1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến thuật của Ukraine dùng lá chắn phòng không giả đánh lừa tiêm kích Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine dường như sử dụng thiết bị do Mỹ viện trợ như lá chắn phòng không giả để làm rối loạn tiêm kích Nga, cũng như bù đắp cho việc Kiev thiếu các tổ hợp phòng thủ và tên lửa.

Eurasian Times đưa tin, Mỹ dường như đã viện trợ cho Ukraine "thiết bị phát ra mối đe dọa". Thực chất đây là một thiết bị có thể phát ra tín hiệu như radar phòng không nhưng không có đủ chức năng của radar. Mặc dù vậy, nó có thể đánh lừa hiệu quả tiêm kích đối thủ, khiến Nga tin rằng đây là một tổ hợp phòng không của Ukraine.

Theo giới quan sát, đây được xem là giải pháp tình thế trong bối cảnh Ukraine đang thiếu nhiều hệ thống phòng không để bảo vệ vùng trời trước sự áp đảo của đối thủ về năng lực quân sự.

Ukraine thiếu lá chắn phòng không

Chiến thuật của Ukraine dùng lá chắn phòng không giả đánh lừa tiêm kích Nga - 1

Xe phóng đạn của hệ thống S-300PS Ukraine (Ảnh: Wiki).

Gần 10 tháng sau khi cuộc chiến bùng phát, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS) dù vượt trội về số lượng và công nghệ so với lực lượng Không quân Ukraine, nhưng vẫn chưa giành được quyền kiểm soát hoàn toàn không phận Ukraine.

Theo Eurasian Times, cuộc chiến trên không không chỉ là cuộc đọ sức của thiết bị và khí tài 2 bên mà còn là chiến thuật để ngăn máy bay Nga bay vào vùng trời, dựa trên hàng loạt hệ thống phòng không.

Ukraine triển khai các hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa, như S-300 và Buk-M1, buộc các máy bay chiến đấu của Nga phải bay ở độ cao dưới 4.500m, ngay trong tầm bắn của các hệ thống phòng không di động vác vai (MANPADS).

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng bệ phóng tên lửa đất đối không (SAM) và các rocket SAM mà Ukraine sở hữu dường như đang giảm sút với tốc độ mà giới quan sát đánh giá là có thể gây ra vấn đề lớn cho Kiev.  

Theo trang quân sự Oryx, hình ảnh từ hiện trường xác nhận Ukraine mất khoảng 36 bệ phóng S-300. Có khả năng, con số thực tế sẽ còn lớn hơn vì có một số vụ phá hủy không được công bố hình ảnh.

Thêm vào đó, Nga trong những tháng gần đây đang sử dụng chiến thuật mưa hỏa lực khi phóng số lượng lớn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tự sát để gây áp đảo hệ thống phòng không Ukraine. Các vụ tấn công dồn dập đã khiến cho kho tên lửa SAM của Ukraine đối mặt với nguy cơ cạn kiệt.

Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, cho biết Kiev đang thảo luận với các nước khác để bổ sung thêm vào kho tên lửa S-300 của Ukraine.

"S-300 hoạt động rất tốt. Nhưng một thực tế là chúng không được sản xuất tại Ukraine, nghĩa là chúng tôi đang phải lấy hỏa lực từ kho dự trữ. Do đó, chúng tôi đang đàm phán với các bên về việc chuyển tên lửa S-300 từ kho dự trữ của họ sang Ukraine", ông Reznikov nói.

Chiến thuật lá chắn phòng không giả

Chiến thuật của Ukraine dùng lá chắn phòng không giả đánh lừa tiêm kích Nga - 2

Một thiết bị phát ra mối đe dọa của Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Aviation Week cuối tuần qua dẫn nguồn tin cho hay, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine các "thiết bị phát ra mối đe dọa" để Kiev đánh lừa Nga cho đến khi Ukraine được cung cấp thêm các hệ thống phòng không.

"Thiết bị phát ra mối đe dọa" có khả năng phát ra tín hiệu vô tuyến tương tự như radar phòng không, nhưng không có hệ thống xử lý tín hiệu và dữ liệu.

Các quân đội thường sử dụng nó để huấn luyện phi hành đoàn xác định và phản ứng với các mối đe dọa trong các tình huống chiến đấu mô phỏng thực tế. Các thiết bị này có khả năng phát ra các tín hiệu khác nhau, tương ứng với từng loại radar phòng không khác nhau.

Trong tác chiến thực tế, các "thiết bị phát ra mối đe dọa" có thể đánh lừa tiêm kích đối thủ bằng cách tạo cho họ ấn tượng rằng họ đang đối phó với hệ thống phòng thủ mạnh hơn thực tế. Trong một số trường hợp, đối thủ quyết định không tấn công vì lo ngại bị bắn rơi.

Đây không phải là lần đầu Ukraine sử dụng vũ khí giả để đánh lừa Nga. Họ từng triển khai hệ thống S-300 giả hoặc pháo phản lực phóng loạt HIMARS giả để khiến Nga tiêu tốn tên lửa tập kích.

Với radar phòng không giả, Ukraine được cho đang biến "thiết bị phát ra mối đe dọa" trở thành radar 36D6M1-1. Ukraine bán radar phòng không này cho Mỹ vào năm 2018. Radar này có khả năng tích hợp với S-300 vì vậy phi công Nga có thể tưởng rằng phía dưới là hệ thống phòng không uy lực, nhưng trên thực tế chỉ là một thiết bị không có khả năng tấn công.

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine