1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến thuật của đặc nhiệm Mỹ giúp Ukraine đối phó "hỏa lực" Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine đã dựa trên một học thuyết do Mỹ phát triển, trong đó quân đội và dân thường cùng tham gia vào các hoạt động phòng vệ, để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

Chiến thuật của đặc nhiệm Mỹ giúp Ukraine đối phó hỏa lực Nga - 1

Lực lượng Ukraine phóng rocket vào mục tiêu của Nga ở Donbass (Ảnh: AFP).

Học thuyết "Khái niệm hoạt động kháng chiến" (ROC) do quân đội Mỹ phát triển, nhằm cung cấp kế hoạch chi tiết cho các quốc gia nhỏ hơn để đối phó các cường quốc lớn hơn. ROC được phát triển vào năm 2013 sau cuộc xung đột Nga - Gruzia (2008) và được chú ý hơn nữa sau khi Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014.

Học thuyết ROC cung cấp "cách tiếp cận sáng tạo và độc đáo đối với chiến tranh và phòng thủ toàn diện". ROC không chỉ hướng dẫn cho các hoạt động của quân đội Ukraine mà còn lôi kéo sự tham gia của lực lượng dân sự trong việc đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

"Họ đang sử dụng mọi nguồn lực và một số phương tiện rất độc đáo để chống lại quân đội Nga", Trung tướng Mark Schwartz, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Các chiến dịch Đặc biệt châu Âu, cho biết.

Theo Kevin D. Stringer, một đại tá quân đội đã nghỉ hưu, người đứng đầu nhóm phát triển học thuyết, các vụ nổ tại các cơ sở quân sự của Nga ở Crimea, nơi cách xa chiến tuyến Donbass ở miền Đông Ukraine, hồi đầu tháng 8 là dấu hiệu cho thấy Ukraine đã vận dụng ROC vào thực tiễn.

Trong những ngày qua, nhiều vụ nổ liên tiếp xảy ra ở Crimea, trong đó có khu vực gần trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga tại Sevastopol và gần cầu Kerch nối bán đảo với đất liền Nga. Các hệ thống phòng không của Nga đã được kích hoạt để bắn rơi vật thể được cho là máy bay không người lái Ukraine tìm cách tiếp cận căn cứ không quân Belbek.

Cho đến nay, Ukraine không công khai phủ nhận hay xác nhận liên quan đến các vụ nổ liên tiếp gần đây ở bán đảo Crimea. Tuy nhiên, một số quan chức phương Tây khẳng định, Kiev đứng sau ít nhất một số vụ, trong đó có vụ nổ ở căn cứ không quân Saky của Nga ở Crimea hôm 9/8.

Theo các nguồn thạo tin, lực lượng đặc nhiệm của Ukraine đã xâm nhập vào phía sau chiến tuyến của Nga và thực hiện các vụ phá hoại nhằm vào mục tiêu quân sự như kho vũ khí, đạn dược, trung tâm chỉ huy, nơi nằm ngoài tầm bắn của vũ khí tầm xa hiện nay của Kiev.

Nga cho biết các vụ nổ tại sân bay Saky của nước này ở phía tây Crimea là kết quả của một vụ tai nạn, trong khi kho đạn dược ở phía bắc bán đảo đã bị nhắm mục tiêu trong một "hành động phá hoại". Mặc dù Ukraine chưa bao giờ chính thức thừa nhận có liên quan tới các vụ tấn công này, nhưng một báo cáo của chính phủ Ukraine bị rò rỉ cho thấy, Kiev có thể đã đứng đằng sau.

"Vì không thể thực hiện các cuộc tấn công đó theo cách thông thường, nên họ sẽ sử dụng các lực lượng đặc nhiệm và những lực lượng đó sẽ hỗ trợ kháng cự bằng thông tin tình báo, nguồn lực, hậu cần để tiếp cận các khu vực này", ông Stringer nói về các vụ tấn công ở Crimea.

Theo học thuyết ROC, phản kháng dân sự bao gồm các hành động bất bạo động như tẩy chay các sự kiện công cộng, đình công, thậm chí sử dụng châm biếm và hài hước làm phương tiện phản kháng. Các hành động bạo lực, như sử dụng bom xăng hay cho hóa chất vào bình xăng để phá hoại phương tiện của đối phương cũng là một phần của học thuyết này.

Học thuyết cũng kêu gọi một chiến dịch truyền thông rộng rãi để đưa tin về cuộc xung đột, ngăn chặn việc phổ biến thông điệp của đối phương và duy trì đoàn kết nội bộ trong dân chúng.

Theo Nicole Kirschmann, phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt Đặc biệt ở châu Âu, ít nhất 15 quốc gia đã tham gia một số hình thức đào tạo về học thuyết kháng chiến của Lầu Năm Góc trong thập niên qua.

Học thuyết ROC sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện dân số, tài nguyên và địa hình của mỗi quốc gia. Estonia, Lithuania và Ba Lan là những quốc gia bày tỏ sự quan tâm tới học thuyết này.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm