1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến trường Syria: Mỹ ra, Pháp vào đều ảo tưởng như nhau

Cả Mỹ và Pháp đều muốn tăng cường vị thế của mình tại Syria. Tuy nhiên sẽ khó có khả năng họ sẽ thành công trong tương lai gần.

Theo giới phân tích, Mỹ và Pháp đang tìm cách cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi niềm tin của Ankara đối với Mỹ bị hủy hoại nghiêm trọng.

Những tuyên bố khó thực hiện

Nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, sẽ khó có khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ sớm rút khỏi Syria trong tương lai gần, trong khi cam kết của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc làm trung gian hòa giải giữa Ankara và người Kurd cũng chỉ là “suy nghĩ xa vời”.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters

“Chỉ hơn 2 tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, việc người tiền nhiệm Barack Obama quyết định rút quân khỏi Iraq là một sai lầm và rằng ông sẽ không làm điều tương tự ở Syria”, ông Baris Doster, nhà khoa học chính trị tại Đại học Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Theo ông Doster, Mỹ đã hỗ trợ khá nhiều cũng như cung cấp không ít vũ khí cho các đơn vị bảo vệ người Kurd và Liên minh dân chủ người Kurd, các đơn vị dường như được Mỹ coi là lực lượng mặt đất của mình tại Syria. Bên cạnh đó, có ít nhất 20 căn cứ Mỹ trên lãnh thổ Syria. Với việc đầu tư lớn như vậy, Mỹ cũng không dễ dàng gì rời khỏi Syria.

Ngày 29/3, Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố Mỹ sẽ sớm rút khỏi Syria và “nhường” chiến trường này lại cho người khác. Bất ngờ hơn là ngay sau đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố ủng hộ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), gửi thêm quân tới khu vực Trung Đông và tạo điều kiện đàm phán giữa Ankara và các phiến quân người Kurd.

Điều đáng nói là Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vốn coi SDF có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) – tổ chức bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan khi đề cập tới cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Macron với một phái đoàn SDF ngày 29/3 đã nói rằng: “Tiếp đón các thành viên của một tổ chức khủng bố chẳng có gì khác ngoài sự thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ”.

Nói về tuyên bố của Tổng thống Pháp Macron, ông Doster cho rằng, cần phải nhìn vào lợi ích lâu dài của Pháp ở Trung Đông. Pháp lâu nay vẫn muốn tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông, nhưng đã không mấy thành công, trong đó có nỗ lực hòa giải xung đột giữa Palestine và Israel. Ảnh hưởng của Pháp trong vấn đề Syria cũng không mang quá nhiều dấu ấn nổi bật.

“Nếu xem xét về vị thế và ảnh hưởng của Pháp cũng như các mối quan hệ với khu vực Trung Đông, đặc biệt là với Syria, thì có thể nói rằng, Pháp đang muốn gia tăng vai trò của mình ở Syria, khi đã tận dụng tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Washington sẽ sớm rút khỏi Syria”, ông Doster nói.

Níu giữ đồng minh quay lưng?

Theo nhà phân tích các vấn đề Trung Đông Bora Bayraktar, chiến dịch Afrin (Syria) của Thổ Nhĩ Kỳ như một đòn giáng mạnh vào Mỹ khi Washington muốn củng cố vị thế của mình trong khu vực với sự trợ giúp của SDF.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh trong NATO của cả Mỹ và Pháp, lại có mối quan hệ gần gũi với Nga và Iran trong khuôn khổ các cuộc đàm phán Astana và Sochi về giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.

Những yếu tố này khiến Mỹ “phải tìm kiếm các công cụ mới”. Thất bại trong việc đạt được mục đích bằng cách gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ, các nước phương Tây giờ lại quay sang muốn đối thoại với Ankara.

Theo ông Bayraktar, do niềm tin của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Mỹ đã bị phá hủy nghiêm trọng, Washington có thể đang tìm cách thu hẹp khoảng cách với Ankara thông qua Pháp.

Ông cho rằng, vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã được thảo luận trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 27/3. “Tuy nhiên, rõ ràng là những sáng kiến như trung gian hòa giải giữa người Kurd và Ankara sẽ không thể nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và cơ hội thực hiện gần như bằng không”.

Ông Bayraktar cũng cho rằng, khó có khả năng Mỹ sẽ sớm rời khỏi Syria và Pháp sẽ gửi thêm quân tới đây. “Những bước đi đó đòi hỏi những khoản chi phí đảng kể, trong khi hậu quả của nó là không thể đoán trước được”. Theo ông, cần phải nhìn vào bức tranh tổng quan khi nhắc đến kế hoạch của Mỹ về tăng cường sự hiện diện ở Iraq.

Còn đối với Pháp, Pháp là nước hứng chịu nhiều vụ tấn công khủng bố đẫm máu liên quan tới IS. Sẽ càng khó có chuyện Pháp sẽ can thiệp vào Syria, bởi như vậy chẳng khác gì tạo điều kiện một cách gián tiếp cho những tư tưởng cực đoan giữa những người nhập cư tại Pháp. Theo ông, tuyên bố của ông Macron không gì khác ngoài đánh lạc hướng dư luận khỏi các cuộc biểu tình của các công đoàn thương mại tại Pháp.

Theo Thùy Linh

VOV