1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiếu tia laser máy bay bị coi là phạm pháp ở nhiều quốc gia trên thế giới

(Dân trí) - Một trong những mối đe dọa lớn với ngành hàng không đó chính là việc bị chiếu tia laser buồng lái bởi lẽ nó có thể khiến phi công mất kiểm soát khi đang điều khiển máy bay. Do mức độ nguy hiểm của nó, việc chiếu tia laser bị coi là phạm pháp ở nhiều quốc gia trên thế giới.


(Ảnh minh họa: Guardian)

(Ảnh minh họa: Guardian)

Việc phi công bị chiếu laser khi đang điều khiển máy bay không còn xa lạ với ngành hàng không thế giới. Theo thống kê của Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA), số vụ tấn công bằng laser nhằm vào máy bay thương mại vượt 6.600 vụ.

Các tia laser được phân thành 4 cấp, từ cấp 1 đến cấp 4. Trong đó, cấp 1 dùng trong các thiết bị đọc đĩa CD và cấp 4 thậm chí có thể đủ mạnh để cắt kim loại. Laser có 2 loại gồm tia laser đỏ, thường thấy là các bút laser dùng để chỉ trong khi trình chiếu tài liệu. Một loại khác là tia laser xanh, có bước chiếu xa hơn, năng lượng phát ra gấp 35 lần so với loại ánh sáng đỏ, và được ứng dụng trong công nghệ trình chiếu ánh sáng, hiệu ứng ánh sáng nhất định. Người thường nếu bị tia laser xanh chiếu vào mắt với cường độ cao có thể bị tổn thương giác mạc, thậm chí có thể mù vĩnh viễn.

Tất nhiên, một phi công rơi vào trạng thái đau đầu, chóng mặt, tổn thương võng mạc, mù mắt dù là tạm thời, cũng không thể điều khiển hay cho máy bay hạ cánh an toàn được.

Do mức độ nguy hiểm của nó, việc chiếu tia laser bị coi là phạm pháp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ví dụ, tại Anh, từ năm 2010 đến 2014, đã có 199 người bị kết án vì tội gây nguy hiểm cho phi công và máy bay tại Anh. Vào năm 2015, một người đàn ông tấn công một máy bay trực thăng của cảnh sát Scotland bằng bút laser đã bị phạt 12 tháng tù. Năm 2014, 3 người tại Leicestershire cũng đã bị bắt giam vì sử dụng bút laser để làm chói mắt phi công khi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay East Midlands.

Tại Mỹ, vào năm 2012, một cặp đôi ở California phải lãnh án lần lượt 14 năm và 5 năm tù giam cùng với số tiền nộp phạt sau khi sử dụng đèn laser mạnh gấp 13 lần so với đèn laser thông thường để chiếu vào buồng lái của một chiếc máy bay. Gần đây nhất, tháng 6/2015, một người đàn ông Mỹ, tên Michael Brandon Smith cũng đã bị kết án 2 tháng quản thúc tại nhà và 2 năm quản chế, khi dùng đèn chiếu laser chiếu vào một chiếc trực thăng khiến phi công tạm thời mất phương hướng.

Hiện tại mặc dù các phi công đều được huấn luyện ứng phó với tình huống bị chiếu tia laser, tuy nhiên vẫn chưa có một giải pháp triệt để nhằm đối phó với vấn đề này. Phi công có thể được trang bị các loại kính giúp bảo vệ mắt trước các tia laser, nhưng điều này chỉ có tác dụng khi loại kính đó phù hợp với tần số của tia laser, nghĩa là phi công phải biết rõ về tia laser mình sẽ gặp phải. Nếu gặp phải những tia laser ‘lạ’, những loại kính này cũng trở nên vô dụng, thêm vào đó, hiệu ứng tạo khói của những chiếc kính phi công khi ngăn cản chùm tia laser chiếu tới sẽ làm giảm đi tầm nhìn của phi công, nhất là khi bay vào ban đêm.

Một khía cạnh nữa được bàn đến là khi bị chiếu laser từ mặt đất, dù các phi công có thể xác định được chính xác tia laser được chiếu lên từ đoạn đường nào hay tòa nhà nào, thì khả năng cảnh sát bắt được thủ phạm vẫn rất thấp.

Minh Phương

Tổng hợp