Chiêu lừa người có trình độ cao sang Campuchia của những kẻ buôn người
(Dân trí) - Các phần tử buôn người tại Campuchia cần những người am hiểu công nghệ để thực hiện các trò lừa đảo, trong khi Campuchia lại thiếu những người như vậy.
DW đưa tin, những vụ đào thoát và giải cứu người nước ngoài khỏi tội phạm tại các sòng bạc của Campuchia và các cơ sở kinh doanh khác gần đây đã cho thấy một vấn đề nghiêm trọng của nạn buôn người ở quốc gia Đông Nam Á này. Nhiều nạn nhân sập bẫy bởi những trò lừa đảo trực tuyến.
Hai tuần trước, cảnh sát Campuchia đã bắt 15 công dân Thái Lan bị truy nã vì tội lừa đảo qua mạng và làm việc bất hợp pháp từ một khu nhà ở thành phố cảng Sihanoukville, theo yêu cầu của Đại sứ quán Thái Lan ở Phnom Penh.
Vụ bắt người diễn ra trong bối cảnh Campuchia và lực lượng cảnh sát từ nhiều quốc gia khác trong khu vực đẩy mạnh nỗ lực giải cứu công dân của họ và triệt phá các tổ chức buôn người.
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền ở Campuchia, ông Vitit Muntarbhorn, đã kết thúc chuyến công tác kéo dài 11 ngày ở đây vào cuối tháng 8. Ông nói rằng các nạn nhân buôn người đang trải qua một "địa ngục trần gian", trong đó nhiều người bị tra tấn hoặc thậm chí mất mạng.
"Các nước đang thức tỉnh trước hiện tượng này và Campuchia cần kích hoạt các biện pháp đối phó mạnh mẽ hơn, đồng thời chấp nhận sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế", ông Muntarbhorn phát biểu với DW.
Lừa đảo trực tuyến thúc đẩy nạn buôn người
Trong những năm qua, Campuchia đã bị biến từ một nguồn cung cấp "con mồi" thành một điểm đến chính của nạn buôn người ở Đông Nam Á thông qua hình thức lừa đảo trực tuyến.
Những kẻ buôn người - bao gồm nhiều đối tượng có liên hệ với các băng nhóm tội phạm có tổ chức - đang nhắm vào công dân nước ngoài thông qua các ứng dụng mạng xã hội, với lời hứa cung cấp công việc lương cao kèm theo chỗ ở.
"Ban đầu, những kẻ lừa đảo nói với tôi rằng tôi có thể đến Campuchia để kiếm một công việc tốt vì tôi là một kỹ sư và tôi có thể nói tiếng Anh", Wei, một thanh niên Trung Quốc yêu cầu không tiết lộ họ vì lý do an ninh, nói với DW. Sau đó, anh rơi vào tay bọn buôn người ở Campuchia.
Khi Wei đến Campuchia, bọn lừa đảo đã lấy hộ chiếu và thị thực của anh. "Họ yêu cầu tôi làm việc cùng họ, nếu không tôi sẽ phải trả 30.000 USD", anh kể.
Chúng giam Wei trong một khu nhà 5 tháng trước khi anh có thể trốn thoát hồi đầu tháng 9.
Nạn nhân có thể là những người có trình độ cao
"Những nạn nhân mà bọn tội phạm lừa đến Sihanoukville không phải là những người lao động có tay nghề thấp, mà là những thanh niên có bằng cấp và biết nhiều thứ tiếng hoặc thành thạo nhiều nghề", Kaili Lee, giám đốc phụ trách các vấn đề di cư của Quỹ Garden of Hope, nói với DW.
Quỹ Garden of Hope, tổ chức ở vùng lãnh thổ Đài Loan chuyên hỗ trợ nạn nhân buôn người, nhận thấy hầu hết các nạn nhân Đài Loan bị dụ đến Campuchia thuộc độ tuổi từ 24 đến 29, với 629 trường hợp mắc kẹt mà giới chức công bố vào cuối tháng 8.
Theo Kaili Lee, các tổ chức buôn người cần những người thông minh, hiểu biết về máy tính, công nghệ để thực hiện các vụ lừa đảo của chúng. Vì Campuchia thiếu những người như thế, bọn tội phạm đang lùng sục khắp khu vực và lôi kéo những người có trình độ, học thức từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả châu Âu và châu Mỹ.
"Trong 5 tháng làm việc tại công ty lừa đảo, tôi đã thấy những người Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và thậm chí cả người Mỹ cũng bị lừa", anh Wei kể.
Wei cố gắng liên lạc với cảnh sát để biết cách trốn thoát. "Nhưng khi những kẻ lừa đảo phát hiện nỗ lực của tôi, chúng tức giận và ép tôi đến một căn phòng không có thức ăn và nước uống trong 30 giờ. Chúng đánh, tra tấn tôi bằng súng điện", Wei nói.
Giới truyền thông dẫn lời các nạn nhân trốn thoát cho hay tình trạng tra tấn, cưỡng bức công dân nước ngoài trong hang ổ của bọn tội phạm khá phổ biến. Có những nạn nhân đã chết.
Điểm nóng Sihanoukville
Nhiều tổ chức tội phạm và cơ sở nhốt người nước ngoài liên quan đến thành phố Sihanoukville ở phía nam Campuchia. Sihanoukville trở thành đặc khu kinh tế theo thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Trung Quốc và Campuchia. Phát triển mạnh nhờ những khoản đầu tư lớn của Trung Quốc từ năm 2014 đến năm 2019, thành phố đã trở thành một điểm nóng cờ bạc.
Sau khi giới chức Trung Quốc và Campuchia phối hợp truy quét tội phạm xuyên quốc gia vào năm 2019, ngành cờ bạc ở Sihanoukville đã chuyển sang chế độ hoạt động ngầm.
Tình trạng phong tỏa vì đại dịch Covid-19 thôi thúc bọn tội phạm triển khai các hình thức lừa đảo trực tuyến để kiếm những khoản tiền lớn.
Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), nói rằng ông cảm thấy sốc vì bọn tội phạm có thể nhốt người trong các sòng bạc và tòa nhà trong nhiều năm mà không bị trừng phạt.