1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến thuật bảo vệ máy bay quân sự Nga trước tên lửa tầm xa của Mỹ

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga được cho là đã chuyển 90% máy bay quân sự đến các căn cứ nằm ngoài tầm bắn của tên lửa ATACMS do Mỹ cấp cho Ukraine.

Chiến thuật bảo vệ máy bay quân sự Nga trước tên lửa tầm xa của Mỹ - 1

Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) khai hỏa trong cuộc huấn luyện chung giữa Mỹ và Hàn Quốc (Ảnh: Getty).

Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất có tầm bắn khoảng 165-300km. Mỹ lần đầu tiên cung cấp tên lửa ATACMS tầm xa cho Ukraine vào tháng 3 năm nay.

Một quan chức Mỹ trích dẫn một báo cáo tình báo mới của Mỹ nói với Wall Street Journal (WSJ) rằng, Nga đã ứng phó với việc Mỹ cấp ATACMS cho Ukraine bằng cách di chuyển hầu hết máy bay quân sự ra khỏi tầm bắn của tên lửa.

Theo quan chức Mỹ, với 90% máy bay nằm ngoài tầm bắn, việc Ukraine tìm cách tấn công sâu vào trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa ATACMS không có nhiều ý nghĩa về mặt chiến lược.

Quan chức Mỹ cũng nói với WSJ rằng lực lượng Ukraine có thể thành công hơn khi tấn công các căn cứ không quân của Nga bằng máy bay không người lái tầm xa của Kiev.

Với trọng lượng hơn 1,6 tấn, dài 4m và đường kính 610mm, ATACMS có thể bay ở tốc độ lên tới 1km/s ở trần bay khoảng 50km. Sử dụng thiết bị dẫn đường sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GPS, tên lửa này có sai số rất nhỏ dù có thể tấn công mục tiêu ở xa tới 300km.

Mỹ từng gửi phiên bản ATACMS với tầm bắn 150km vào mùa thu năm ngoái. Tuy nhiên, phiên bản tên lửa được gửi từ đầu năm có thể bay được tới 300km, đặt các mục tiêu có giá trị cao hơn của Nga vào tầm ngắm của Ukraine.

Phó Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh tuyên bố chiến dịch đột kích của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga "phù hợp với chính sách" của Washington, vì Kiev đang phòng thủ "chống lại các cuộc tấn công từ bên kia biên giới".

Khi được hỏi về việc liệu Ukraine được phép tấn công vào lãnh thổ Nga bao xa, bà Singh cho biết Mỹ "không ủng hộ các cuộc tấn công tầm xa", nhưng từ chối nêu rõ khoảng cách chính xác. Phát biểu này có ý cấm Kiev sử dụng ATACMS trong lãnh thổ chủ quyền của Nga.

Mỹ cho đến nay vẫn chưa bật đèn xanh cho việc sử dụng vũ khí tầm xa do Washington cung cấp trong đòn đột kích của Kiev vào tỉnh Kursk.

CNN ngày 16/8 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Washington ngần ngại trong việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa bên trong Kursk "không phải vì nguy cơ leo thang căng thẳng với, mà vì nguồn cung cấp vũ khí của Washington có hạn".

Mỹ chỉ viện trợ cho Ukraine một số lượng giới hạn ATACMS và Washington dường như cho rằng Kiev cần ưu tiên sử dụng vũ khí này vào những mục tiêu nhằm đạt hiệu quả tốt nhất, ví dụ bán đảo Crimea. 

Theo các quan chức Mỹ, tên lửa ATACMS tốt nhất là nên "tiếp tục nhắm vào bán đảo Crimea do Nga kiểm soát", khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập năm 2014.

Các quan chức Mỹ và phương Tây quen thuộc với thông tin tình báo mới nhất "đã cảnh báo rằng Ukraine rất khó có thể giữ được" lãnh thổ của Nga.

Moscow nhiều lần tuyên bố coi việc Kiev dùng vũ khí phương Tây tấn công vào lãnh thổ nước này là vượt "lằn ranh đỏ" và sẽ đáp trả bằng mọi công cụ sẵn có, bao gồm cả phương án tấn công hạt nhân.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 27/8 cáo buộc phương Tây đang tìm cách leo thang cuộc xung đột Ukraine và "gây rắc rối" bằng cách xem xét yêu cầu của Kiev về nới lỏng các hạn chế sử dụng vũ khí do nước ngoài viện trợ.

Theo Kyiv Independent