1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chính biến Ukraine: Nga-Mỹ điện đàm, NATO lấn vạch

Nga và Mỹ đang sắp xếp những cuộc đàm phán song phương tiếp theo về Ukraine, trong khi NATO chuẩn bị lập căn cứ sát biên giới Nga.

NATO tiếp tục siết chặt vòng vây quân sự

Hôm 18/2 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm với nhau để bàn bạc về vấn đề giải quyết khủng hoảng ở Ukraine.

Dù đã đi đến một số thống nhất khi Ngoại trưởng Mỹ Kerry tuyên bố cần có một sự cải cách hiến pháp từ phía chính quyền Ukraine và cung cấp cho Donbass một quy chế đặc biệt để tự trị, song những cuộc đàm phán này vẫn chưa thể ngã ngũ và hai bên vẫn tiếp tục chuẩn bị thêm những cuộc đàm phán song phương trong vài ngày tới.

Trong khi đó, cả ly khai Donbass và Kiev bắt đầu trao đổi tù binh theo những gì đã được quy định trong thỏa thuận Minsk. Tuy nhiên, pháo vẫn tiếp tục rền vang tại miền Đông và chưa dấu hiệu nào cho thấy cả hai bên muốn thực sự hòa bình cho Ukraine.

Điều này cho thấy các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng này là Nga và EU đang nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận này được thực hiện đầy đủ và cuộc khủng hoảng ở Ukraine sớm kết thúc. Trong khi đó, Nga đang trực tiếp đàm phán với Mỹ, và để kết thúc cuộc khủng hoảng chỉ trông chờ vào kết quả của những cuộc đàm phán song phương này.
 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Mọi vấn đề khó khăn vào lúc này là cuộc đối thoại giữa Nga và Mỹ phải tìm được tiếng nói chung. Và theo như Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói sau cuộc điện đàm rằng "sẽ còn rất nhiều khó khăn để có thể đi đến thống nhất trong những cuộc đàm phán tiếp theo."

Trong một nỗ lực tìm kiếm thế mạnh và sức ép lên đối phương, các đồng minh của Mỹ bắt đầu có nhiều hoạt động. Đáng kể nhất là NATO. Liên minh quân sự này vừa tuyên bố sẽ thành lập một trung tâm chỉ huy phản ứng nhanh ở ngay Đông Âu.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy lực lượng hỗn hợp NATO tại Brunssum (Hà Lan), Tướng Hans-Lothar Domrose phát biểu: "Hiện nay, tôi đã thấy sự chuẩn bị tuyệt vời cho việc thành lập một đơn vị hỗn hợp NATO tại Litva. Theo tôi, các sỹ quan sẽ được triển khai ở Litva vào mùa Hè này và sẽ đi vào hoạt động đầy đủ trong năm nay. Chúng ta đang đi đúng hướng."

Việc NATO thành lập căn cứ mới ở Litva, đồng thời tổ chức thành lập lực lượng phản ứng cực nhanh, luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, tinh nhuệ nhất, có căn cứ đóng tại các quốc gia thành viên có biên giới với Nga cho thấy NATO đang ngày càng gia tăng sức ép về quân sự với Nga.

Lời đáp trả của Nga

Trước việc NATO không giấu diếm coi Nga là kẻ gây bất ổn tới an ninh khu vực, và tiếp tục tạo thêm sức ép nhằm đe dọa các quyết sách của Nga trong những cuộc đàm phán sắp tới, Moscow cũng có những hành động đáp trả đích đáng.

Sự tăng cường hiện diện của NATO tại Đông Âu có thể làm ảnh hưởng tới an ninh của toàn bộ khu vực, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nói với các phóng viên vào hôm 19/2.
 
Nga cho rằng sự mở rộng của NATO là đe dọa

Nga cho rằng sự mở rộng của NATO là đe dọa

Ông Lukashevich cho biết sự xây dựng quân đội của NATO tại Đông Âu với “lí do đề phòng những mối đe doạ không tồn tại từ Nga” và chiến thuật tạo ra các vùng đệm tại biên giới các nước với Nga, được sử dụng để định hình lại lãnh thổ của châu Âu và có thể phá hỏng sự cân bằng sức mạnh hiện tại.

Ông Lukashevich đã chỉ ra rằng chính phủ các nước vùng Baltics như Latvia, Lithuania và Estonia là những người hưởng ứng nhiệt tình hướng phát triển quân sự này. Vào tháng 3, Tổng thư kí NATO đã tuyên bố thành lập thêm các trung tâm chỉ huy tại 3 nước trên cũng như ở Bulgaria, Romania và Ba Lan.

Việc xây dựng quân đội gần biên giới Nga và tăng cường diễn tập quân sự cũng chính là một trong những mục tiêu đề ra của khối quân sự 28 nước này vào tháng 9/2014 tại hội nghị thượng đỉnh tại xứ Wales, Anh.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã bày tỏ những quan ngại này tại Hội nghị an ninh Munich và trong cuộc gặp riêng với lãnh đạo NATO, Jens Stoltenberg vào đầu tháng 2. Ông Stoltenberg cũng đã bảo vệ quan điểm của khối đồng minh khi cho rằng sự mở rộng này chỉ hoàn toàn mang tính phòng thủ và hứa sẽ giữ liên lạc với các lãnh đạo Nga.

Trong những tháng gần đây, NATO vẫn tiếp tục tăng cường quân sự tại Đông Âu, cũng như biển Đen và miền đông nam Ukraine, với lí do đảm bảo an ninh trước những sự can thiệp của Nga vào cuộc khủng hoảng Ukraine, điều mà Moscow luôn phủ nhận.

Song song với những lời chỉ trích của Bộ Ngoại giao, Moscow cũng tiến hành các hoạt động tập trận quy mô lớn ở khu vực biên giới phía Nam, sát với Ukraine và tổ chức thêm các cuộc tập trận phản ứng nhanh ở biên giới phía Tây Nam. Nga đang chứng tỏ họ sẵn sàng đối đầu với mọi sức ép từ Mỹ và NATO.

Theo Đỗ Phong (tổng hợp)
Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm