1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Chim ăn thịt" F-22 cùng lúc đương đầu 5 "đại bàng" F-15

Đức Hoàng

(Dân trí) - Video của quân đội Mỹ cho thấy sức mạnh của tiêm kích F-22 khi một mình máy bay chiến đấu này có thể đương đầu 5 chiếc F-15 trong một cuộc huấn luyện tác chiến.

"Chim ăn thịt" F-22 cùng lúc đương đầu 5 "đại bàng" F-15

Chim ăn thịt F-22 cùng lúc đương đầu 5 đại bàng F-15 - 1

Máy bay chiến đấu F-22 (trái) và máy bay chiến đấu F-15 (Ảnh: Không quân Mỹ).

Theo Business Insider, F-22 là một trong những máy bay thế hệ 5 chiếm ưu thế trên không tác chiến hiệu quả nhất thế giới. Video của quân đội Mỹ công bố cho thấy một chiếc F-22 đương đầu cùng lúc với 5 chiếc F-15 trong một cuộc diễn tập, nhưng F-22 vẫn thể hiện năng lực và chiếm ưu thế trên bầu trời.

Theo Eurasian Times, F-22 được cho sẽ vẫn giữ "ngôi vương" trong tác chiến không đối không trong lực lượng Mỹ cho tới ít nhất năm 2025.

F-22 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1997 và vào biên chế không quân Mỹ vào năm 2005, thời điểm mà hầu hết các quốc gia còn đang gặp khó khăn trong việc phát triển dòng máy bay thế hệ 4 tác chiến đáng tin cậy.  

Không quân Mỹ ban đầu dự kiến mua 750 chiếc F-22, nhưng con số này giảm dần và nhà thầu Lockheed Martin đã ngừng sản xuất sau khi bàn giao chiếc thứ 183 cho quân đội Mỹ vào năm 2012.

Việc một chiếc máy bay được xem là hiện đại và tối tân là F-22 bị dừng sản xuất được xem là chuyện khá lạ. F-22 ban đầu được chế tạo để thay thế cho F-15. Tuy nhiên, F-15 vẫn được tiếp tục phát triển với biến thể gần nhất là F-15EX Eagle II trong khi F-22 bị dừng lại vì một số lý do.

Nguyên nhân chính là do Mỹ thiếu thông tin về sự phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga và Trung Quốc, nên họ quyết định sẽ giảm việc tập trung vào các máy bay chiến đấu tàng hình chiếm ưu thế trên không.

Ngoài ra, giá thành đắt đỏ của F-22 cũng là một lý do, cũng như việc Mỹ cũng quyết định dồn đầu tư để phát triển cả tiêm kích F-35 dựa trên những kinh nghiệm thu được từ F-22.

Mặc dù vậy, ngay cả khi F-35 được hoàn thiện, F-22 vẫn được giới chuyên gia quân sự xem là "ông vua" bầu trời trong không quân Mỹ. F-22 có thể mang 4 tên lửa AIM-120 AMRAAM và 4 tên lửa AIM-9 Sidewinder khi cần làm nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, cùng một khẩu pháo 20mm bên trong. Nó cũng có thể phóng ra vũ khí không đối đất như bom dẫn đường JDAM và các loại bom đường kính nhỏ.

Theo các chuyên gia, nếu Mỹ tập trung phát triển thêm F-22, họ có thể thu được nhiều sản phẩm tốt hơn nữa, đó có thể là một lựa chọn tốt hơn là việc đổ một khoản tiền khổng lồ vào việc phát triển F-35 - dự án máy bay chiến đấu đắt đỏ chưa từng có trong lịch sử.