaksin Shinawatra, người bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, đã cảnh báo về nguy cơ nội chiến nếu quyền lực được trao cho một lãnh đạo không cần thông qua bầu cử, như theo yêu cầu của phe đối lập.

Trong khi đó Paradorn Pattanatabut, cố vấn an ninh cho Thủ tướng mới lên thay bà Yingluck, ông Niwattumrong Boonsongpaisan, cho hay chính phủ tạm quyền đã không được tham vấn trước về quyết định áp đặt tình trạng thiết quân luật.

“Chính phủ tạm quyền hiện vẫn sát cánh cùng Thủ tướng tạm quyền Niwattumrong. Mọi thứ vẫn bình thường trừ việc quân đội chịu trách nhiệm đối với toàn bộ các vấn đề an ninh”, ông cho hay.

Trong khi trước đó, những người biểu tình phản đối chính phủ tuyên bố sẽ tiến hành “trận chiến cuối cùng” trong những ngày tới nhằm lật đổ thủ tướng. Các lãnh đạo biểu tình hiện đang chiếm một cánh của trụ sở chính phủ, tổ chức họp báo nhằm chứng tỏ chính phủ thiếu khả năng nắm quyền.

Quân đội được thông báo sẵn sàng nhiệm vụ

Trong bài phát biểu trên truyền hình cả nước, người đứng đầu quân đội Thái Lan, tướng Prayut Chan-O-Cha, tuyên bố việc giám sát các cuộc biểu tình của cơ quan an ninh chính phủ đã bị ngưng.

“Tất cả quân nhân thuộc lục quân, không quân và hải quân phải trở về các đơn vị của mình để thực hiện nhiệm vụ”, ông cho hay.

Theo luật Thái Lan, quân đội có quyền tuyên bố tình trạng thiết quân luật, cho phép họ kiểm soát an ninh khắp đất nước, nếu có tình huống khẩn cấp.

Động thái của quân đội có nguy cơ khiến những người ủng hộ chính phủ xem như là một cuộc lật đổ.

Tuy nhiên “phe áo đó” ủng hộ chính phủ có phản ứng ban đầu với tin thiết quân luật rất thận trọng. “Với tuyên bố thiết quân luật chính phủ vẫn tồn tại và hiến pháp vẫn tồn tại vì vậy nó không chống lại quan điểm chống đảo chính của chúng tôi”, lãnh đạo “áo đỏ” Nattawut Saikuar cho biết với hãng tin Pháp AFP.

Lần trước quân đội Thái Lan ban bố tình trạng thiết quân luật là vào tháng 9/2006 sau cuộc đảo chính quân sự không đổ máu lật đổ ông Thaksin Shinawatra.

Vương quốc Thái Lan đã trải qua nhiều năm bất ổn chính trị kể từ khi ông Thaksin bị lật đổ, cuộc lật đổ đã khiến nhiều người ủng hộ vị tỷ phú chuyển sang làm chính trị này bất bình.

Bế tắc chính trị

Quân đội Thái Lan đã tiến hành tổng cộng 18 cuộc đảo chính thành công và cả bất thành kể từ năm 1932, nhưng những người ủng hộ chính phủ cảnh báo họ sẽ không chấp nhận thêm một động thái nào nữa của các tướng lĩnh quân đội nhằm nắm giữ quyền lực.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã có một chính phủ không hoạt động được đầy đủ kể từ tháng 12 năm ngoái. Chi tiêu chính phủ bị gián đoạn, nhà đầu tư và khách du lịch e ngại.

Theo con số chính thức vào ngày hôm qua, kinh tế đã bị sụt giảm 0,6% trong quý đầu năm nay, sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2011.

Những người biểu tình phản đối chính phủ từ chối tham gia bầu cử mà không thực hiện cải cách chính trị trước. Họ cho rằng chính phủ của đảng Puea Thai thiếu tính pháp lý để điều hành đất nước.

Họ đang kêu gọi thượng viện áp dung một điều khoản được xem là không rõ ràng trong hiến pháp, nhằm phế truất thủ tướng tạm quyền. Ủy ban bầu cử tuần trước cho hay tổng tuyển cử dự kiến vào ngày 20/7 khó có thể tiến hành nếu không có sự ủng hộ của người biểu tình. Cuộc bầu cử tháng 2 vừa qua đã bị hủy bỏ sau khi bị người biểu tình cản trở.

Trung Anh

Tổng hợp