1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Nghiên cứu sinh Trung Quốc chật vật xin visa Mỹ

(Dân trí) - Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và những quan ngại của Washington về việc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, các nghiên cứu sinh các ngành công nghệ cao của Trung Quốc rất vất vả trong quá trình xin thị thực sang Mỹ học tập.

Dòng người xếp hàng trước cổng đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh (Ảnh: SCMP)
Dòng người xếp hàng trước cổng đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh (Ảnh: SCMP)

Khi Sonia Sun quay trở lại Trung Quốc hồi cuối tháng 5 để xin cấp lại thị thực Mỹ cho chương trình tiến sĩ về kỹ thuật mà cô đang theo học, Sun đã gặp rất nhiều trở ngại.

Năm ngoái, nghiên cứu sinh 29 tuổi của trường Purdue ở West Lafayette, Indiana, phải di chuyển một quãng đường xa tới Quảng Châu và chờ trong 6 tuần để có thể lấy được thị thực J-1, thị thực không nhập cư Mỹ cấp cho các nhà nghiên cứu, giáo sư, tri thức trao đổi.

Trong nửa giờ phỏng vấn với nhân viên lãnh sự quán, Sun được hỏi rất nhiều về lĩnh vực nghiên cứu và lý do cô lựa chọn Mỹ là nơi học lên cao hơn. “Khi họ nhận ra ngành học của tôi là viễn thông, cuộc phỏng vấn đột ngột dừng lại và một nhân viên bảo tôi rằng hồ sơ của tôi cần kiểm tra thêm”, Sun nói.

Điều này trái ngược hoàn toàn so với năm 2016, khi Sun dễ dàng nhận được thị thực chỉ sau 2 tuần nộp hồ sơ.

Sun cảm thấy rất lo lắng trong vòng 2 tháng sau khi cô nộp hồ sơ và lý giải cụ thể lý do cô chọn nghiên cứu ngành viễn thông. Cuối cùng, cô đã nhận được thị thực gia hạn vào ngày 1/8.

“Tôi không chỉ lo ngại về thị thực. Tôi phải kiểm tra các chuyến bay mỗi ngày và tính toán xem khi nào bay sang Mỹ vé sẽ rẻ nhất trong trường hợp thị thực bị muộn và tôi sẽ phải làm gì nếu hồ sơ của tôi bị từ chối”, Sun chia sẻ.

Sun là một trong rất nhiều nghiên cứu sinh Trung Quốc nằm trong diện bị Mỹ siết chặt quy trình xác minh thị thực trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ -Trung đang leo thang mỗi ngày.

Siết chặt chính sách

Từ ngày 11/7, các nghiên cứu sinh tiến sỹ Trung Quốc học tại Mỹ về các ngành như hàng không, tự động hóa, robot, kỹ thuật công nghệ cao sẽ chỉ được cấp thị thực có hạn tối đa 1 năm. Sau 1 năm, để được cấp mới, họ sẽ phải vượt qua vòng kiểm tra của Mỹ nhằm xác minh xem công việc họ nghiên cứu và quản lý có liên quan tới những tổ chức nằm trong danh sách tình nghi của Mỹ hay không.

Theo AP, biện pháp trên nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của Mỹ trong khi Trung Quốc đang đẩy nhanh chính sách “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”. Đây là chương trình được Trung Quốc công bố từ năm 2015 nhằm chuyển trọng tâm từ nghiên cứu đầu tư trong nước sang đổ tiền vào các thị trường nước ngoài. Đứng đầu trong danh sách ưu tiên đầu tư là các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và du hành không gian. Tham vọng của Trung Quốc là trong tương lai, họ sẽ trở thành vị trí số 1 thế giới về khoa học và công nghệ.

Chính vì vậy, Mỹ đã có một số biện pháp nhằm ngăn chặn viễn cảnh Trung Quốc có thể sở hữu những bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ của Washington phục vụ mục đích của Bắc Kinh.

Từ khi nhậm chức đầu năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump để thể hiện quan điểm cứng rắn với vấn đề nhập cư, lo ngại những đe dọa về an ninh quốc gia. Giới truyền thông cho rằng sự cứng rắn trong chính sách thị thực của chính quyền ông Trump đã ảnh hưởng tới các trường kinh doanh của Mỹ. Theo thống kê, hai phần ba sinh viên nước ngoài đã không còn hứng thú với việc theo học tại các trường kinh doanh Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2016.

Một trong những lý do tụt giảm là vì các sinh viên lo ngại rằng chương trình nhập cư của ông Trump sẽ ảnh hưởng tới khả năng họ có thể nhận được thị thực H1-B sau khi tốt nghiệp. Loại thị thực này thường áp dụng cho những sinh viên theo nhóm ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán (STEM), cung cấp quyền cư trú để họ có thể làm việc trong các công ty về công nghệ.

Trong báo cáo chiến lược an ninh quốc gia hồi tháng 2, Mỹ khẳng định sẽ cân nhắc hạn chế cấp thị thực cho các sinh viên nhóm ngành STEM từ một số quốc gia nhằm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ sẽ không rơi vào tay đối thủ của Mỹ.

Trong 362.000 người Trung Quốc sang Mỹ du học năm 2017, có 42% trong số đó theo học nhóm ngành STEM, theo số liệu của Bộ An ninh Nội địa Mỹ.

Không có số liệu chính xác về số lượng học giả Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chính sách siết chặt của Mỹ, nhưng các sinh viên, nghiên cứu sinh khoa học công nghệ của Bắc Kinh dường như bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Một giáo sư về viễn thông Trung Quốc họ là Wang cho biết, đồng nghiệp của ông tại một trường đại học hàng đầu Trung Quốc đã bị Mỹ từ chối không cấp thị thực để sang Honolunu, Hawaii tham gia một hội thảo về công nghệ. Trước đó, người bị từ chối đã đi sang Mỹ nhiều lần và tới lần này ông bị trả lại hồ sơ mà không có môt lời lý giải.

Đức Hoàng

Theo SCMP